Nhà nghỉ bi hài ký

Nhà nghỉ bi hài ký
Giờ đi qua bất cứ con phố nào cũng thấy có nhà nghỉ. Thậm chí có phố lố nhố toàn nhà thò ra, thụt vào với những bảng hiệu lòe loẹt diêm dúa, khoa trương hoặc một cái biển nhỏ khiêm tốn với mấy chữ viết nguệch ngoạc "đi vào 20m nhà nghỉ, có chỗ để xe ôtô".

> Mại dâm núp bóng massage, hớt tóc
> Cặp tình nhân 9X vào nhà nghỉ tự sát vì bị cấm 'yêu'?

Nhu cầu về nhà nghỉ bung ra nhưng cung không đủ cầu, từ bên này thành phố qua cây cầu vắt ngang sông Hồng là Gia Lâm, địa danh mà mỗi lần nhắc đến người ta tủm tỉm cười nghĩ ngay đến khu nhà nghỉ đình đám nổi lên từ những năm đầu của thập niên 90.

Nguyễn Văn Cừ, con phố chính của địa bàn có hàng trăm cái khách sạn mini nhộn nhịp tấp nập kẻ ra người vào. Nhưng, đã từ lâu nó không còn là phố độc quyền nhà nghỉ nữa mà nhường ngôi cho nhiều con phố khác ở bên này thành phố.

Ngay tại trung tâm thành phố Hà Nội, nhiều con phố nhiều người đã thay tên đổi họ và gọi nó là "phố nhà nghỉ". Và, đương nhiên, chuyện xảy ra ở phố nhà nghỉ cũng có 1.001 câu chuyện mà nếu là một cuốn tiểu thuyết chắc chắn sẽ có nhiều chương hồi với những câu chuyện "đời cười" ra nước mắt.

Một đồng nghiệp của tôi đã tiết lộ con số độc đáo mà ngay khi vào Facecbook của anh, tôi choáng, nổi da gà. Anh ấy kể: "Không tính cả phường đâu nhá, chỉ riêng tổ dân phố mình có 23 cái nhà nghỉ trên tổng số 87 hộ gia đình.

Hôm họp tổ dân phố, bác tổ trưởng bảo: "Thế mới kinh chứ!". Khu mình là làng chính hiệu không gần Gia Lâm, cũng không gần trung tâm.

Làng mình nép mình bên dòng sông Tô Lịch một màu và nhiều mùi. Có điều người làng mình không sử dụng dịch vụ của làng mà lại sang ủng hộ dịch vụ ở làng khác.

Tò mò, tôi hỏi mới biết chỗ anh ở là một tổ dân phố phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Khi đang loay hoay giải mã tại sao người ta kinh doanh gì mà khiếp thế.

Chắc là "kiếm được" nên khu nhà nghỉ cứ mọc ra như nấm, mặc cho lạm phát và giá cả leo thang ầm ầm, dịch vụ "nghỉ cho khỏe" xem ra vẫn đắt hàng.

Trưa, thằng bé nhà tôi đi học về nó đã ấp úng hỏi mẹ: "Thứ bảy này mẹ có bận gì không?". "Để làm gì hả con?". Thằng bé nói: "Thứ bảy này mẹ đưa con đi cưới đứa bạn cùng lớp nhé".

Trời! cái gì hả?! Một đứa con gái có 14 tuổi đầu bày đặt cưới mới xin. Thì ra, nó đã bụng bầu 5 tháng. Đầu năm cũng trong lớp đấy một thằng bé trai mặt mũi khôi ngô mới có 15 tuổi phải cưới vợ (nó học chậm một năm). "Vợ" nó hơn nó 1 tuổi.

Hai đứa là học sinh. Thằng bé lớp 8, con bé lớp 9. Chúng quen nhau qua chát chít trên mạng. Rồi sau đó… đứa con gái mang bầu, thằng bé trở thành "ông bố" bất đắc dĩ, rồi nó thôi không đi học nữa, ở nhà học nghề làm bánh.

Con tôi bảo: "Úi giời! Chỉ cần có 200 nghìn là giải quyết xong chuyện. 50 nghìn hai đứa đi ăn hai bát phở. 150 nghìn vào nhà nghỉ cũng được cả buổi chiều. Thằng Thành chỉ vì như thế mà phải bỏ học. Cái Hà chỉ vì như thế mà dính chưởng".

Hóa ra, bọn trẻ con bây giờ đi học không ngây ngô như mình hồi xưa. Chúng nói đủ thứ chuyện, và cái tuổi dở dở ương ương, lớn chẳng ra lớn, bé chẳng ra bé thì chúng đề cập cả về vấn đề "tế nhị ấy nữa".

Hôm nọ, hai mẹ con ngồi taxi đi về nhà qua phố V, quận Hoàng Mai, nó bảo: "Phố này toàn nhà nghỉ, karaoke…".

"Ơ! Sao con biết?". Nó liến thoắng: "Mẹ lạc hậu quá rồi, hỏi những đứa bằng tuổi con xem đứa nào chẳng biết. Bọn con trai đương nhiên biết. Bọn con gái còn bạo gan hơn nhiều".

Đang mệt mỏi với sự lớn trước tuổi của tụi nhỏ, bây giờ thì chợt nhớ ra bác giúp việc nhà tôi có cô con dâu phụ giúp chị gái mở nhà nghỉ ở khu Thanh Xuân.

Thi thoảng bác lại xin nghỉ để sang bên đó phụ giúp lau dọn phòng và giặt chăn ga gối… Bác bảo với tôi, cứ sang đấy dăm ngày là đầy chuyện hay.

Sáng hôm sau tôi chở bác giúp việc đến nơi "tập kích" cho công việc của mình. Nhà nghỉ của chị gái cô con dâu bác giúp việc mang cái tên rất sến: "Hoàng hôn tím".

Cách "Hoàng hôn tím" khoảng 5 nhà là nhà nghỉ "Hằng Nga" và "Chiều muộn". Cả ba nhà nghỉ mini này đều cao 5 tầng sơn màu vàng sậm. Tôi ngồi ở quầy bar của "Hoàng hôn tím" cho tiện việc quan sát.

9 giờ sáng, một cô cháu gái của gia chủ khệ nệ bê giỏ trái cây… bày hấp dẫn trên khay, đặt ở bàn lễ tân. Mùi khử phòng của sunline hoa hồng nhức mũi rất đặc trưng mùi vị lau phòng nhà nghỉ.

Kim đồng hồ nhích đến hơn 10 giờ thì có một cặp đôi đầu tiên đi vào. Anh chị chở nhau trên chiếc SH màu đen.

Cô bé ghi giấy ở quầy bar đon đả cười, nói nhỏ với tôi: "Khách quen, phòng vip".

Anh thanh niên xăm trổ rồng phượng trên tay, cổ đeo xích bạc, tay đeo nhẫn khủng, co người khỏe mạnh, vạm vỡ.

Còn người phụ nữ hơn anh này khoảng chục tuổi, khuôn mặt của giải phẫu thẩm mỹ quá đà và thân hình phốp pháp quá mức.

Quả là chị ta ăn mặc quá táo bạo khi cái cổ áo trễ xuống để lộ rõ cái rãnh sâu của bộ ngực đồ sộ như muốn chực nhao ra khỏi voan áo mỏng.

Cặp "tuyết lê" trắng ngần mời mọc lộ liễu. Khi cặp đôi này đã lên phòng để làm chuyện riêng của họ, thì thằng bé trông xe đã nheo mắt nói với vào quầy nơi chúng tôi đứng đấy: "Vục mặt vào đấy, khéo cái anh đi cùng mắc nghẹn, nghẹt thở… phục vụ chu đáo xong cũng được vài lít". Cặp đầu tiên, tôi gọi là "cặp chị em".

Mấy phút sau, một bác cũng phải gần 60 đi xe máy 82 đến, một em khoảng 27, 28 tuổi đi xe ôm vào. Đôi này phải là bố con, hay bác cháu mới hợp. Bác kia tóc trắng quá nửa đầu, em này son phấn nhạt nhòa, tóc dài ngang vai, họ nhanh chóng làm thủ tục rồi nhận phòng.

Bác giúp việc nhà tôi bảo: "Cái bác giai lúc nãy thi thoảng dăm bữa nửa tháng lại dẫn một em trẻ đến đây. Cô nào già nhất cũng chỉ dưới 40 thôi. Cô trẻ nhất chắc chỉ ngoài 20”.

Bác ấm ức: "Đàn ông thế mà hư, dối vợ, trốn con đến chốn này. Chẳng biết kiếm đâu ra mấy đứa con gái ấy, hết đứa này lại đứa khác, không khéo bệnh tật lại về nhà đổ cho vợ thì khốn…".

Thằng bé trông xe tinh quái: "Dính vào cái món đấy là nghiện đấy bà ơi. Mà cụ ấy già rồi, vợ cụ ấy chắc cũng già rồi, không "đỡ" nổi cho chồng nữa rồi, nên cụ đi "ăn cỏ" ở đồng ngoài".

Thằng bé ấy ở quê học hết lớp 9, nó lên thành phố kiếm việc, vất vưởng mấy năm rửa xe máy ở một số tiệm rồi loay hoay lạc bước đến chốn này trông xe được hai năm.

Hai năm ở đây ví như một lớp trường đời khiến nó tinh khôn, lọc lõi. Có lẽ nơi này nhiều tệ nạn, lắm cạm bẫy khiến nó thêm già dặn. Nó nói: "Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con".

Những khu nhà nghỉ ngày càng mọc ra như nấm sau mưa
Những khu nhà nghỉ ngày càng mọc ra như nấm sau mưa.

Gần trưa, khách có vẻ tăng hẳn, mỗi đôi mỗi kiểu. Xem cái kiểu bìu díu của họ thì đích thị là "ăn nem, ăn phở".

Đôi trẻ, đôi già, hay vừa già vừa trẻ cũng đều có cả. Có người tranh thủ buổi trưa tạt vào đây vui vẻ, dung dăng dung dẻ tí ti, mới đầu cũng định như thế nhưng rồi ngấm dần lúc nào không hay.

Cô gái quầy lễ tân bảo, có anh chị từ khi em đặt chân đến đây làm ba năm cho tới giờ hàng tuần vẫn đều đặn đến đây. Chả biết gia cảnh của họ ra sao, chắc anh này có vợ, còn chị kia chả hiểu thế nào nhưng họ đến nhà nghỉ cũng thất thường lắm.

Khi trưa, khi tối, nhưng chẳng bao giờ qua đêm cả. Nếu không vướng bận gì thì tại sao họ không cưới quách nhau cho rồi. Thế thì chắc hẳn một trong hai người còn vướng chuyện gia đình.

Con bé đoán già đoán non thế. Hôm họ đến mặt tươi như hoa, có hôm đến lại héo rũ, chị kia đôi mắt mọng nước, anh kia khuôn mặt như đưa đám.

Ai bảo "nhà nghỉ" là vào nhà để nghỉ đâu?! Sự đời đâu đơn giản thế. Có mà nghỉ… khối. Tranh thủ tí chứ. Họ yêu nhau cũng có, mà cãi lộn, thậm chí đánh lộn, dằn vặt nhau cũng có nữa kìa.

Mấy bác cháu đang trò chuyện rôm rả ở quầy lễ tân thì mùi mắm tôm ở đâu sực nức. Thì ra, khách họ tranh thủ nghỉ vài tiếng buổi trưa ở nhà nghỉ vừa nghỉ vừa ăn trưa luôn cho đỡ tốn thời giờ.

Hai anh chị này cũng rất khả nghi, anh ngoài 40, chị ngoài 30, họ cầm túi nylon và mùi ở đây bay ra, thì ra là lòng lợn mắm tôm. Gớm! Khiếp thật chiều chuộng nhau quá đà, sực nức cả khu nhà nghỉ vì cái… mắm tôm này.

Tầm 2 giờ chiều đã thấy hai cậu choai choai chở hai cô bạn đến đây. Mặt chúng non choẹt, mấy đứa vẫn ôm cặp sách, cười nói rôm rả, nhà nghỉ như chốn thân quen.

Chúng bá vai bá cổ gọi nhau "vợ chồng" nghe còn ngon ngọt hơn là vợ chồng thật.

Cô bé khoảng 16 tuổi nhìn vào khay hoa quả trên bàn lễ tân nói với cậu bạn: "Chồng ơi, vợ muốn ăn ổi". Cậu trai ga lăng: "Chị cho đĩa ổi lên phòng nhé".

Cô bé lễ tân bảo: “Hai đôi này còn ngoan chán, có những đôi chúng chơi chán rồi còn đổi phỏm cho nhau nữa kia. Chuyện đấy là chuyện thường ngày ở huyện ấy mà. Có gì lạ đâu!”.

Khách ra vào nườm nượp. Nhà nghỉ "Hoàng hôn tím" có 5 tầng, tất cả có 20 phòng chỉ còn khoảng 7 phòng trống. Thằng bé trông xe với kinh nghiệm từng trải dõng dạc bảo, mấy hôm nữa trời trở lạnh tha hồ mà kín phòng nhé.

Nó kể, đừng tưởng mùa hè mà không có khách. Nhà nghỉ đông hay ít khách phụ thuộc vào thời tiết. Trời nóng quá, hoặc lạnh quá đều đông khách. Trời nóng quá người ta lang thang ở đâu chẳng bằng chui vào điều hòa là sướng nhất. Mà đi là phải có đôi.

Trời lạnh quá, người ta có nhu cầu sưởi ấm, với lại lạnh người ta hấp thụ đồ ăn nhiều, ăn nhiều rồi cũng cần phải có chỗ mà thải. Thải ở đâu? Đương nhiên không phải là bãi rác công cộng mà là nhà nghỉ tư nhân. Tình dục sinh ra từ đấy.

yêu cũng sinh ra từ đấy. Những mối tình ngắn ngủi, vụng trộm cũng từ đấy mà ra cả. Khiếp vía cái thằng bé này. Nó nói thế, nhưng ngẫm mà thấy đúng.

Cô gái lễ tân, cậu giữ xe và bác giúp việc đều có kinh nghiệm trong việc ở nhà nghỉ nên nhìn biết đâu bồ bịch lâu năm, đâu mới yêu, đâu sếp với nhân viên.

Đâu nạ dòng với giai trẻ. Đâu là gái đú, gái ngoan, gái gọi. Gái đú là đi nhà nghỉ cốt chỉ chứng tỏ ta đây sành sỏi, nhất quyết không chịu kém miếng khó chịu, đi cho biết mùi đời. Gái đú ăn to nói lớn, chưa thấy người đã thấy tiếng.

Thường thì gái đú lắm giai. Chẳng phải vì tình nên một lúc có dăm ba anh để quay vòng. Gái ngoan chỉ chung tình với một người đàn ông, kể cả khi chàng đã có vợ.

Còn gái gọi thì nhìn cái biết liền, ăn mặc hớ hênh nhất quả đất, nhưng quan trọng nhất gái gọi đi vì tiền. Có tiền là đi. Có tiền là tiếp. Bất kể đối tác già trẻ lớn bé thế nào.

Trước nay cứ bảo nhà nghỉ có gì không lành mạnh đâu, chốn ấy để người xa nhà nhỡ nhàng vào nghỉ. Thực ra, có tận mục sở thị mới thấy nó đích thị là nơi hẹn hò trai gái yêu nhau cũng có, lợi dụng chiếm đoạt nhau cũng có. Cả mấy cô cậu học sinh tập tọe làm người lớn.

Và cả đàn ông đi tìm của lạ, đàn bà đi tìm giai trẻ. Cũng có thể do không tìm thấy sự viên mãn trong đời sống vợ chồng nên họ đến nhà nghỉ để bù lấp đi sự thiếu hụt. Hay một phút bồng bột, sốc nổi của tuổi trẻ. Cả những toan tính hoán đổi tình - tiền... và hàng trăm ngàn lý do khác nữa.

Mấy bác đi công tác xa nhà đã ở nhà khách của ngành, của đoàn mấy ai vào nhà nghỉ tư nhân? Nhà nghỉ tùy từng nơi như ở gần khu công nghiệp lại làm bãi đáp cho công nhân vào “đá gà, đá vịt”...

Không được sang, tinh tươm chăn êm nệm ấm như khách sạn, nó cũng không quá tồi tàn như nhà trọ. Xem ra, nhà nghỉ có lẽ hợp lý nhất phục vụ cho tầng lớp bình dân muốn ăn chơi hưởng lạc mà ví ít tiền.

Nhưng, phải công nhận nhà nghỉ có cái mùi rất đặc trưng. Nồng nồng, dậy dậy, do không gian nhỏ chật hẹp có phần tù túng nhưng ngột ngạt bởi xác thịt đặc quánh. Ôi! nhà nghỉ du ký… ăn tranh thủ, nghỉ bình dân đích thị là đây đấy.

Theo Mỹ Trân
Công An Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.