Vỡ thủy điện Đăk Mek 3: Xe ben bị oan!
> Công an điều tra vụ xe ben đâm vỡ đập thủy điện
> Vỡ đập thủy điện: Do xe ben!
Ông Lê Văn Thịnh, trưởng phòng giám định 1 Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhận định như vậy về sự cố vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Kon Tum kiểm tra hiện trường vụ vỡ tường thượng lưu thủy điện Đăk Mek 3. Ảnh: Lê Trung. |
Trao đổi với PV ngày 27-11, ông Lê Văn Thịnh cho biết: Thủy điện Đăk Mek 3 là công trình cấp III. Khi công trình này bị đổ một bộ phận và có một người chết thì là công trình có sự cố cấp II.
Theo quy định, khi có sự cố cấp II xảy ra ở công trình thì chủ đầu tư trong vòng 24 giờ phải có báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng biết. Nhưng sự cố xảy ra ngày 23-11, đến ngày 26-11 UBND huyện Đăk Glei không biết, Bộ Xây dựng chưa nhận được báo cáo thì chủ đầu tư vi phạm pháp luật về báo cáo sự cố.
Giám sát phải độc lập với chủ đầu tư
* Ông đánh giá gì khi chủ đầu tư khẳng định nguyên nhân khiến mặt đập thượng lưu thủy điện Đăk Mek 3 sụp đổ là do xe ben đụng?
"Chúng tôi muốn đẩy nhanh tiến độ nên đắp đập cộng với số lượng xe tải trọng lớn vào đổ đất, đá vào vùng thân đập dồn dập nên gây vỡ tường đập... Chúng tôi xin khẳng định rằng chúng tôi thi công đảm bảo chất lượng và đúng y như thiết kế. Đơn vị thi công là một công ty con của chúng tôi, đi làm cho công trình của mình thì dại gì ăn bớt để chất lượng không đảm bảo" Ông Lê Bá Thanh (giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Hồng Phát Đăk Mek) |
- Do chưa có báo cáo nên qua hình ảnh, thông tin báo chí, tôi hình dung đập được cấu tạo bởi hai tường bêtông ở thượng lưu và hạ lưu, ở giữa nhồi đất. Bản thân tường đập cấu tạo như thế thì phải chịu được áp lực đất hoặc các vật liệu rời nhồi trong đập, còn gọi là áp lực hông hay áp lực nở ngang.
Chủ đầu tư giải thích với báo chí là do dồn tải quá nhanh, bị xe tải 60 tấn huých vào gây sự cố thì có thể hiểu tất cả tác động đó đều là lực xô ngang. Nhưng cho dù lực xô ngang đó do áp lực đất hay tác động cơ học của xe tải va vào thì về nguyên tắc, tất cả tường chắn của thượng lưu và hạ lưu đập đều phải chịu được. Cho nên trước hết phải “sờ” đến trách nhiệm của nhà thầu thiết kế và cần xem xét lại thiết kế. Bởi vì thiết kế phải tính đến áp lực đất và áp lực xô đột ngột của xe tải nếu có trong quá trình thi công.
Tôi nghĩ không đến nỗi gì một tường chắn bêtông dày thế mà một xe tải xô vào có thể đổ được. Nếu đúng như vậy thì phần thiết kế có vấn đề.
Thứ hai là xem xét lỗi do thi công. Việc này thể hiện ở thông tin công nhân thi công ở đó cho biết trước đó đã xuất hiện vết nứt ở tường đập, và thực tế khi công an vào kiểm tra vẫn nhìn thấy vết nứt tồn tại ở những đoạn đập không bị đổ. Nếu có vết nứt thì phải xem xét do biến dạng co ngót của bêtông hoặc do chất lượng bêtông không đảm bảo, khả năng đầm nén không tốt.
* Hiện nay có một số công trình thủy điện chủ đầu tư vừa thiết kế vừa thi công, cơ quan quản lý chuyên ngành lại không kiểm tra chặt. Ông đánh giá việc này thế nào?
- Luật xây dựng và các quy định liên quan đều cho phép trong khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng, chủ đầu tư được tự thực hiện với điều kiện phải có đủ điều kiện, năng lực theo quy định. Điều 23 Luật đấu thầu đã quy định hình thức tự thực hiện được áp dụng trong trường hợp chủ đầu tư là nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện gói thầu thuộc dự án do mình quản lý và sử dụng. Đơn vị giám sát việc thực hiện gói thầu phải độc lập với chủ đầu tư về tổ chức và tài chính. Giả sử chủ đầu tư trong dự án thủy điện Đăk Mek 3 đủ năng lực thi công thì người giám sát phải độc lập với chủ đầu tư.
Dự án thủy điện Đăk Mek 3 thuộc dự án nhóm B, nguồn vốn tư nhân thì theo quy định, chủ đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự án nhưng phải tuân thủ về quy hoạch, tác động môi trường. Tuy nhiên nghị định 12/2009/NĐ-CP quy định thiết kế cơ sở của dự án phải được Sở Công thương là sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tham gia ý kiến. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thẩm định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.
Ông Lê Văn Thịnh. Ảnh: T.Phùng. |
Kiểm soát chất lượng công trình
* Quy định chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng trong khi sở chuyên ngành chỉ kiểm tra sự tuân thủ quy trình thì có thể dẫn đến kẽ hở trong việc kiểm soát chất lượng công trình?
- Đây là dự án do tư nhân thực hiện bằng nguồn vốn của họ nên theo quy định, về thiết kế cơ sở thì cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ tham gia ý kiến (Sở Công thương hoặc Sở Xây dựng theo sự phân cấp của UBND tỉnh). Còn thiết kế kỹ thuật do chủ đầu tư làm phải tuân thủ thiết kế cơ sở đã được cơ quan quản lý nhà nước tham gia ý kiến.
Dù sao, để xảy ra sự cố công trình như trên thì Sở Xây dựng và Sở Công thương chưa làm tốt trách nhiệm công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra chủ đầu tư tuân thủ pháp luật về quản lý chất lượng.
Dự thảo nghị định thay thế nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng đang được soạn thảo có đưa ra nội dung: tất cả những công trình liên quan đến an toàn cộng đồng như thủy điện không phân biệt nguồn vốn thì cơ quan quản lý nhà nước phải thẩm tra thiết kế để chủ đầu tư trên cơ sở đó thẩm định và phê duyệt nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn công trình.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng để thẩm tra đối với các công trình khi xảy ra sự cố có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, đe dọa đến an ninh, an toàn xã hội bao gồm: nhà chung cư từ cấp III trở lên; công trình công cộng từ cấp III trở lên; công trình công nghiệp từ cấp III trở lên; công trình kho xăng, kho dầu, kho chứa khí hóa lỏng, kho hóa chất không phân biệt cấp; công trình cầu, hầm, đường bộ, đường sắt, đường sắt đô thị, đường băng sân bay, bến, ụ nâng tàu, cảng bến thủy cho tàu, hệ thống cáp treo vận chuyển người không phân biệt cấp; công trình đê, đập không phân biệt cấp...
Trưng cầu kiểm định chất lượng công trình Sáng 27-11, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Kon Tum có mặt tại hiện trường công trình thủy điện Đăk Mek 3 (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei). Đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản với các đề xuất: tổ chức việc trưng cầu kiểm định chất lượng công trình, đặc biệt là hạng mục đập tràn (phần bị gãy vỡ hoàn toàn); yêu cầu chủ đầu tư báo cáo ngay sự cố cho Bộ Xây dựng và các đơn vị liên quan ở tỉnh Kon Tum, nộp toàn bộ hồ sơ chất lượng công trình về Sở Xây dựng Kon Tum, nộp toàn bộ hồ sơ từ công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật thi công, tổ chức thi công, giám sát của công trình cho Sở Công thương Kon Tum trước ngày 8-12. Không ai làm như thế cả Chiều 27-11, trao đổi với PV, GS.TS Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch Hội Cơ khí học VN, tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi (khoa xây dựng thủy lợi - thủy điện Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) - cho rằng: với loại đập bêtông trọng lực thì người ta thường dùng bêtông đá hộc (tức đổ bêtông trộn với đá hộc để tạo nên một thân đập có kết cấu vững chãi), chứ không bao giờ lại đi lấy đất, đá cuội hay sỏi dưới lòng sông để đổ vào bên trong thân đập như ở thủy điện Đăk Mek 3. |
Theo Tuổi Trẻ