>Trung Quốc bắt đầu phát hành trái phép bản đồ Tam Sa - Hoàng Sa
>Ấn Độ, Đài Loan 'trả đũa' hộ chiếu 'lưỡi bò' của Trung Quốc
>“Đường lưỡi bò” trong hộ chiếu: Đi ngược với cái gọi là 'giải pháp hòa bình'
Đoàn khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai chiều 23-11, trong số này có bốn hộ chiếu bị đóng dấu hủy vì có đường lưỡi bò . Ảnh: Hồng Thảo |
Bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu này đã đóng dấu thị thực vào giấy thông hành rời cho người nhập cảnh.
Trung tá Trần Việt Huynh - đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Lào Cai - cho biết đến nay lực lượng chức năng tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã đóng dấu hủy vào 111 hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò khi nhập cảnh vào VN.
Trong khi đó, theo đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh (đồn biên phòng số 7), sau khi phát hiện hình bản đồ đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) được in lên một số trang trong hộ chiếu phổ thông điện tử của người Trung Quốc, đồn biên phòng áp dụng biện pháp chỉ cấp thị thực rời cho người Trung Quốc.
“Biên phòng Móng Cái đã áp dụng biện pháp chỉ cấp thị thực rời cho người Trung Quốc nhập cảnh vào VN sử dụng cuốn hộ chiếu phổ thông điện tử có in bản đồ đường lưỡi bò ở một số trang. Khi cấp thị thực rời, các cơ quan chức năng sẽ không phải đóng dấu chứng thực vào hộ chiếu và qua đó khẳng định không công nhận bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc dưới bất cứ hình thức nào”, đại diện đồn biên phòng số 7 khẳng định.
Theo đồn biên phòng số 7, ban đầu người Trung Quốc chưa có phản ứng gì về biện pháp mới này từ phía VN. Tuy nhiên, “về lâu dài người Trung Quốc sẽ thấy bất tiện khi nhập cảnh bằng thị thực rời và họ sẽ phản ứng với loại hộ chiếu này để các cơ quan chức năng phía Trung Quốc thay đổi”, đại diện đồn biên phòng số 7 nói.
“Đường lưỡi bò” trong hộ chiếu không mang tính pháp lý
Các chuyên gia quốc tế đều nhận định bản đồ Trung Quốc có in hình đường 9 đoạn trong hộ chiếu mới không mang bất cứ giá trị pháp lý nào như chính bản thân yêu sách “đường lưỡi bò”.
Động thái mới nhất này của Trung Quốc có phải lại là biểu hiện tiếp nối của chính sách độc chiếm biển Đông, thưa ông?
Tiến sĩ Euan Graham (Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang - Singapore): Theo tôi đúng là như vậy. Tuy nhiên, cần phải phân biệt rất rõ: tấm hộ chiếu là một văn kiện pháp lý nhưng in thêm bất cứ cái gì lên trên đó thì phần thiết kế ấy không mang bất kỳ sức nặng pháp lý nào. Điểm mấu chốt là khi luật pháp quốc tế không thừa nhận đường lưỡi bò thì Trung Quốc có in nó vào tấm hộ chiếu phổ thông cũng chẳng thể thay đổi điều bất di bất dịch đó. Vì vậy, theo tôi, động thái này của Trung Quốc chỉ thuần túy mang tính biểu tượng mà thôi.
Cũng có ý kiến lo rằng nếu các nước tham gia tranh chấp đóng dấu xác nhận vào hộ chiếu, Trung Quốc sẽ mặc nhiên cho rằng các nước này thừa nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của mình?
TS Graham: Hoàn toàn không có cơ sở để kết luận như vậy. Hãy xem ngay chính trường hợp của Trung Quốc và Đài Loan. Công dân của họ vẫn dùng hộ chiếu của riêng mình để đi lại qua eo biển Đài Loan. Nhưng Trung Quốc có bao giờ thừa nhận Đài Loan chưa và giữa họ cũng có quan hệ ngoại giao chính thức nào đâu? Do vậy, ngay cả khi hải quan Philippines hay nước nào khác đóng dấu xác nhận chính thức lên tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc cũng không có nghĩa là thừa nhận tuyên bố chủ quyền của nước này.
Vẫn có dư luận cho rằng Trung Quốc đang đi một nước cờ mới trong ván cờ biển Đông?
TS Mark Valencia (Viện Nautilus, Mỹ): Về phần mình, tôi cho rằng động thái này rất mạo hiểm; có thể sẽ phản tác dụng ngay nếu các nước liên quan hợp lại từ chối không cấp thị thực cho công dân Trung Quốc nào mang tấm hộ chiếu đó.