Bí thư thành ủy HN Phạm Quang Nghị: Cần thiết siết nhập cư

Bí thư thành ủy HN Phạm Quang Nghị: Cần thiết siết nhập cư
TP - Trao đổi với báo chí bền lề QH ngay sau khi Luật Thủ đô được thông qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, luật sẽ giúp hạn chế 1 triệu người nhập cư vào Hà Nội trong 4-5 năm tới.

> 106 đại biểu Quốc hội phản đối quy định siết nhập cư vào Hà Nội
> Siết nhập cư vào Thủ đô liệu có nảy sinh tiêu cực?

 
Bí thư thành ủy HN Phạm Quang Nghị: Cần thiết siết nhập cư ảnh 1

Hạn chế được hàng trăm nghìn người nhập cư mới

Thưa ông, trong biểu quyết có tới 106 đại biểu QH không tán thành việc siết nhập cư, phải chăng các đại biểu vẫn chưa thật sự yên tâm với quy định này?

Điều này cũng phản ánh tình cảm và mong muốn chung của các tầng lớp nhân dân. Những người mong muốn dễ dàng trong việc nhập cư cũng là những người yêu quý thủ đô và muốn chung tay, góp sức xây dựng thủ đô. Thế nhưng từ góc độ quản lý một đô thị, chúng ta phải tìm ra được lời giải tốt nhất. Trong cái tốt nhất ấy, cũng có thể chưa phù hợp với mong muốn của một số đại biểu. Nhưng tất cả phải vì cái chung.

Cụ thể với quy định mới này sẽ hạn chế được bao nhiêu dân vào nội thành?

Dựa vào số liệu sau khi Hà Nội mở rộng, với phương án hạn chế nhập cư quy định trong luật, mỗi năm ít nhất Hà Nội cũng bớt được vài trăm nghìn người nhập cư mới. Như vậy, trong 4- 5 năm sẽ giảm được 1 triệu người nhập cư vào Hà Nội. Lo cho 1 triệu người có nơi ở, học hành, chữa bệnh, đi lại là vấn đề rất lớn.

Thực tế quy định siết nhập cư và nâng mức phạt giao thông từng được áp dụng nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Vậy lần này sẽ khắc phục ra sao?

Những quy định về quản lý dân cư, xử phạt cao hơn trên một số lĩnh vực lần này chỉ ở mức độ nhất định. Còn để xử lý triệt để thì cần ở một tầm mức mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng nếu giải pháp quá đột ngột, đang từ trạng thái rất thoải mái chuyển sang mạnh mẽ luôn thì không đạt được sự đồng thuận trong xã hội. Cho nên, chúng ta phải chấp nhận tiến từ từ.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng lo ngại những tiêu cực, hệ lụy phát sinh của chính sách siết nhập cư?

Nếu chúng ta làm không tốt thì bất cứ chính sách gì cũng có thể bị lợi dụng. Thời bao cấp, mọi người sống phải dựa vào hộ khẩu, tem phiếu, việc nhập cư cực kỳ khó, và có thể lúc đó cũng có tiêu cực. Cho nên, tiêu cực phụ thuộc vào ý thức, tinh thần trách nhiệm thực thi chính sách chứ không phụ thuộc vào quy định như thế này, thế kia.

Luật Thủ đô giao HĐND Hà Nội quy định diện tích nhà ở tối thiểu để được xem xét nhập cư, hiện nay đã có dự tính cụ thể chưa?

Điều này cần điều tra xem diện tích bình quân đầu người hiện tại ở Hà Nội. Những người muốn nhập cư thì ít nhất phải đáp ứng được diện tích nhà ở trung bình tối thiểu đó. Không để như vừa qua, có gia đình diện tích nhà ở 20m2 nhưng xác nhận cho 30- 40 người ở. Nhiều lần tôi đã nói, quy định chặt chẽ về nhập cư chính là để đảm bảo cuộc sống của những người sau nhập cư với điều kiện tối thiểu.

Ngoài biện pháp trong Luật thì Hà Nội có chính sách gì để việc giãn dân trong nội đô được thực hiện đồng bộ?

Trong quy hoạch chung, Hà Nội dự kiến xây dựng 5 thành phố vệ tinh. Còn trước mắt là phải di dời trụ sở một số bộ, ngành ra khỏi nội đô. Một số nhà máy, xí nghiệp lớn trong nội thành cũng sẽ dần được chuyển ra. Việc này phải làm từng bước bởi không đủ kinh phí để làm trong một vài năm. Ngoài ra, trong nội đô kiên quyết không có xây nhà cao tầng. Trước kia gần như khả năng nhà đầu tư làm được bao nhiêu thì cho xây bấy nhiêu. Nhưng 2 năm nay, các quận nội thành cũ đã cấm không cho xây cao quá 9 tầng. Những công trình vi phạm sẽ bị xử lý.

Được áp dụng những chính sách đặc thù thì Hà Nội sẽ làm gì để đáp lại những mong mỏi của nhân dân cả nước?

Tôi cho rằng, khâu yếu nhất cần phải chấn chỉnh ngay là kỷ cương xã hội. Dường như ở đâu cũng thấy sự vi phạm trật tự, kỷ cương từ lĩnh vực an ninh trật tự, xây dựng, nếp sống… Rất nhiều người chưa có được ý thức đầy đủ là công dân thủ đô.

Cảm ơn ông.

Ngọc Tiến
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.