Từ chức là ứng xử văn hóa đáng trân trọng

Từ chức là ứng xử văn hóa đáng trân trọng
TP - “Người nào mà tự nhận thấy tín nhiệm của mình không còn, xin từ chức thì đó là việc làm mang tính đột phá. Đó là một ứng xử văn hóa, phải được trân trọng” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS Đinh Xuân Thảo trò chuyện với Tiền Phong.

> Chính phủ đang khắc phục các khuyết điểm
> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nói về văn hóa từ chức

TS Đinh Xuân Thảo nói:

Thật ra, những người lãnh đạo luôn tự biết, tự thấy trách nhiệm của mình trên hết là vì cái chung. Khi nhận thấy việc nắm giữ vị trí đó không có lợi cho cái chung nữa, chỉ có lợi cho bản thân mình thôi, thì tốt nhất nên ra đi. Thói quen ứng xử ấy, ở các nước đã được nâng lên thành tầm văn hoá.

Hành động dũng cảm

Vừa qua, tại diễn đàn QH, một số ĐBQH đề cập đến văn hóa từ chức khi thảo luận về quy định từ chức tại Dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Là Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ông có suy
nghĩ gì?

Từ trước đến nay ở nước ta, cũng đã có một số người ở những cương vị khác nhau từ chức, khi thấy bản thân không còn tín nhiệm, không còn xứng đáng giữ cương vị đó nữa.

Ngay cả ở vị trí cao, cũng đã có trường hợp xin từ chức. Còn việc được chấp nhận hay không thì đó là chuyện khác.

Tuy nhiên, từ chức chưa trở thành thói quen, như ở các nước gọi là văn hoá từ chức. Một vị bộ trưởng giao thông ở Ấn Độ từ chức trước sự cố sập cầu, hay ở Nhật Bản các vị đứng đầu Chính phủ là thủ tướng cũng thường từ chức khi có sự việc xảy ra mà thấy mình không gánh vác, đảm đương được nữa.

Đấy là cách người ta lựa chọn khi thấy không còn năng lực, tín nhiệm, hoặc có thể bị cơ quan có thẩm quyền phế truất. Việc đó đã trở thành một thói quen ứng xử bình thường.

Chúng ta mới chỉ đang hướng tới thói quen ứng xử ấy. Trước mắt, phải có quy định và lần này Quốc hội đang thảo luận vấn đề này tại Dự thảo nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo quy định, người tín nhiệm thấp có thể bị bãi miễn.

Tốt nhất anh nên từ chức, trước khi phải đưa ra bỏ phiếu. Vì bỏ phiếu tín nhiệm ở ta cũng giống như bỏ phiếu bất tín nhiệm ở các nước. Khi đã đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm thì lúc đó phải có biện pháp.

Ở đây có hai cấp độ: Nếu là giai đoạn lấy phiếu mà anh thấy mình không xứng đáng nữa, xin từ chức, thì đó đúng là ứng xử văn hoá.

Còn để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm mà anh không được tín nhiệm, đương nhiên người ta sẽ không để anh ngồi vị trí đó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cho người đó cơ hội từ chức, để đỡ phải làm một loạt thủ tục rườm rà, phức tạp là bãi miễn, bãi nhiệm anh.

Nhưng đấy là ở phương diện nhà nước. Còn với người chịu sự điều chỉnh của quy định, cũng nên chủ động soi xét mình.

Tôi nghĩ, người nào mà tự nhận thấy tín nhiệm của mình không còn, xin từ chức thì đó là việc làm dũng cảm, mang tính đột phá. Đó là một ứng xử rất văn hoá, phải được trân trọng. Những người xin từ chức dù được chấp nhận hay không cũng nên và phải được xã hội tôn trọng, ghi nhận.

Thông thường, từ chức là ứng xử rất tự nguyện, rất văn hóa, nhưng ông nói cần phải quy định bằng luật - điều này được hiểu như thế nào?

Quốc hội sẽ bàn rất cụ thể, nhưng ở đây là sự ưu tiên cho từng cấp độ. Ban đầu, người ta để anh tự xác định trách nhiệm và tự ứng xử rút lui khỏi vị trí. Văn minh, văn hóa là ở đó và chúng ta nên tôn trọng quyết định của người có chức, quyền. Còn nếu không, về phương diện tổ chức, chúng ta vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục, buộc người ấy phải ra đi.

Nhưng để trở thành thói quen ứng xử văn hoá, phải có quá trình lâu dài. Bởi lẽ, thường con người ta khen ai cũng thích, nhưng chê không mấy ai thích, thậm chí còn khó chịu. Từ chức là tự phê bình, tự kiểm điểm mình, cho nên không đơn giản. Đảng ta khuyến khích, đề cao việc phê và tự phê, nhưng thực tế tự phê còn hạn chế.

Bài học từ lịch sử

Văn hóa từ chức đã có trong lịch sử dân tộc (cáo quan ở ẩn, không chịu ra làm quan để giữ tiết tháo) như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Thời kỳ sau này, Tổng Bí thư Trường Chinh cũng đã có lúc từ chức. Vì sao, bây giờ văn hóa từ chức không còn?

Cái đó chúng ta phải học. Như Tổng Bí thư Trường Chinh, khi có sai lầm trong cải cách ruộng đất, chính ông đã xin từ chức. Nhưng ông tiếp tục cống hiến cho dân cho nước, ông phấn đấu tốt được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và ông đã trở lại vị trí Tổng Bí thư của Đảng.

Chúng ta phải nhận thức cho đúng, việc từ chức không phải vết hằn, gắn lên người ta như một án tích. Nó chỉ là sự đánh giá trách nhiệm của người đó, trong một thời gian cụ thể. Khi làm tốt, anh có thể tiếp tục trở lại chức vụ đó, hoặc vị trí cao hơn.

 Chức thường đi liền với quyền và tiền. Nếu thôi chức, người ta sẽ bị mất đi những cái cũng rất lớn lao, cho nên họ phải cân nhắc. Có lẽ chỉ trường hợp bần cùng, bất đắc dĩ, bị buộc không cho làm nữa thì họ mới chịu thôi”. 

Ở các nước, khoá này không làm bộ trưởng nhưng khoá sau anh vẫn có thể làm, rất bình thường. Phải nhìn nhận công bằng từ hai phía. Có văn hoá từ chức thì cũng phải có văn hoá ứng xử đúng với người từ chức. Nếu họ phấn đấu tốt, khắc phục được những thiếu sót, khuyết điểm thì có thể bố trí vị trí phù hợp, thậm chí cao hơn cho họ.

Việc không xét nét tại sao một người bị kỷ luật, cách chức hay từ chức mà lại sử dụng vào vị trí cao hơn cũng chính là ứng xử văn hoá và xã hội phải cấp nhận, mới là công bằng.

Người giữ chức vụ thường khó rời bỏ vị trí để làm cán bộ bình thường, dân thường. Theo ông, vì sao có những người năng lực yếu, không còn tín nhiệm, nhưng không chịu từ chức?

Có thể nói thời trước đây, có lẽ chức gắn với trách nhiệm với giá trị nhân bản nhiều hơn. Tức là gắn với danh dự, uy tín, chứ lợi ích vật chất thì gần như không có hoặc rất ít.

Còn bây giờ, từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường, vị trí thường gắn với những giá trị khác. Chức thường đi liền với quyền và tiền. Lợi ích vật chất gắn chặt với chức.

Nếu thôi chức, người ta sẽ bị mất đi những cái cũng rất lớn lao, cho nên họ phải cân nhắc. Có lẽ chỉ trường hợp bần cùng, bất đắc dĩ, bị buộc không cho làm nữa thì họ mới chịu thôi. Không ai dại gì mà tự nguyện rời bỏ vị trí đang có của mình.

Bây giờ chúng ta phải điều chỉnh chuyện này. Cho từ chức nhưng có thể sử dụng người ta vào vị trí khác phù hợp, có phần bảo đảm lợi ích cho họ. Đang từ chỗ lợi ích mười mà từ chức chỉ còn hai bàn tay trắng thì cũng rất khó cho người ta, cho nên phải chú ý cả lợi ích cho họ. Từ chức cũng là dịp bố trí, sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp hơn.

Cảm ơn ông.

Nguyễn Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG