> Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: nếu không bảo đảm thì dứt khoát dừng
Nơi dự kiến xây thủy điện Đồng Nai 6&6A . |
Ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, nói: “Nếu ở phần thẩm định, các nhà khoa học trong hội đồng thẩm định ở Bộ Tài nguyên&Môi trường khẳng định các tổn hại về môi trường là không thể thay thế được, và nếu Bộ TN&MT chủ trì cùng với các bộ trình Chính phủ đề nghị dừng, và Chính phủ quyết dừng. Chắc chắn chúng tôi không đòi hỏi gì. Coi đây là một tai nạn lớn của doanh nghiệp”.
Nhưng, ông Bùi Pháp nói tiếp, “Nếu cắt ngang và tự nhiên dừng thì nhà nước phải có trách nhiệm với doanh nghiệp. Ví dụ cho dừng khi chưa thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc báo cáo ĐTM thấy không ảnh hưởng về môi trường, thấy cái được nhiều hơn cái mất, mà cơ quan thẩm quyền của Chính phủ vẫn dừng dự án không chỉ ra lý do tại sao, chẳng hạn lý do dư luận xã hội không đồng tình, lý do chính trị hay lý do Quốc hội không đồng tình; khi đó, cơ quan nào ra lệnh dừng thì phải có trách nhiệm với doanh nghiệp”.
“Tôi chính là nạn nhân”
“Hiện tại dự án chưa được đánh giá tác động môi trường. Chưa đi đến đâu. Dừng như thế là tội cho doanh nghiệp. Đúng không?” – Ông Pháp đặt câu hỏi rồi tự trả lời.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án thủy điện Đồng Nai 6&6A do Viện Môi trường&Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lập. Báo cáo đã được trình lên Bộ Tài nguyên&Môi trường và Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hội đồng thẩm định gồm 13 thành viên của Bộ TN&MT vẫn chưa ngồi lại được với nhau. Trả lời Tiền Phong, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương, cho biết, ngay cả khi báo cáo ĐTM được hội đồng thẩm định của Bộ TN&MT phê duyệt, dự án không phải trình lên Thủ tướng Chính phủ là xong mà Chính phủ còn trình Quốc hội cho ý kiến về chủ trương. |
Theo ông Pháp, doanh nghiệp đã tuân thủ theo pháp luật, tuân thủ theo quy định của các ban ngành, hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước. Tới gian đoạn này mà bảo rằng bị ảnh hưởng, Chính phủ- cơ quan cao nhất - bảo đình dự án thì doanh nghiệp phải chấp nhận thôi.
“Trong kinh doanh, đầu tư có rủi ro. Nhưng lẽ ra cần có nhiều biện pháp hơn nữa (để cứu doanh nghiệp). Thôi thì đấy là rủi ro đối với doanh nghiệp”- ông Pháp nói.
“Thật ra tôi chính là nạn nhân, nạn nhân của năm bậc trên (tức năm bậc thủy điện ở thượng lưu sông Đồng Nai – QD). Rồi năm bậc dưới. Cái thủy điện Đồng Nai 8, ảnh hưởng gần hai chục ngàn hộ dân, Chính phủ không cho làm. Bắt đầu tỉnh (Đồng Nai) và Bộ Công Thương thống nhất với nhau cắt ra năm dự án”.
“Bây giờ các anh nói thế thì chúng tôi chấp nhận. Nhưng lẽ ra phải có (thẩm định báo cáo) đánh giá tác động môi trường và phải có tiếng nói của các nhà khoa học thực sự công tâm, có trách nhiệm. Rồi trình Thủ tướng Chính phủ (kết quả của hội đồng thẩm định), nói rõ cái được chỉ có một và ảnh hưởng tới năm, mười. Tụi tôi khi đó không kêu ca, đề nghị gì” - ông Pháp nói.
Trường hợp chưa (thẩm định báo cáo) đánh giá tác động môi trường, chưa có tiếng nói chung, khách quan, trách nhiệm khoa học, mà dừng dự án lại thì rất tội cho doanh nghiệp. Trách nhiệm này ai gánh? Doanh nghiệp phá sản mất thôi”.
“Với chủ đầu tư, thứ nhất, chúng tôi xác định phải tuân thủ pháp luật. Thứ hai là tìm thấy trong các văn bản pháp luật các điều khoản đảm bảo lợi ích cho chủ đầu tư. Chúng tôi sẵn sàng mời bất cứ nhà khoa học công tâm, có trách nhiệm vào hiện trường dự kiến xây dựng dự án để đóng góp hoàn thiện dự án mà sản phẩm cuối cùng đem lại lợi ích cho nhân dân, cho nhà nước, và bản thân chủ đầu tư” - ông Pháp khẳng định.
Cân nhắc dự án thủy điện ảnh hưởng môi trường Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt câu hỏi về tính pháp lý của thủy điện Đồng Nai 6&6a và cho rằng Bộ có vô tình khi nó liên quan đến gần 140 ha đất rừng đặc dụng và đây cũng là khu vực được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, dự án này đang trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Mặc dù dự án có sản lượng điện lên đến 1 tỷ kWh/năm, nhưng do Bộ Tài nguyên – Môi trường chưa thẩm định, nên sau khi Bộ này thẩm định mà thấy hiệu quả kinh tế là một phần, nhưng tác động nghiêm trọng môi trường sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét” - Bộ trưởng Hoàng cho biết. N. Tuấn |