Sẽ còn loạn quảng cáo thực phẩm chức năng

Sẽ còn loạn quảng cáo thực phẩm chức năng
TP - Tình trạng loạn quảng cáo thực phẩm chức năng thời gian gần đây có nguy cơ trở nên loạn hơn do một dự thảo văn bản liên quan quảng cáo sắp được ban hành.

> Thực phẩm chức năng: Bác sĩ e dè, dân tự xử

Văn bản này gỡ bỏ gần như toàn bộ hàng rào kiểm soát đối với nhóm hàng hóa liên quan sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế trả lời về vấn đề này.

Thưa ông, nghe nói hầu hết hồ sơ đăng ký quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn không chừa bệnh nói vống tính năng sản phẩm?

Mười tháng đầu năm 2012, chúng tôi nhận 1.011 hồ sơ đăng ký. Có tới 90% hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung quảng cáo sao cho đúng như tác dụng của sản phẩm.

Vậy tại sao vẫn nhan nhản các quảng cáo quá lố lừa người tiêu dùng?

Các hồ sơ bị trả về đều có điều chỉnh. Nhưng không hiểu sao khi lên quảng cáo lại thấy xuất hiện phần đã điều chỉnh. Có những ngôn từ rất phản cảm. Khi đọc báo thì thấy chúng lù lù.

Chẳng hạn, cụm từ “trạm xăng của đàn ông” trong quảng cáo một loại thảo dược mang tên Kim Thận Bảo được bảo là bổ thận, chữa yếu sinh lý, rối loạn cương dương. Quảng cáo về một sản phẩm cho phụ nữ trên đài truyền hình chiếu hẳn từ “âm h…” và còn được nhắc lại bằng lời.

Chúng tôi thực tình không kiểm soát được hết. Lỗi này có phần không nhỏ là ở chính các cơ quan truyền thông.

Lẽ ra, chỉ cần yêu cầu nhà quảng cáo xuất trình giấy phép do Cục ATVSTP duyệt là đã đủ ngăn chặn. Rất có thể có sự buông lỏng ở khâu này khi các cơ quan truyền thông duyệt quảng cáo.

Thậm chí, không loại trừ khả năng đơn vị truyền thông cố tình cho qua, làm hài lòng khách hàng chỉ vì muốn có được quảng cáo.

Các ông bức xúc chỉ chuyện ngôn từ?

Chính ngôn từ, cái mà chúng ta tưởng là vô hại, mới thực sự báo hại người tiêu dùng (NTD), đưa không ít NTD vào bẫy. Không phải ngẫu nhiên khi, với thực phẩm chức năng, bao giờ doanh nghiệp cũng mong muốn được quảng cáo quá mức.

Tôi biết một người phát hiện ung thư giai đoạn đầu, đáng lẽ đi phẫu thuật hoặc xạ trị, người này có thể khỏi hoặc kéo dài hơn thời gian sống có ích. Nhưng bị quảng cáo lừa rằng thực phẩm chức năng chữa được ung thư nên họ không đi phẫu thuật.

Người ấy mua thực phẩm chức năng về dùng, sau một thời gian không khỏi, quay sang phẫu thuật thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, không cứu được nữa.

Nghe nói sắp tới sẽ có văn bản cho phép các thực phẩm chức năng gần như muốn quảng cáo gì thì mặc?

Chúng tôi lo nguy cơ đó thành hiện thực. Ngày 21-6-2012, Quốc hội thông qua Luật Quảng cáo. Chính phủ đang giao Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch chủ trì phối hợp với các bộ ngành xây dựng nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.

Rất tiếc là dự thảo nghị định đang xây dựng theo hướng thả lỏng gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ đặc biệt, trong đó có thực phẩm chức năng. Tôi thực sự băn khoăn khi thấy quy định tổ chức, cá nhân có hàng hóa hay dịch vụ, nếu muốn quảng cáo, chỉ cần thông báo nội dung dự kiến quảng cáo đến cơ quan quản lý chuyên ngành.

Quy định như thế, gần như nhà quảng cáo muốn làm gì thì làm, phó mặc tính mạng người tiêu dùng cho không ít doanh nghiệp chỉ muốn kiếm lời bằng bất cứ giá nào.

Nhưng Luật Quảng cáo chẳng đã có quy định riêng cho nhóm hàng thực phẩm và phụ gia thực phẩm là gì?

Trái khoáy ở chỗ, giấy chứng nhận ấy chúng tôi đâu còn dùng và cấp cho doanh nghiệp nữa.

Theo Luật An toàn Thực phẩm, nó được thay bằng “giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy” hoặc “giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”.

Vậy, nếu chiếu theo Luật Quảng cáo, sẽ không có thực phẩm nào được quảng cáo nữa?

Đúng vậy. Vì làm gì còn loại “giấy chứng nhận đăng ký chất lượng VSATTP” nữa.

Tại sao các ông không thông báo cho bộ phận soạn thảo Luật Quảng cáo để họ chỉnh sửa?

Chúng tôi đâu có được hỏi ý kiến (!).

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG