Bộ trưởng Tư pháp: Thi tuyển vụ trưởng để hút người tài

Bộ trưởng Tư pháp: Thi tuyển vụ trưởng để hút người tài
“Thi tuyển cán bộ quản lý sẽ tạo thêm một kênh nữa ngoài quy hoạch để lựa chọn người tài”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao đổi bên hành lang QH về đề án thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, vụ ở Bộ Tư pháp.

>Thí điểm thi tuyển lãnh đạo trong ba năm

Nhiều ĐBQH khi thảo luận về tham nhũng đã nói rằng công tác cán bộ còn nhiều khiếm khuyết nên chưa ngăn ngừa được tham nhũng. Vậy việc Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, vụ có ý nghĩa đổi mới như thế nào?

Thực tế công tác cán bộ cũng đi vào nề nếp và được thực hiện theo quy hoạch.

Quy hoạch cán bộ thường xuyên được rà soát. Ở Bộ tôi, việc quy hoach được làm nề nếp. Đến nay phần lớn những người được bổ nhiệm cũng đều theo quy hoạch cả.

Tuy nhiên, công tác chọn nhân sự với công tác quy hoạch cũng khác nhau. Bởi không phải tất cả 100% nhân sự quy hoạch đều được bổ nhiệm hết. Chưa kể, công tác quy hoạch cũng có tính chất là chỉ nằm khép kín trong đơn vị hoặc trong ngành. Mà nhân tài của đất nước có rất nhiều.

Như ta đã biết, với tiến trình xã hội hóa hoạt động tư pháp thì lực lượng luật sư, công chứng viên đang ngày càng đông đảo. Nhân tài ngoài đối tượng đang là công chức, viên chức nhà nước cũng ngày càng nhiều.

Do vậy, chủ trương thí điểm để thi tuyển cán bộ quản lý là bước đột phá, tạo thêm một kênh nữa ngoài quy hoạch để lựa chọn người phù hợp về năng lực lẫn phẩm chất.

Bởi những người làm việc trong môi trường nhà nước, nhiều khi bận rộn vì sự vụ hàng ngày mà không thể cập nhật bồi dưỡng được kiến thức chuyên môn. Trong khi đó những người am hiểu lĩnh vực tư pháp lại có rất nhiều, và chúng tôi muốn thu hút được những người giỏi.

Nhưng lương bổng trong cơ quan nhà nước liệu có đủ sức lôi kéo được người tài vì những người giỏi chuyên môn như ông mong muốn thường đã có vị trí và thu nhập khá cao khi làm việc ở khu vực ngoài nhà nước?

Tôi biết là nhiều người không chỉ quan tâm thu nhập mà cơ bản là tài năng, tâm huyết được thừa nhận. Nếu có được vị trí xứng đáng và được sử dụng thì có lẽ họ sẽ không so kè giữa lương khu vực trong hay ngoài nhà nước. Có rất nhiều người trẻ như vậy.

Khâu thi tuyển cũng chỉ là một bước trong sử dụng cán bộ, về lâu dài thì còn có nhiều yếu tố khác để giữ chân người tài, ông nghĩ sao?

- Chúng tôi mới đang xây dựng đề án để thí điểm thôi. Tới đây khi phê duyệt thì có thể thực hiện luôn trong năm 2013. Có thể thi tuyển ở một vài vị trí rồi mới rút kinh nghiệm. Nhắc lại là người trong quy hoach hay ngoài quy hoạch đều phải thi tuyển. Đây cũng là cơ hội để khắc phục những bất cập hạn chế trong công tác quy hoạch hiện nay. Sau đó thì mới có thể tổng kết.

Như vậy có thể những người đang trong quy hoạch sẽ có lợi thế hơn chăng?

Đương nhiên là đã là người trong quy hoạch thì bởi họ đã từng làm việc ở đó, đã từng rèn luyện trong môi trường cụ thể đó, đã có sự cố gắng phấn đấu để trở thành cán bộ quy hoạch thì tất nhiên họ có lợi thế hơn. Song không phải ai cũng tận dụng được lợi thế này.

Mà nhiều khi người ở ngoài quy hoạch khi thi tuyển cũng có lợi thế khác và tận dụng được cơ hội. Cái chính là phải thành lập một hội đồng thi tuyển để sao cho bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Bộ Tư pháp có tham khảo kinh nghiệm các tỉnh thành khác đã làm hay không?

Chúng tôi đã yêu cầu tham khảo các nơi như Đà Nẵng, Hải Phòng và cũng yêu cầu tổng kết.

Một ví dụ tôi thấy rõ là trường hợp dưới Sở Tư pháp Hải Phòng. Họ vừa bổ nhiệm một trưởng phòng văn bản quy phạm pháp luật không thuộc diện quy hoạch thông qua hình thức thi tuyển.

Năng lực của cô ấy được đánh giá rất tốt, gác cửa một bộ phận quan trọng cơ mà. Rồi kinh nghiệm của Đà Nẵng chẳng hạn.

Nhìn chung các nơi thí điểm thi tuyển đều tốt.

Như vậy giữa thi tuyển cạnh tranh và cách quy hoạch cán bộ theo truyền thống lâu nay sẽ bổ khuyết cho nhau thế nào thưa ông?

Thi tuyển cạnh tranh sẽ tạo ra cơ hội để khắc phục những điểm chưa chuẩn trong công tác làm quy hoạch cán bộ. Vì nhiều khi làm quy hoạch lại chỉ khép kín trong nội bộ mà thôi. Còn thi tuyển cạnh tranh sẽ kêu gọi được những người tài.

Theo tôi thì bởi vì chủ trương này ở trên cũng đã có rồi cho nên ở nhiều nơi cũng sẽ làm. Với Bộ Tư pháp, sau khi đề án được phê duyệt, chúng tôi cũng sẽ công khai thông tin để tiến hành thi tuyển.

Bộ Tư pháp đang xây dựng đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, vụ. Ứng viên sẽ phải bảo vệ đề án trước hội đồng và trả lời chất vấn trực tiếp.

Từ 2005, Bộ Nội vụ đã khởi động chủ trương thí điểm mô hình thi tuyển công chức, viên chức lãnh đạo. Ngay sau đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Long An, Bình Dương, Phú Thọ... đã thí điểm thi tuyển. Một số địa phương đang hoàn thiện đề án thí điểm như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang. Ở Đà Nẵng, sau hơn 2 năm tổ chức thi tuyển, đã có 102 người dự thi 30 chức danh lãnh đạo bổ nhiệm cho 11 đơn vị.

Theo Lê Nhung
VNN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.