Hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Để có thể vào chụp ảnh trong lòng hầm Hải Vân, báo chí phải chờ Cty TNHH MTV Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (gọi tắt Cty Hamadeco) xin ý kiến cơ quan chủ quản.
Cùng lúc, tại buổi trao đổi chiều qua (1-11), ông Cao Bá Giang - Phó TGĐ Cty Hamadeco xác nhận: Hầm Hải Vân xuất hiện “vết rạn” chân chim ở một số vị trí thành hầm. Trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực gần miệng cửa phía Nam.
Hầm đường bộ Hải Vân là công trình trọng điểm quốc gia, khởi công năm 2000 với tổng dự toán đầu tư ban đầu hơn 251 triệu USD (gần 3.500 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng trong nước. Tổng thanh toán cuối cùng gần 2.000 tỷ đồng. Công trình được thi công theo công nghệ NATM của Cộng hòa Áo. Đây cũng là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á (hơn 6km) qua địa bàn Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Hầm có tốc độ thiết kế 80km/h, trọng tải 30 tấn, đáp ứng nhu cầu lưu thông cho 15.000 lượt xe/ ngày đêm, nhưng hiện lượng xe qua hầm trên dưới 6.000 lượt. |
Theo cánh tài xế xe khách tuyến Đà Nẵng - Huế và một số tuyến liên tỉnh gần kề thường xuyên qua hầm Hải Vân: Từ cửa hầm phía Nam vài chục mét đã xuất hiện lỗ chỗ vết nứt. Càng vào sâu, ở một vài vị trí trên thành hầm xuất hiện vết nứt dài, theo hướng khác nhau.
Đợt kiểm tra, khảo sát gần nhất (tháng 2-2012) của Khu quản lý đường bộ V (QLĐB V) ghi nhận: Trên suốt chiều dài đường hầm xuất hiện nhiều vết nứt trong phương ngang, xiên và dọc đường hầm; bề rộng vết nứt 1-2mm, chiều dài vết nứt phổ biến từ 1-7m (đoạn dài nhất dưới 12m), sâu trên 5mm tại nhiều vị trí dọc thành hầm.
Lãnh đạo khu QLĐB V gửi báo cáo lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời cảnh báo: Các vết nứt, hư hỏng trên của hầm đang có nguy cơ phát sinh và phát triển theo đa phương; cần được kiểm tra và có biện pháp xử lý, sửa chữa kịp thời.
Ông Đỗ Huy Thành, Trưởng phòng quản lý giao thông, Khu QLĐB V cho biết: Từ khi hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành và đưa vào khai thác (từ tháng 6-2005) đã xuất hiện các vết nứt.
Thời điểm này, công trình đang trong hạn bảo hành nên Ban quản lý dự án 85 và các nhà thầu đã cho sửa chữa theo trách nhiệm bảo hành công trình.
Từ năm 2008 đến nay, một số vị trí khe co giãn giữa hai đốt hầm, cụ thể như tại trục C38 (k3+241), trục C49 (1+ 781)? bị thấm nước xuống mặt đường xe chạy.
Đơn vị chức năng phối hợp với Cty TNHH Thương mại và dịch vụ Quốc Thắng (Đà Nẵng) để xử lý. Tháng 4-2011, Cty Quốc Thắng xử lý hơn 30m dài các khe co giãn hầm bị thấm dột bằng vật liệu PU trương nở, kết hợp vật liệu chặn nước nhanh với tổng chi phí hơn 140 triệu đồng.
Theo đánh giá độc lập của Khu QLĐB V tại báo cáo số 74 do Phó TGĐ Phan Thái ký: Các biện pháp khắc phục bằng bơm keo cường độ cao vào các khe nứt hiệu quả không cao, các vết nứt đã phát sinh ra vị trí khác, nước vẫn thấm dột từ trên đỉnh vòm hầm.
Trong ngưỡng an toàn
Ông Cao Bá Giang khẳng định: Vết rạn nứt này là hiện tượng bình thường ở các hạng mục bê tông và không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của hầm.
Về hiện tượng thấm nước, ông Giang lý giải: Đây là hiện tượng “mồ hôi” từ hơi âm tích tụ đi theo các khe giãn nở. Vết thấm trong phạm vi cho phép, trong ngưỡng an toàn.
Ông Giang lý giải về công nghệ thi công hầm. |
Theo ông Đỗ Huy Thành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã mời các chuyên gia Nhật Bản phối hợp cùng các chuyên gia của Tổng cục kiểm tra sơ bộ.
Ghi nhận ban đầu đây là những vết nứt bê tông thông thường, không ảnh hưởng đến an toàn của kết cấu hầm. Đơn vị chức năng vẫn đang tiếp tục kiểm tra, theo dõi các vết nứt này.
Tuy nhiên, ông Thành cũng thừa nhận do trang thiết bị kiểm tra còn hạn chế nên từ trước đến nay các vết nứt chỉ được kiểm tra, theo dõi bằng mắt thường.
Khu QLĐB V kiến nghị Tổng cục hỗ trợ phương tiện kiểm tra hiện đại như máy siêu âm để có đánh giá cụ thể chiều dài, sâu, rộng, quy mô, mức độ của các vết nứt như thế nào?