Chống đỡ bão Sơn Tinh

Chống đỡ bão Sơn Tinh
TP - Ngày 28-10, sóng cao 15-20m đánh vỡ con đê biển chắn sóng dài 330m ở Quảng Bình; gió mạnh làm tốc mái hàng chục ngôi nhà ở Ninh Bình; dân làng chài Quảng Ninh phải vào bờ hoặc trú trong hang…

> Ninh Bình sẵn sàng chống bão
> Bão cấp 12 áp sát bờ biển Hải Phòng-Ninh Bình

Quan chức địa phương túc trực trên đê, bộ đội chuẩn bị xe bọc thép, tàu, xuồng sẵn sàng ứng cứu, di dân…

Túc trực trên đê phòng chống bão

Khoảng 18h15 ngày 28 - 10, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, khoảng 18h, bão số 8 đổ bộ ven biển Bình Minh (huyện Kim Sơn) với sức gió cấp 8, 9 và cấp 10, sau đó có thể đổi chiều lên hướng bắc, gây thiệt hại không đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, Huyện ủy, UBND huyện Kim Sơn vẫn túc trực tại đê biển Bình Minh để trực tiếp chỉ đạo phòng chống lụt bão.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Bùi Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: Vào khoảng 15h ngày 28 – 10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng; Giám đốc Công an tỉnh Phạm Đức Hòa… có mặt tại đê biển Bình Minh để chỉ đạo các lực lượng phòng chống bão số 8.

Riêng ông Nam có mặt tại đê biển từ lúc 5h sáng cùng ngày. Ông Nam yêu cầu huyện Kim Sơn tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động huy động mọi lực lượng, phương tiện đối phó các tình huống có thể xảy ra.

Ông Thắng nói: “Chúng tôi đã huy động trên 200 chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng tới giúp dân sơ tán, bảo vệ tài sản và túc trực 24/24 đề phòng bất trắc có thể xảy ra. Hiện 150 tàu thuyền, lồng bè đã được neo đậu tránh bão và toàn bộ 310 người trông coi nuôi trồng thủy sản ở phía ngoài đê biển Bình Minh II đã được di chuyển vào phía trong để tránh bão”.

Ông Thắng yêu cầu huyện Kim Sơn tích cực triển khai ph­ương án di dân, đảm bảo 100% dân c­ư vùng bị ảnh hưởng của bão tránh trú bão an toàn; triển khai ph­ương án bơm tiêu nước đệm.

Ông Thắng, cũng chỉ đạo Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình thông tin về tàu thuyền đang hoạt động trên biển, báo cho các chủ ph­ương tiện vị trí và hướng di chuyển của bão.

Các ngành, địa ph­ương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không cho ng­ười và phương tiện ra biển hoạt động, ông nói. Kiểm tra việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, nhà dân tr­ước khi bão vào.

Phải có phương án giải quyết hậu quả ngay sau khi bão vào. Đảm bảo an toàn cho tất cả tuyến đò ngang, dọc sông. Chuẩn bị thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; đảm bảo an toàn l­ưới điện, đủ điện để các trạm bơm tiêu úng hoạt động. Tỉnh Ninh Bình đã quyết định trích 500 triệu đồng từ ngân sách phòng chống lụt bão của tỉnh để hỗ trợ việc di dân tránh bão.

Một số người dân tại xã Ân Hòa, Kim Chung (Kim Sơn) cho biết, tính đến 16h30 hôm qua, hàng chục ngôi nhà bị tốc mái.

a
Những con sóng cao hàng chục mét đã đánh sập con đê chắn sóng lớn nhất bắc miền Trung.

Đê biển chắn sóng vỡ từng mảng 

Sáng qua những con sóng cao hàng chục mét do cơn bão số 8 tạo nên đã đánh sập con đê chắn sóng biển lớn nhất Bắc miền Trung, nối từ bờ biển Hòn La ra đảo Hòn Cỏ (Quảng Bình).

Đê dài 330m, rộng 9m, thân đê được tạo nên bởi đá hộc cỡ lớn, triền đê được gia cố hàng ngàn khối bê tông nặng 16 - 25 tấn.

Phóng viên Tiền Phong ghi nhận tại hiện trường, những con sóng cao 15-20m đánh từ phía đông vào khiến toàn bộ tuyến đê biển này bị xé nát từng mảng, lõi đê bị dịch chuyển từ đường thẳng thành đường cong, nơi xa nhất hơn 60m.

Đây là công trình nằm trong dự án nối khu kinh tế Hòn La (huyện Quảng Trạch) với khu công nghiệp xi măng Văn Hóa -Tiến Hóa - Châu Hóa (Tuyên Hóa), vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng.

Trước khi bão số 8 qua đây, Tập đoàn Trường Thịnh (đơn vị thi công) đã gia cố thêm hàng trăm rọ đá và khối bê tông tản sóng cỡ lớn. Ước tính thiệt hại vụ sập đê lên đến hơn 50 tỷ đồng.

Cứu ngư dân tại lồng bè

Sáng 28-10, bão số 8 ảnh hưởng tỉnh Quảng Ninh khi có gió cấp 5, cấp 6. Chiều tối cùng ngày tại TP Hạ Long gió mạnh cấp 7, giật trên cấp 8. Tại Cô Tô, Vân Đồn, gió mạnh cấp 8.

Trước đó, Quảng Ninh kêu gọi toàn bộ gần 12.000 tàu thuyền cập bờ trú bão. Các tuyến đê, cống dưới đê, hồ đập xung yếu tuyến đê Hà Nam, Đông Yên Hưng, hồ Yên Lập được kiểm tra và có phương án bảo vệ.

Tại TP Hạ Long, công tác phòng chống sạt lở đất đá tại các khu dân cư được ưu tiên và có phương án di dời các hộ dân ở khu vực Đồi Chè, Cao Xanh phòng khi mưa lớn xảy ra.

Sáng qua, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chỉ đạo các lực lượng chức năng và huy động lực lượng hải quân của Lữ đoàn 170 Hải quân di dời khẩn cấp hàng trăm người dân ở làng chài Ba Hang, Vung Viêng vào bờ.

Dân làng chài Cửa Vạn, được đưa tới hang Tùng Quân trên vịnh Hạ Long nơi có nước ngọt và lòng hang rộng để tránh bão.

Tại TP Cẩm Phả, toàn bộ 314 tàu, thuyền đã neo đậu tại bốn khu vực tránh trú bão trên địa bàn. Hơn 400 lồng bè nuôi trồng thủy sản và các nhà bè trên biển đã được chằng, chống bảo đảm an toàn.

Hồi 21 giờ ngày 28-10 ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết, tàu của huyện và của bộ đội biên phòng cứu được 19 ngư dân tại các lồng bè.

Trước đó, dù huyện kêu gọi hơn 1.680 tàu, thuyền về nơi tránh trú bão, sẵn sàng phương án di dời hơn 4.000 nhà bè, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhưng một số người dân vẫn ở tại nhà bè để canh gác. Khi có gió lớn và sóng mạnh, họ gọi điện kêu cứu.

Tại huyện Cô Tô, ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư huyện ủy, cho biết, đã đưa 350 tàu, thuyền vào nơi tránh bão, kiểm tra hệ thống hồ đập thủy lợi, gia cố những khu vực trọng yếu của hệ thống đê, kè, nhà dân có nguy cơ sập nếu gió lớn, di dời một số bè, mảng mắc cạn…Tới 18 giờ ngày 28-10, gió tại Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long, Cẩm Phả… đạt cấp 8, giật trên cấp 8.

Chiều 28 -10, khi gió tại TP Hạ Long lên tới cấp 5 cấp 6, Sở GTVT Quảng Ninh cấm xe máy lưu thông trên cầu Bãi Cháy và bố trí ô tô tải vận chuyển xe máy và người dân qua cầu. Ngày 27-10, hơn 500 tàu du lịch được lệnh cấm xuất bến và về nơi neo đậu an toàn.

Chiến sĩ lữ đoàn hải quân 170 đưa trẻ em, người già tại các làng chài tránh bão Ảnh: TD
Chiến sĩ lữ đoàn hải quân 170 đưa trẻ em, người già tại các làng chài tránh bão. Ảnh: TD.

Xe bọc thép sẵn sàng ứng cứu 

Chiều 28-10, gần 4.600 tàu thuyền, lồng bè, chòi canh với hơn 15.000 người ở khu  vực biển Hải Phòng được đưa vào nơi trú ẩn an toàn.

Tối 28-10, gần 400 người dân ở các khu vực trũng, nguy hiểm ở đảo Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Đồ Sơn được di dời. Gần 29.000 người cùng hơn 1.000 ô tô gần 300 tàu, xuồng, 4 xe thiết giáp và trang thiết bị cứu hộ đã sẵn sàng ứng cứu khi bão đổ bộ.

Trưa 28-10, lực lượng biên phòng Hải Phòng kịp thời cứu 6 thuyền và bè với 29 người gặp nạn (trong đó có 10 trẻ em) ở khu vực cửa biển, rồi đưa về nơi an toàn.

Sẵn sàng di dời hàng loạt

Sáng 28-10, khi PV báo Tiền Phong có mặt tại tuyến đê biển ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nhiều người dân (có cả trẻ nhỏ, người già) vẫn còn xem sóng biển, tranh thủ làm nốt những mớ cá bên thân đê, dù đã có lệnh rời khỏi vùng này.

Dưới mái hiên được dựng trên đê, hơn 10 nữ lao động của xã Ngư Lộc đang vội vàng làm sạch mớ cá mối cho chủ hàng.

“Chúng tôi cũng sợ bão làm chết người, nhưng tranh thủ khi bão chưa vào để làm cho xong một công cá. Chẳng ai coi thường tính mạng đâu, nhưng vì cái khổ, cái nghèo nên cứ cố làm chạy bão”, một phụ nữ nói.

Quá trưa, gió tại Ngư Lộc mạnh cấp 9, cấp 10, kèm theo mưa. Loa phát thanh của xã liên tục thông báo các bản tin về diễn biến cơn bão số 8.

Cũng từ thời điểm này, tại các trường học, trạm y tế xã, nhà dân kiên cố, lượng người dân chủ động về tránh trú bão đông hơn.

Toàn bộ cán bộ được phân công chống bão ở xã Ngư Lộc đã tỏa về các thôn tiếp tục kiểm tra tình trạng chằng, chống nhà cửa; yêu cầu những hộ dân trong vùng nguy hiểm di dời… Đến chiều tối 28-10, toàn xã Ngư Lộc di dời hơn 3.000 khẩu (hơn 1.000 hộ) vào các công sở, nhà dân kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Chúng tôi đã chuẩn bị phương án sẽ di dời toàn dân (hơn 13.000 khẩu thuộc gần 4.000 hộ) qua kênh De, sang địa bàn xã Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc), cách đê biển hơn 1 km, nếu bão số 8 sau khi đổ bộ có diễn biến phức tạp, mạnh”.

Đêm 27-10, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo ngành chức năng, địa phương phải di dân ngay trong đêm.

Theo đó, gần 12 vạn dân đang sinh sống cách mép nước ven biển 200 m của các huyện, thị: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia được di dời đến các công trình kiên cố.

Đến cuối ngày 27-10, tỉnh Thanh Hóa có 8.566 tàu, thuyền với 28.553 lao động vào bờ tránh trú bão số 8 an toàn. Tỉnh đã huy động 2.300 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang sẵn sàng ứng phó bão số 8.

Ngày 27-10, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tập trung nhân lực, vật lực, sẵn sàng tốt nhất cho công tác phòng chống bão.

Tại hồ chứa nước Cửa Đạt cũng như các hồ lớn của tỉnh, nhất là các hồ bị sạt, lở trong đợt lũ đầu tháng 9, nếu có vấn đề, phải xả nước an toàn. Với các hệ thống đê xung yếu, luôn phải triển khai công tác hộ đê.

Riêng huyện Yên Định, Thọ Xuân có hệ thống sông Cầu Chày (mới đắp sau khi sạt, vỡ trong đợt lũ lụt vừa qua), chính quyền các địa phương cùng ngành chức năng phải tuyệt đối quan tâm; lãnh đạo huyện phải trực để có chỉ đạo kịp thời, nếu thấy có dấu hiệu bất trắc.

Riêng 11 huyện miền núi của tỉnh, phải gấp rút rà soát lại nơi cư trú của bà con ở ven sông, suối và các vùng dễ sạt lở, nếu thấy không an toàn phải di dân ngay.

Sở GT-VT có phương án tập trung máy móc lên miền núi, sẵn sàng sửa chữa đường giao thông hư hỏng trong và sau bão; Sở Công Thương phải chuyển các mặt hàng thiết yếu như dầu hoả, mì tôm, muối, gạo... để cung ứng kịp thời cho đồng bào, nếu bão gây chia cắt. Bộ đội biên phòng tỉnh, công an, quân đội... phải chuẩn bị 100% lực lượng, sẵn sàng triển khai khi có yêu cầu.

Trưa 28-10, trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua huyện Tĩnh Gia, xe tải 37V-3169 và xe khách 34M-4684 đâm nhau trong mưa bão, khiến 2 người trên xe tải, 1 người trên xe khách thiệt mạng, hàng chục hành khách bị thương.

Mất tích trên đường tránh bão

Chiều 28-10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, hồi 11g30 ngày 26-10, tàu cá NA 90071 TS của thuyền trưởng Võ Văn Hướng (SN 1964, trú tại huyện Quỳnh Lưu) nhận được tin có bão Sơn Tinh đang đổ vào đất liền.

Ông Hướng cùng 8 thuyền viên khẩn trương cho tàu chạy vào đất liền tránh bão. Tàu đang trên đường vào bờ thì ông Hoàng Văn Đông (SN 1966, trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) rơi xuống biển và bị sóng đánh mất tích.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG