Miền Trung hối hả đón bão số 8

Miền Trung hối hả đón bão số 8
TP - Hàng ngàn ngôi nhà ven biển được giằng mái dây an toàn, hàng vạn người dân đang được chính quyền lên phương án di dời khẩn cấp trước khi bão đổ bộ.

> Khẩn cấp: Tâm bão số 8 đang áp sát bờ biển Hà Tĩnh đến Quảng Trị

Bão số 8 đổi hướng, giật cấp 13

Khác với nhận định ban đầu, tối nay, dự kiến tâm bão sẽ chệch lên hướng bắc, đổ bộ vào Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng.

Đến 19 giờ hôm nay, 28-10, tâm bão sẽ nằm trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh Nam đồng bằng Bắc gộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89 đến 117 km/h), giật cấp 12, cấp 13.

Sau đó, bão sẽ chuyển hướng về phía bắc đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi đông bắc Bắc bộ.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to.

Phía Tây Bắc bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên- Huế, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 – 4m.

Tối 27-10, ông Nguyễn Phú Nhuận, Văn phòng ban chỉ huy PCLB&TKCN Thái Bình cho biết, tỉnh này đã thông báo cho 1.287 tàu thuyền/hơn 3.000 lao động đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn.

Theo Ban chỉ huy PCLB &TKCN Nam Định, tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển trong ngày 27-10, tạm ngừng các hoạt động du lịch trên các bãi biển Quất Lâm, Hải Thịnh và vườn quốc gia Giao Thủy.

Đến hôm qua, lực lượng quân đội đã huy động gần 50.800 người tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, huy động 12 trực thăng, trên 1.000 ô tô, trên 500 tàu, xuồng các loại. Chiều qua, hai thuyền viên ở Cà Mau mất tích, vẫn chưa tìm thấy.

Hà Tĩnh: Sẵn sàng di dời 53.000 dân

Trưa 27-10, tại Hà Tĩnh bắt đầu xuất hiện mưa lớn kèm gió nhẹ. Trên các ngả đường, người dân hối hả dọn dẹp đồ đạc, giằng lại nhà cửa để đón bão.

Phóng viên Tiền Phong có mặt tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, nơi đang có hàng trăm chiếc thuyền cá được neo đậu an toàn. Một số ngôi nhà nằm sát biển được giằng mái an toàn, người dân hối hả dọn dẹp đồ đạc di dời vào bên trong làng tránh bão.

Trao đổi qua điện thoại với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, ông Đặng Văn Tính cho biết, hai xã khả năng vỡ đê rất cao là tại xã Cương Gián và xã Xuân Hội. Hiện UBND huyện Nghi Xuân huy động người dân và các lực lượng túc trực 24/24 tại các địa điểm này.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã xây dựng các phương án sơ tán dân ven biển, trường hợp bão cấp 9-10 đổ bộ trực tiếp di dời 6.645 hộ dân ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân và TP Hà Tĩnh; bão cấp 11 trở lên di dời 15.096 hộ với trên 53.000 người.

Mưa to gió giật, lật nhào một xe khách

Đến chiều 27-10, tỉnh TT- Huế sẵn sàng tổ chức di dời gần 100 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm thuộc các xã Hải Dương, Thuận An, Phú Thuận đến nơi an toàn.

Riêng vùng bờ biển thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) xuất hiện mới tình trạng sạt lở khu vực thôn An Hải, uy hiếp các cụm dân cư, nghĩa địa và khu du lịch ven biển.

Sở GD&ĐT tỉnh TT- Huế cho phép toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học đến khi bão tan.

Sáng 27-10, trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Phong An (huyện Phong Điền, tỉnh TT- Huế) xe khách 18T - 3149 chạy hướng Quảng Trị - Huế, gặp mưa rất to, gió giật mạnh, đường trơn nên bị mất lái trượt sang phần đường bên trái rồi lật nhào, làm hành khách Nguyễn Văn Hạ (76 tuổi, quê ở Nam Định) tử vong.

Thời điểm gặp nạn, xe khách chở khoảng 30 người. Các hành khách còn lại chỉ bị thương nhẹ.

Tại Thanh Hóa, các phương án phòng, chống bão số 8 (cơn bão mà ngư dân Thanh Hóa gọi là cơn bão trái mùa) đã được triển khai đồng bộ.

Trưa 27-10, có gió thổi mạnh, vài nơi diễn ra mưa nhưng không lớn và kéo dài, đến chiều tối cùng ngày gió giảm, không mưa. Tối qua, tại Thanh Hóa, trời quang mây tạnh, thậm chí có trăng.

Trung Trung Bộ: sắp có lũ trên sông

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình phòng chống bão tại Thanh Hóa Ảnh: Hoàng Lam
Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình phòng chống bão tại Thanh Hóa.  Ảnh: Hoàng Lam.
 

Tại TP Đà Nẵng, mưa, gió lớn từ 9 giờ sáng 27-10 nhưng đến 15 giờ đã giảm hẳn.

Người dân dọc các khu vực biển chủ động chằng chống nhà cửa, đưa thuyền, thúng lên bờ gia cố an toàn. Một số cây xanh đường Bạch Đằng, Hoàng Sa, Trường Sa bị bật gốc ngã đổ. Ngoài ra, chưa có thiệt hại gì đáng kể do ảnh hưởng bão số 8.

Theo Trung tâm PCLB khu vực miền Trung – Tây Nguyên: Mưa lớn do ảnh hưởng bão số 8, khiến các sông trong khu vực Trung Trung bộ có khả năng xuất hiện lũ với đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ở mức BĐ2 đến BĐ3; các sông từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi ở mức BĐ1, có sông trên BĐ1.

Một số hồ chứa thủy lợi sắp đầy, đang tiếp tục xả điều tiết với lưu lượng nhỏ như Khe Tân, Thạch Bàn (Quảng Nam), Cam Ranh, Suối Dầu, Suối Trầu (Khánh Hòa).

Phần lớn hồ chứa trong khu vực đang vận hành bình thường. Dung tích các hồ chứa các tỉnh khu vực miền Trung phổ biến đạt từ 50-70% so với dung tích thiết kế.

Đề phòng lũ quét, Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch sơ tán dân, dự kiến trên 23.000 hộ với gần 89.000 nhân khẩu, tập trung vùng ven biển và đầm phá. Ngày 27-10, Quảng Trị ban hành kế hoạch sơ tán dân trong điều kiện khẩn cấp.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc công trình, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thực hiện việc điều tiết xả lũ theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt

Huỷ 62 chuyến bay

Cuối ngày 27-10, hãng Hàng không quốc gia VN (VNA) tiếp tục thông báo hủy thêm gần 40 chuyến bay đến/đi 4 sân bay miền Trung (Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới và Vinh) trong 2 ngày 27 và 28-10 để tránh bão. Riêng ngày 28-10, VNA hủy 11 chuyến bay đến/đi từ Vinh và Đồng Hới, có thời gian khởi hành từ 7h15 – 12h10.

Như vậy, qua 2 lần thông báo, VNA đã huỷ 62 chuyến bay với trên 6.800 hành khách. Dự kiến trong ngày 28-10, VNA sẽ bố trí 22 chuyến bay bù, trong đó 16 chuyến bay đến/đi từ Đà Nẵng, 4 chuyến đến/đi Huế, 2 chuyến đến/đi từ Vinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG