> Hai phương án 'siết' nhập cư Hà Nội?
Dự thảo luật do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày cho thấy, ngoài ý kiến đồng thuận còn có ý kiến đề nghị không quy định hạn chế nhập cư vì có thể ảnh hưởng quyền tự do cư trú của công dân.
Theo Chính phủ, để kiểm soát dân cư trong nội thành ở mức phù hợp, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là giải pháp về kinh tế - xã hội, quy hoạch.
Biện pháp hành chính chưa phải giải pháp tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn, do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành (mỗi năm có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành, tăng gấp 3 lần so với trước đây).
Cơ sở hạ tầng, khả năng cung ứng dịch vụ công của thành phố như giáo dục, y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào nội thành.
Để siết nhập cư, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1, người lao động có biên chế hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn được đăng ký thường trú ở nội thành với điều kiện kèm theo: có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở.
Ngoài ra, thời hạn tạm trú tại chỗ ở đó phải đảm bảo từ đủ 3 năm trở lên. Phương án 2 thắt hơn nữa với điều kiện nhà thuê phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu 5m2/người.
Theo tính toán, nếu siết nhập cư, mỗi năm, số người đăng ký vào nội thành có thể giảm 14.000 - 19.100.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, cơ quan thẩm tra thiên về phương án 1, cho rằng siết điều kiện nhập cư là giải pháp cần thiết, nhằm giãn bớt số lượng dân cư nội thành.
Nhưng về lâu dài, phải có các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kinh tế - xã hội, quy hoạch, chuyển một số cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường đại học, cơ quan, tổ chức ra khỏi nội thành; hạn chế việc xây dựng chung cư cao tầng trong nội thành... thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề quá tải dân cư của Hà Nội.
Cơ quan thẩm tra cũng tán thành quy định cho phép Thủ đô được sử dụng các khoản thu của ngân sách trung ương vượt dự toán (trừ 3 khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước và các khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán thu, nộp ở Thủ đô).
Phạt hành chính tăng gấp đôi ở 3 lĩnh vực
Dự thảo đề xuất cho Hà Nội nâng mức phạt tiền do vi phạm hành chính cao gấp 2 lần quy định chung trong 3 lĩnh vực là văn hóa, đất đai, xây dựng. Đề xuất này nhận được đồng thuận của cơ quan thẩm tra.
Ngoài ra, dự thảo luật đề xuất mức thu phí trong lĩnh vực giao thông vận tải ở nội thành cao hơn không quá 2 lần quy định để hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đây chưa phải giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề.
Lần này, dự thảo luật bổ sung thêm 2 khu vực cần tập trung bảo tồn là khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Trúc Bạch.
Các khu vực khác được duy trì gồm: Khu vực Ba Đình; Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Hoàng Thành Thăng Long; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ, làng cổ, biệt thự cũ... Biểu tượng của Thủ đô được đề xuất là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Tính từ thời điểm mở rộng Hà Nội đến nay, toàn thành phố có khoảng 1.720.400 hộ với 6.489.170 nhân khẩu thường trú. Mật độ trung bình 2.129 người/km2, gấp 8 lần bình quân cả nước, nhưng phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung và tăng nhanh ở nội thành.