'Cần lập Ủy ban giải quyết nợ xấu để cứu nền kinh tế'

'Cần lập Ủy ban giải quyết nợ xấu để cứu nền kinh tế'
TPO - Trao đổi với báo chí, TS Trần Hoàng Ngân (Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội) cho rằng cần lập Ủy ban giải quyết nợ xấu, để cứu nền kinh tế.
Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân
Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân.

Tuy nhiên, theo ông Ngân, việc xử lý nợ xấu cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

TS Ngân phân tích, nợ xấu có nhiều nguyên nhân, cả người đi vay, người cho vay, kinh doanh đa ngành, phần lớn tập trung vào bất động sản. Ví dụ, nhìn lại năm 2008, nền kinh tế đã suy sụp, nhưng chúng ta cố gắng giữ bằng cách năm 2009 đưa ra gói kích cầu. Nhà đầu tư tưởng có luồng gió mới, tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Cuối cùng "bong bóng" bất động sản xẹp, nợ xấu lại xấu thêm. Nợ xấu cần phải được giải quyết thì nền kinh tế mới phát triển trở lại, vì nền kinh tế của ta còn nhiều tiềm năng và rất phong phú. Nợ xấu được giải quyết thì mạch máu trên cơ thể kinh tế mới lưu thông tốt.

“Giải quyết nợ xấu phải xác định là cứu nền kinh tế, chứ không phải cứu ngân hàng, hay cứu bất động sản” – Ông Ngân nhấn mạnh. Theo ông, cần phải làm minh bạch hệ thống tài chính – ngân hàng của Việt Nam, minh bạch doanh nghiệp, tốt xấu phải rõ ràng. Bởi chỉ khi minh bạch mới góp phần tái cấu trúc ngân hàng thành công. Vì khi đó, chúng ta biết ngân hàng nào cần hợp nhất, sáp nhập, quốc hữu hóa. Doanh nghiệp cũng vậy, sẽ biết doanh nghiệp nào làm ăn tốt, doanh nghiệp nào cần giải thể, phá sản. Thực tế cho thấy, ngân hàng không cho vay được nhưng vẫn cạnh tranh huy động vốn, đó là vì chưa giải quyết được nợ xấu.

Để giải quyết được nợ xấu, theo TS Ngân, nên hình thành Ủy ban giải quyết nợ xấu. Trong Ủy ban đó có đại điện của Ngân hàng Nhà nước vì vấn đề này dính đến ngân hàng, dính đến tiền; có đại diện của Bộ Tài chính vì có liên quan đến các dư nợ của các tập đoàn kinh tế; có sự góp mặt của Bộ Xây dựng vì liên quan tới đất đai; và có đại điện của Bộ Công an vì có những dự án liên quan tới vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, cần có đại diện của Quốc hội. “Chúng ta sử dụng tiền của dân để xử lý nợ xấu thì phải có Ban kiểm soát, đó là đại diện của Quốc hội, cụ thể là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách giám sát độc lập, trong Ủy ban giải quyết nợ xấu này lại hình thành Công ty mua bán nợ” – Ông Ngân nói.

Theo TS Ngân, phải đo lường nợ xấu “để xem kích cỡ thế nào, ràng buộc nhau thế nào”. Tiếp theo là thẩm định lại tài sản thế chấp, cầm cố. Việc thẩm định đó, thông qua việc bán đấu giá tài sản hoặc sau thẩm định mà không ai mua do nền kinh tế thiếu thanh khoản thì công ty mua bán nợ sẽ ứng vốn mua lại tài sản đó để tách hẳn nợ xấu ra khỏi ngân hàng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG