Bảo vệ nguồn tin là đạo lý của nhà báo

Bảo vệ nguồn tin là đạo lý của nhà báo
TP - Đó là khẳng định của cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, tại Hội thảo “Bảo vệ nguồn tin: Pháp lý và đạo đức báo chí” do Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp với báo Pháp luật TPHCM tổ chức hôm qua.

> Báo chí không làm thay cơ quan điều tra

Bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc và đạo đức của các nhà báo. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc và đạo đức của các nhà báo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cũng tại Hội thảo, hầu hết các chuyên gia pháp luật, luật sư và nhà báo đều đề nghị dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) bãi bỏ quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”...

Quy định “trói” báo chí

Trước đó, ngày 18-9, Thanh tra Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật PCTN, trong đó Khoản 4 Điều 101 quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh chỉ ít ngày nữa Quốc hội sẽ họp thảo luận về dự án Luật PCTN. Ban Tổ chức đã mời 3 đại diện của Thanh tra Chính phủ đến dự hội thảo để cùng trao đổi về Khoản 4 Điều 101, nhưng không ai có mặt. Trong khi đó, về nguyên tắc xây dựng luật, khi đưa ra những quy định này phải lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động là các nhà báo, cơ quan báo chí.

Quy định mới này đã vấp ngay phải sự không đồng tình của cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị xử lý tránh mâu thuẫn với Luật Báo chí.

Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia pháp luật và các cơ quan công luận cũng lên tiếng phản đối.

Các từ “thông tin, tài liệu” có nghĩa rất rộng, thường liên quan đến “nguồn tin” và rất dễ bị diễn giải thành cung cấp nguồn tin.

Điều này trái với quy định tại Điều 7, Luật Báo chí: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

So với Luật Báo chí, quy định của dự án Luật PCTN đã mở quá rộng diện chủ thể có thẩm quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin; cũng mở quá rộng các trường hợp báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin.

Tại Hội thảo, nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân (báo Pháp luật TPHCM) nêu một loạt câu hỏi: “Cơ quan có thẩm quyền ở đây cụ thể là những cơ quan nào, cấp thẩm quyền nào? “Thông tin, tài liệu” cần được cung cấp là thông tin do báo chí đưa hay nguồn tin của báo chí? Nếu vênh với Luật Báo chí thì hậu quả pháp lý là gì?...”.

Ông Nghĩa Nhân cho rằng, nếu không quy định rõ, báo chí sẽ phải đối mặt với nguy cơ thường xuyên bị hạch hỏi, truy vấn nguồn tin, hạn chế cuộc đấu tranh chống tham nhũng của báo chí.

Nguồn tin, người tố cáo cần được bảo vệ

Nhà báo Bá Kiên (Trưởng ban Kinh tế báo Tiền Phong) tỏ ra lo ngại trước việc mở rộng đối tượng được quyền yêu cầu cơ quan báo chí cung cấp nguồn tin. Việc bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc cơ bản nhất trong đạo đức báo chí.

Với thể loại báo chí điều tra, chống tiêu cực, tham nhũng, nguồn tin là số một. Nếu không có nguồn tin, có người cung cấp thông tin thì không thể có những loạt bài điều tra tốt.

Từ thực tiễn hoạt động báo chí tại báo Tiền Phong, nhà báo Bá Kiên cho biết, những loạt bài gây tiếng vang trên Tiền Phong đều xuất phát từ việc xây dựng nguồn tin tốt và bảo vệ được nguồn tin.

“Nguồn tin tạo nên uy tín của tờ báo và ngược lại. Tờ báo bảo vệ được nguồn tin, không bán đứng nguồn tin chắc chắn sẽ có được nhiều nguồn tin tốt”- ông Kiên nói.

“Việc bảo mật sẽ đảm bảo an toàn cho người tố cáo, đặc biệt là khi giữa người tố cáo và người bị tố cáo thường có quan hệ bất đối xứng về quyền lực và các điều kiện về vật chất theo hướng bất lợi cho người tố cáo,” luật sư Mai Lương Việt (Giám đốc Cty Luật TNHH Việt & Cộng sự) nói.

Luật sư Việt dẫn chứng, rất nhiều người tố cáo chống tham nhũng đã bị trả thù, đe dọa, trù dập dưới nhiều hình thức, bị khủng bố về tinh thần và thể chất...

Ông Việt cho rằng, một trong những lý do khiến cho người tố cáo bị trả thù là cơ chế bảo vệ danh tính và thông tin cá nhân người tố cáo chưa tốt; việc giữ được bí mật danh tính và thông tin cá nhân là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để người tố cáo tự bảo vệ mình.

Cần coi hoạt động báo chí là thi hành công vụ

Có mặt tại Hội thảo với tư cách chủ trì, sau khi lắng nghe từng ý kiến, cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc tỏ ra khá bức xúc trước nguồn tin của báo chí có nguy cơ bị xâm hại. Bản thân ông đã từng lên tiếng phản đối việc cơ quan điều tra yêu cầu một phóng viên công khai nguồn tin.

“Khi thấy một thông tin trên báo chưa rõ đúng sai, cơ quan điều tra đã triệu tập, yêu cầu cung cấp nguồn tin là chưa có căn cứ pháp lý. Muốn triệu tập thì phải có quyết định khởi tố vụ án vì khi đó mới có thể áp dụng Bộ Luật Tố tụng hình sự. Việc xác minh thông tin là việc riêng của cơ quan điều tra, sẽ hợp lý hơn khi họ phải tự xác minh lấy thông tin”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng phòng Pháp luật chính sách, Cục Báo chí) cũng bày tỏ: “Do tính chất đặc thù của nghề báo, nhà báo có trách nhiệm xã hội cao hơn. Mỗi bài viết của họ có tác động nhất định trong xã hội. Chính vì vậy các cơ chế bảo vệ nhà báo là hết sức cần thiết, trong đó bảo vệ nguồn tin là một trong các cơ chế đó để nhà báo làm tốt công tác của mình”.

Cùng quan điểm, bà Hà Kim Chi (Hội Nhà báo Việt Nam) còn đề nghị cần coi nhà báo tác nghiệp là hoạt động thi hành công vụ, đặc biệt là đối với các nhà báo chuyên làm điều tra, chống tiêu cực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG