'Hung thần' kiến ba khoang đổ bộ Hà Nội
Kiến ba khoang vừa có đợt đổ bộ rầm rộ vào Hà Nội sau khi đã khiến cư dân ở Huế và TPCHM lao đao
Mới chuyển về nhà mới được gần 2 tuần, anh Huy đã 2 lần bị kiến ba khoang đốt. |
Kiến đổ bộ
Chuyển về nhà mới ở tận tầng 10, chung cư Đặng Xá, Gia Lâm, được gần 2 tuần, anh Huy (38 tuổi) đã bị kiến ba khoang đốt 2 lần. Lần đầu, anh thấy ngứa, sưng, rộp ở bắp chân. Anh nghĩ là bị zola nên tự mua thuốc về bôi, mãi không khỏi.
Theo ThS. BS Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh Thừa Thiên – Huế, kiến ba khoang thường được gọi bằng các khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong. |
“Tôi phải đóng kín tất cả các cửa, điện cũng không bật nhiều để tránh thu hút chúng vào. Hôm trước tôi lại bị đốt lần nữa, cả một vùng rộng ở cổ sưng đỏ lên, rát, ngứa rất khó chịu”, anh Huy nói.
Gia đình anh Hải, ở tầng 12, khu nhà bên cạnh cũng bị kiến ba khoang tấn công. Anh và hai con dưới 5 tuổi đều bị kiến cắn, trong đó anh nặng nhất, chỗ đốt bị phồng rộp, đỏ. Bác sĩ bảo anh bị dị ứng phấn côn trùng.
Kiểm tra trong nhà, anh phát hiện có rất nhiều côn trùng giống như kiến, có cánh, đầu đen, thân, đuôi đều có khoang đen. Hôm nào đóng kín cửa bật điện thì ít, nhưng chỗ phơi quần áo ngoài lan can thì chi chít kiến.
“Tôi xịt mất 3 lọ thuốc côn trùng rồi mà vẫn không ăn thua, dội nước chúng cũng không chết”, anh Hải cho biết.
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương. Ảnh: Nam Phương |
Hung thần kiến ba khoang
Nhìn mẫu côn trùng được bắt từ khu vực này, Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, đây là con kiến ba khoang, thuộc bọ cánh cứng, đầu đen, ngực có màu vàng cam hoặc đỏ, cánh cụt. Đây cũng là loài côn trùng đang tấn công người dân ở TP HCM và Huế.
Điều trị kiến ba khoang cắn Điều trị rộp da do kiến khoang bằng thuốc tím (KMnO4), thuốc xanh Metylen lên vùng da, thuốc kem bôi có chứa corticosteroids như: Korcin; Betnovate; Betnovate-GM; Gentrisone. Kháng sinh có thể cần nếu có bội nhiễm bóng nước trên da, nếu cảm giác ngứa thì không nên gãi mạnh vì có thể gây viêm da lan rộng hơn, lúc này cần uống thêm thuốc kháng Histamin (thuốc chống dị ứng). Tình trạng viêm da sẽ lành trong 2 - 3 tuần. Nhưng tốt nhất là đến ngay Trạm y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị đúng, kịp thời. |
Không riêng gì khu vực Gia Lâm, chị Lan, sống tầng 8 một khu chung cư tại Mễ Trì, cũng bị kiến ba khoang đốt nổi bọng nước, đau rát. "Chả hiểu sao mình sống trên cao như thế mà nó vẫn bay lên được. Không biết có cách gì diệt được nó không, chứ mỗi lần đốt thế này một tuần mới khỏi", chị Lan cho biết.
Theo tiến sĩ Khoa, kiến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối nước ngọt hoặc dưới lá cây ở các bìa rừng. Những người dân bị đốt thường sống ở khu vực ngoại thành, gần cánh đồng.
"Nói kiến ba khoang đốt là không hoàn toàn chính xác. Thực chất có một số vi khuẩn cộng sinh sống trên kiến tiết ra chất gây kích ứng da khi tiếp xúc với da cơ thể lạ, như một phản ứng bảo vệ. Đây không phải là loại mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu. Chúng thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối nước ngọt hoặc dưới lá cây ở các bìa rừng”, tiến sĩ Khoa nói.
Cách phòng tránh hung thần kiến ba khoang Biện pháp phòng bệnh với loại kiến ba khoang này gồm: Tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong nhà nên thắp đèn có ánh sáng vàng. Nếu thấy kiến ba khoang xuất hiện ở dưới ánh đèn, cần tránh và đứng xa chúng. Nếu bị cắn hay lỡ tay đập chết chúng trên da mình thì cần rửa sạch càng nhanh càng tốt nơi bị dính độc tố bằng xà phòng. Sau đó bôi thuốc tím và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu. Với mật độ kiến ba khoang nhiều, Thuốc FENDONA 10SC(Alpha permethrin 10%), pha với nồng độ 70ml/8 lít nước, phun tồn lưu trên vách tường trong và ngoài nhà có tác dụng xua và diệt chúng. |