> Khánh thành Thủy điện Sơn La vào cuối năm
Quảng Nam hiện có 44 dự án thủy điện được phê duyệt, với tổng công suất 1.584,6 MW. Trong đó có 10 dự án thủy điện lớn được Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt với công suất 1.147 MW và 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ do tỉnh phê duyệt và quy hoạch.
Việc phát triển thủy điện đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chính quyền các địa phương có nhiều công trình thủy điện phải đau đầu.
Trong số 10 dự án thủy điện lớn được Chính phủ cho phép triển khai đến nay, đã có 4 công trình đã phát điện, gồm: Nhà máy thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4.
Còn 6 công trình khác đang xây dựng, trong đó các thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2, Đăk Mi 2, Đăk Mi 3 không đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, công trình thủy điện Đăk Mi 2 chủ đầu tư ngưng trệ việc thi công đã hơn 1 năm nay.
Trong số 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ chỉ mới có 7 dự án thủy điện đi vào hoạt động.
Dây điện đã chằng kín trên đầu dân rồi
Các huyện có nhiều công trình thủy điện, là Tây Giang (5 dự án), Nam Giang (11), Đông Giang (9), Nam Trà My (8), Phước Sơn (5), Bắc Trà My (2)… Lãnh đạo các huyện này yêu cầu UBND tỉnh cần thiết ngừng ngay các dự án chậm tiến độ, không hiệu quả, kiên quyết không làm thủy điện nữa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, bà Phạm Thị Như kiến nghị tạm dừng một số dự án thủy điện vừa và nhỏ. Huyện có tới 11 dự án thủy điện. Ngoài bất cập về di dân, tổ chức tái định cư, thì việc quản lý an ninh trật tự trên địa bàn cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Như thủy điện Sông Bung 2, ngoài việc ảnh hưởng diện tích rừng, thì việc mở đường để xây dựng thủy điện chính là mở lối đi cho “vàng tặc” hoành hành. Trước đây, những điểm thuộc xã Chơ Chun, La Ê các đối tượng khai thác vàng trái phép không thể vào được bởi không có đường.
Nay có đường thủy điện, đi thoải mái. “Không làm thủy điện nữa, Nam Giang giờ dây điện đã chằng kín trên đầu dân rồi”, bà Như nói.
Ông Nguyễn Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: “Huyện có 7 dự án thủy điện, nhưng mới chỉ có 1 dự án đi vào hoạt động có hiệu quả, còn lại thì chưa thấy động tĩnh gì. Đối với những dự án này thì nên tạm dừng để xem xét lại”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh kiến nghị nên bỏ những dự án thủy điện không cần thiết, bởi riêng việc điều tiết lũ, xả lũ cũng đủ phức tạp cho địa phương quá nhiều.
Trong khi đó, để làm thủy điện phải mất một diện tích rất lớn rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh, việc trồng lại không những rất khó khăn mà ngay cả diện tích đất để trồng rừng trở lại cũng là bài toán rất nan giải.
Dừng được cái nào là dừng ngay
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chức năng cần đánh giá, rà soát lại tất cả những vấn đề có liên quan, đặc biệt là tái định cư, trồng rừng tái tạo. Đồng thời phải chủ động làm việc với các chủ đầu tư về việc điều tiết nước đối với hạ du cả trong mùa khô lẫn mùa mưa lũ.
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng làm việc với chủ đầu tư của 3 công trình bị chậm trễ, bỏ dở lâu là Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, và thủy điện Tr`Hy.
Nếu cần thiết thì bỏ 3 công trình này trước tiên. Đối với 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ, ông Thu khẳng định: Sẽ có 2 dự án bị dừng hoạt động là thủy điện Bồng Miêu (Phú Ninh) và thủy điện Hà Ra (Nam Giang); 17 dự án sẽ phải tạm dừng.
15 dự án còn lại sẽ tiếp tục hoạt động, trong đó 7 dự án đã hoàn thành và đã phát điện, còn lại 8 dự án sẽ đôn đốc thực hiện đúng chủ trương.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khẳng định: “Giữa cái được và cái mất từ thủy điện thì cái mất nhiều hơn. Do đó, tỉnh sẽ kiên quyết trong vấn đề thủy điện.
Những dự án nào không đảm bảo được yêu cầu thì sẽ cho dừng, loại khỏi quy hoạch được thủy điện nào thì loại ngay. Đối với những dự án chỉ mới nghiên cứu thì dứt khoát sẽ cho dừng ngay tức khắc. Không thể kéo dài tình trạng chậm tiến độ, ảnh hưởng môi trường và cuộc sống của người dân như thế này được nữa”.
Liên quan đến vấn đề thủy điện Sông Tranh 2 và vận hành liên hồ chứa bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, ông Phạm Viết Tích, Phó GĐ Sở KH&CN Quảng Nam, cho biết: “Hệ thống thủy điện bậc thang ở Quảng Nam, trên một dòng sông hiện nay rất nhiều công trình thủy điện, cần thiết nghiên cứu việc vỡ đập liên hoàn có thể xảy ra như sự cố vỡ đập Bản Kiều ở Trung Quốc năm 1975 làm 250.000 người chết. Nếu xảy ra sự cố vỡ đập bất cứ hồ chứa nào trên hệ thống thủy điện này, sẽ biến thành đại hồng thủy, thảm họa khôn lường”. |