> Hà Nội: Ì ạch 'cắt ngọn' nhà sai phép
Trường học, nhà dân kêu cứu
ĐB Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo dẫn chứng trường THPT Telơman (quận 1) nằm trong quy hoạch khu tam giác vàng Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, đến nay chưa được di dời.
Các phòng học, cơ sở vật chất đang xuống cấp trầm trọng vì không được sửa chữa kịp thời. Nếu không có giải pháp xử lý sớm, tính mạng của hàng ngàn giáo viên, học sinh của trường khó đảm bảo.
ĐB Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM cho biết khu công nghiệp (KCN) Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) được quy hoạch từ 2004. Sau gần 10 năm, qua nhiều đời chủ đầu tư song dự án vẫn chưa triển khai.
Trong khi đó nhà cửa của hàng trăm hộ dân nằm trong khu quy hoạch đang ngày càng xuống cấp, dột nát, không đảm bảo an toàn.
Chất vấn lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc qua điện thoại, một cử tri ở tứ giác Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh (quận 1) bức xúc: Nhà tôi đang làm hồ sơ giải tỏa.
Cứ mỗi năm, địa phương lại yêu cầu làm hồ sơ một lần nhưng không thấy thu hồi đất khiến người dân không yên tâm làm ăn, sinh sống.
Cử tri Đỗ Văn Bá (ngụ hẻm 20, ấp 4, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) băn khoăn: Nhà tôi nằm trong quy hoạch khu công viên cây xanh. Dự án “treo” đã 11 năm, xin hỏi còn “treo” đến bao giờ? Hiện nay nhà cửa đã dột nát hết nhưng dân không dám sửa chữa.
UBND thành phố nhận trách nhiệm
Nhiều ĐB phân tích nạn quy hoạch, dự án “treo” bủa vây người dân ngoài yếu kém của các đơn vị tư vấn lập dự án, chủ đầu tư, chính quyền địa phương còn có trách nhiệm rất lớn của các sở quản lý chuyên ngành khi thẩm định đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, trách nhiệm này dường như đã bị phớt lờ.
UBND thành phố xin nhận khuyết điểm, trách nhiệm vì để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Từ nay đến cuối năm TPHCM sẽ rà soát lại. |
Thay vì trả lời cụ thể từng nội dung chất vấn, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc lại dành nhiều thời gian để làm rõ …khái niệm và chức năng nhiệm vụ của công tác quy hoạch đô thị, đồng thời khẳng định vừa qua, TPHCM đã tích cực điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt nhưng sau 3 năm không triển khai thực hiện…
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phải ngắt lời, yêu cầu ông Dũng trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của các ĐB, cử tri về các dự án cụ thể đang bị “treo” 8 năm, 10 năm, 11 năm… Bị bắt “việt vị”, ông Dũng hứa sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xem xét lại theo hướng có cần thiết điều chỉnh quy hoạch không.
Riêng băn khoăn của cử tri về xin phép xây dựng tạm trong khu quy hoạch “treo”, ông Dũng cho rằng trách nhiệm thuộc về Sở Xây dựng.
Đối với việc di dời các trường đại học, cao đẳng, ông Dũng cho rằng TPHCM đã làm tích cực. Việc chậm trễ là do còn chờ quy hoạch ngành của Bộ GD&ĐT.
Đề cập đến trách nhiệm của Sở Xây dựng, Phó giám đốc Quách Hồng Tuyến cũng không trả lời cụ thể vấn đề ĐB và cử tri quan tâm là có được bồi thường giá trị căn nhà xin phép xây dựng tạm khi dự án hết “treo”.
Thay vào đó, ông Tuyến khẳng định việc cho phép người dân xây tạm nhà cửa trong khu quy hoạch “treo” là tiến bộ vượt bậc của TPHCM.
Tham gia trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín thừa nhận có nhiều dự án chậm tiến độ. Ngay sau kỳ họp này, UBND TPHCM sẽ kiểm tra các dự án Bình Quới - Thanh Đa, tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Bến xe Miền Tây... trên tinh thần “xử lý được sẽ cho làm ngay” để gỡ khó
người dân.
Theo ông Tín, người dân trong khu quy hoạch “treo” vẫn được sử dụng đất để ở, kinh doanh theo nguyên trạng và cũng có thể chuyển mục đích sử dụng nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
“UBND thành phố xin nhận khuyết điểm, trách nhiệm vì để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Từ nay đến cuối năm TPHCM sẽ rà soát lại. Những trường hợp nào đã bồi thường 100% rồi, phải xem xét vì sao chưa thực hiện được để thúc đẩy dự án. Những dự án nào đã bồi thường trên 50% sẽ tạo điều kiện thúc đẩy dự án sau khi chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng tiến độ với thời hạn tối đa 12 tháng. Những dự án không thể thỏa thuận đền bù, UBND thành phố sẽ xem xét hủy bỏ” - ông Tín khẳng định.