Nối kết những dòng chảy trẻ

Nối kết những dòng chảy trẻ
TP - Nhiều người Việt trẻ trí thức ở hải ngoại cũng theo dòng chảy trở về, để có mặt tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần 2. Họ là những người sinh ra, lớn lên, học tập, nghiên cứu lâu năm tại các nơi trên thế giới nhưng luôn đau đáu muốn trở về đóng góp cho quê hương.

> Xây chính sách Trí tuệ hải ngoại

Anh Nguyễn Trương Khoa (New Zealand) đề xuất thu hút nguồn lực trí thức trẻ hải ngoại thông qua việc phân chia thành nhóm (nhóm chuyên gia khoa học, kỹ thuật; nhóm tốt nghiệp xuất sắc đại học; nhóm chuyên gia kinh doanh…) để có kế hoạch, chính sách phù hợp.

Theo anh, nên mạnh dạn giao cho họ vị trí trong hội đồng quản trị của các doanh nghiệp có vốn góp Nhà nước, đi kèm chính sách đãi ngộ phù hợp… Anh có kế hoạch trụ ở Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán.

Anh Nguyễn Đức Khương trở thành phó giáo sư, tiến sĩ thương mại, tài chính của Học viện Thương mại Paris khi chưa qua tuổi 40. Anh đang giảng dạy tại học viện này và hoạt động tại Trung tâm nghiên cứu Sorbonne của Đại học Paris 1, kiêm Chủ tịch Hội khoa học chuyên gia Việt Nam ở Pháp.

Mỗi năm, anh Khương về nước vài lần và thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu giáo dục đại học. Tại hội nghị NVNONN lần này, vấn đề anh quan tâm chính là vai trò trí thức trong sự nghiệp đổi mới giáo dục Việt Nam, trong đó nghiên cứu là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất trong xếp hạng, chất lượng đại học.

“Những chuyên gia trí thức kiều bào có thể tham gia vào khâu tư vấn chiến lược, đóng góp ý kiến, cộng tác viên của các dự án cải cách, đặc biệt là dự án phát triển các trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tôi nghĩ, nếu sử dụng đúng hợp lý, nước ta có thể tiết kiệm được nhiều chi phí khi gửi các đoàn đi ra nước ngoài”, anh nói.

Anh Võ Xuân Hoài
Anh Võ Xuân Hoài.

Anh Võ Xuân Hoài, Tổng Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp, mới 28 tuổi nhưng đã lấy được 2 bằng thạc sĩ của các đại học danh giá nhất nước Pháp: Đại học Sư phạm Cachan (École Normale Supérieure de Cachan và Đại học Paris 1 Pantheon Sorbonne của Liên minh châu Âu (Erasmus Mundus).

Anh là người điều hành chung các hoạt động của 22 chi hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, với 6.000 du học sinh.

Ngoài hành lang Hội nghị NVNONN lần 2, anh Hoài cho biết, năm 2011 và 2012, anh tổ chức hội thảo kinh tế thường niên Việt Nam, hai chuyên đề hội thảo văn hóa và trí thức ở nước ngoài và hội thảo giao lưu các cựu du học sinh Pháp thành đạt ở Việt Nam, có giáo sư Ngô Bảo Châu tham gia.

Năm ngoái, Hội Du học sinh Việt Nam tại Pháp mở một gian hàng tại Trung tâm hội chợ thương mại Paris, một trong những hội chợ lớn nhất thế giới. Hội của anh Hoài đã liên lạc với các doanh nghiệp trong nước để mua hàng, thuê hàng bán, vừa có tài chính vừa quảng bá sản phẩm Việt Nam, với mục tiêu mỗi năm một thương hiệu.

Năm ngoái là cà phê Trung Nguyên, chè, lót giày Hương Quế. Sản phẩm của Hương Quế ban đầu chỉ được xem là sản phẩm phụ, nhưng lại được người châu Âu quan tâm. Sau đó, nhóm anh Hòa liên lạc với doanh nghiệp này ở Đà Nẵng để tiếp tục giới thiệu sản phẩm tại Pháp.

Cuối chiều 28-9, Hội nghị NVNONN lần 2 bế mạc. Hội nghị đã đưa ra những khuyến nghị, đề xuất cụ thể, tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Chính sách và bộ máy làm công tác đối với NVNONN; Xây dựng cộng đồng vững mạnh, hướng về đất nước; Công tác thông tin tuyên truyền và hỗ trợ cộng đồng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Công tác vận động trí thức Việt kiều đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG