“EVN đã sao chép, bóp méo thông tin động đất”

“EVN đã sao chép, bóp méo thông tin động đất”
TP - “Không chỉ sao chép không có sự đồng ý của tôi, EVN còn thêm bớt, làm méo mó nội dung” - TS Lê Trần Chấn, nguyên Trưởng phòng Địa lý Sinh vật (Viện Địa lý).

> Báo cáo về động đất sơ sài và trùng lặp

TS Chấn cho biết, năm 1996, Viện Địa lý khi đó thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, được Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ để xây dựng các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường trong nhiều lĩnh vực như thủy điện, du lịch, giao thông, đô thị.

Riêng TS Chấn được giao viết tham luận về hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các công trình thủy điện.

Bản báo cáo “Phân tích các hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện” được TS Chấn trình bày tại hội thảo “Xây dựng năng lực quản lý môi trường ở VN” năm 1998.

Nội dung của tài liệu “Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các công trình thủy điện” được TS Chấn xây dựng dựa trên thông tin từ các tài liệu nước ngoài, chủ yếu của Malaysia và Canada.

“Trên cơ sở tài liệu nước ngoài, chứ không phải trên cơ sở nghiên cứu thực địa ở VN, chúng tôi tiến hành đánh giá, phân tích rồi đưa ra những nhận định chung trong việc xây dựng các công trình thủy điện ở VN”, TS Chấn nói.

“Như thế là không được”

Báo cáo “Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của các công trình thủy điện” được TS Chấn thực hiện vào năm 1998 nhưng khi trích dẫn lại trong báo cáo đánh giá tác động môi trường thủy điện sông Tranh 2, chủ đầu tư lại ghi là năm 2002.

Báo cáo của TS Chấn viết: “Một trong những hậu quả do thủy điện gây ra cần được quan tâm hàng đầu là động đất kích thích, cho đến nay (tức năm 1998 - PV), đã biết hơn 100 trường hợp xảy ra động đất kích thích khi các hồ chứa nước tích nước đi vào hoạt động.

Người ta cũng đã khẳng định điều kiện chủ yếu dẫn đến động đất kích thích đó là các hồ chứa có chiều cao cột nước hơn 100 m, thể tích vượt quá một tỷ mét khối nước, hồ chứa nằm trong vùng có khả năng phát sinh động đất, các đứt gãy hoạt động kiến tạo mạnh.

Đã có nhiều trường hợp động đất kích thích từ 5-7 độ rirchter và gây ra các hậu quả thiệt hại như nứt nhà, làm chết người...”.

Vậy mà, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Thủy điện Sông Tranh 2 biến đoạn trích trên thành: “Điều kiện thủy điện sông Tranh 2 có khả năng gây ra động đất kích thích là hồ chứa phải có dung tích trên một tỷ m3, vùng hồ chứa có chiều cao tối thiểu 100 m, điều kiện đất đá vùng hồ có chia cắt và phân dị mạnh”.

“Thông tin của tôi chỉ là thông tin chung, không áp dụng cho một công trình thủy điện cụ thể nào. Sao họ lại áp vào công trình thủy điện sông Tranh. Như thế là không được. Hơn nữa báo cáo trên tôi làm từ năm 1996-1998, làm sao biết sẽ xây dựng thủy điện sông Tranh 2 mà nói vậy” - TS Lê Trần Chấn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG