Sự thật những bệnh viện gắn “sao”

Sự thật những bệnh viện gắn “sao”
TP - Được gắn mác bệnh viện “3 sao”, bệnh viện “đẳng cấp quốc tế” với những quảng cáo rầm trời về đội ngũ bác sĩ nước ngoài, giáo sư đầu ngành trong nước nhưng đằng sau những bệnh viện “sao” này, vẫn tồn tại một số bất cập yếu kém về chuyên môn.

> Liên tục tử vong sau mổ ở Bệnh viện FV

Nghe quảng cáo bệnh viện quốc tế Vũ Anh, ở quận Gò Vấp, TPHCM là bệnh viện khách sạn hạng sang, ngày 20-2, bà Dương Thị Thanh Lương đưa chồng mình là ông Nguyễn Hữu Hùng, 71 tuổi đến chữa trị đau lưng.

Tại đây, ông Hùng được chẩn đoán xẹp 2 đốt sống lưng và tư vấn nhập viện chữa trị bằng phương pháp bơm xi măng sinh học. Sau mổ 3 ngày, ông Hùng được cho xuất viện về nhà nhưng sau đó đau dữ dội.

Gần một tuần điều trị tiếp ở BV Vũ Anh, các bác sĩ không có hướng giải quyết. Sau đó ông Hùng được chuyển đến BV Nhân dân 115. Giấy ra viện ở BV Nhân dân 115 cho thấy ông Hùng bị viêm phổi, phù não, áp-xe cạnh sống sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

Ngày 1- 5, bệnh nhân tử vong. Bà Lương cho biết, nghe quảng cáo bệnh viện khách sạn, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm nên mới đưa chồng đến.

Những tắc trách của bác sĩ ở BV Vũ Anh như không tư vấn về khả năng phản ứng cơ thể với xi măng sinh học, không kiểm tra kỹ vết thương sau mổ, không phát hiện tình trạng nhiễm trùng sớm để chữa trị… theo bà Lương là nguyên nhân chính dẫn đến ông Hùng tử vong.

Cũng được xem bệnh viện “3 sao”, BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn ở quận 1, TPHCM được nhiều sản phụ giàu có “chọn mặt gửi vàng”. Tuy nhiên, ngoài dịch vụ chăm sóc tốt như một khách sạn ra, chuyên môn ở đây thuộc loại khá vừa phải.

Sản phụ Nguyễn Thị Mộng Tuyền (huyện Bù Đăng, Bình Phước) cho biết Tòa án nhân dân quận 1, TPHCM đã thụ lý đơn kiện bệnh viện này ra tòa của chị. Theo chị Tuyền, bắt đầu mang thai chị đến khám thai và được bác sĩ ở đây theo dõi cho đến khi sinh.

“Họ siêu âm và xét nghiệm hơn 10 lần trong quá trình tôi mang thai và khẳng định thai nhi bình thường. Vậy nhưng đến khi tôi sinh ở BV Từ Dũ thì mới phát hiện con tôi bị hội chứng down”- chị Tuyền bức xúc.

Bệnh viện FV ở quận 7, TPHCM cũng được xếp vào bệnh viện “dành cho nhà giàu”. Với mác “sao”, chủ yếu bác sĩ đến từ Pháp điều trị, nhưng chỉ một tháng qua nơi đây tiếp nhận 5 đơn kiện vì những tắc trách của bác sĩ khiến 5 bệnh nhân tử vong.

Ông Lê Văn Vui, ngụ quận Bình Tân, TPHCM có mẹ chết tại BV FV do sai sót từ chuyên môn của bác sĩ nơi đây, cho biết: “Chỉ mổ bắt vít do gãy xương đùi cho mẹ tôi nhưng rút cuộc, mẹ tôi đã không còn. Sở Y tế TPHCM kết luận bệnh viện FV sai sót trong điều trị nhưng họ vẫn chối bỏ trách nhiệm”- ông Vui cho biết.

Giá “khủng” và thất vọng

Ca mổ ruột thừa cho ông Mai Trung Kiên tại BV FV có chi phí lên tới hơn 300 triệu đồng. Sau đó ông Kiên đã tử vong. Ông Lê Văn Vui cho biết, 8 ngày điều trị cho mẹ tại đây phải chi trả hơn 90 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngoạt, 76 tuổi ở Vũng Tàu nằm viện từ ngày 30-5 đến 16-6, chi phí điều trị mổ bắt vít do gãy xương đùi được kê với tổng chi phí hơn 379 triệu đồng, chưa tính thuế VAT.

“Chỉ 16 ngày điều trị, tiêu tốn gần 400 triệu đồng. Vậy mà rút cuộc mẹ tôi đã tử vong bởi những tắc trách của bác sĩ tại đây”- chị Thủy, con bệnh nhân, nói.

Tại BV quốc tế Vũ Anh, phòng đặc biệt loại dành cho một bệnh nhân giá 1,9 triệu đồng/ngày, phòng thường loại dành cho 2 bệnh nhân 1 triệu đồng/ngày.

Tại BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn, muốn khám theo yêu cầu bác sĩ, giá từ 150-250 nghìn đồng/lần, dịch vụ sanh thường giá từ 2,5-3,5 triệu đồng/ca, sanh mổ từ 4,5-13 triệu đồng/ca.

Giá khủng về khám và điều trị phải kể đến BV FV. Phòng thường khoảng 1,3 triệu đồng/người/ngày, phòng “VIP” giá khoảng 2 triệu đồng/người/ngày. Nằm phòng săn sóc đặc biệt dành cho người lớn, người bệnh phải trả 8,4 triệu/ngày, chưa kể phí cho điều dưỡng chăm sóc 1,1 triệu đồng/ngày…

Nhiều bác sĩ ở BV FV chưa có giấy phép hành nghề

TPHCM - Hôm qua 9-9, đại diện BV FV xác nhận với Tiền Phong, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã đến làm việc với BV FV và yêu cầu một số bác sĩ nước ngoài đang làm việc của bệnh viện ngưng hoạt động chuyên môn khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra BV FV phát hiện 8 bác sĩ nơi đây có bằng cấp chuyên môn, có giấy phép lao động tại VN nhưng không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh của Bộ Y tế cấp theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế yêu cầu các bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề dừng ngay hoạt động khám chữa bệnh và lập biên bản vi phạm hành chính đối với tám bác sĩ.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 9-9, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng- Tổng thư ký Hội hành nghề y tư nhân TPHCM cho biết, không thể đánh đồng khái niệm giữa bệnh viện và khách sạn vì hai loại hình khách sạn và bệnh viện có những tiêu chí khác nhau.

Theo bác sĩ Tùng không ít bệnh viện hiện nay đánh bóng tên tuổi của mình bằng cách gắn mác “5 sao” khiến người bệnh nhầm tưởng ở bệnh viện đó là hoàn hảo, là tốt nhất.

Thực tế, thời gian qua cho thấy, chất lượng điều trị ở những bệnh viện này rất đáng quan tâm. “Trên thế giới cũng chỉ có bệnh viện tiện nghi chứ không có dùng “bệnh viện khách sạn” hay bệnh viện “sao” như ở Việt Nam”- bác sĩ Tùng nói.

Theo ông rất nhiều bệnh viện gắn sao hiện nay chỉ chăm lo dịch vụ cho người bệnh mà quên đi chuyên môn trong điều trị.

“Khác với đi du lịch, người bệnh vào bệnh viện mong được chữa khỏi bệnh, mong gặp bác sĩ giỏi, có chuyên môn, máy móc hiện đại, chứ không phải lúc bệnh tật mà nghĩ vào đây để ăn ngủ”- bác sĩ Tùng lý giải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG