> Quyết liệt chấn chỉnh 'loạn đất đai' trên đảo Phú Quốc
Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Kiên Giang tại một khu đất bị xẻ thịt ở xã Cửa Cạn cuối tháng 8-2012. |
Đất trong vụ án bị tái chiếm
Trong vụ án “tham nhũng đất đai trên đảo Phú Quốc” năm 2005, có gần 400.000m2 đất công bị chia chác, trong đó chủ yếu là đất rừng và đất quốc phòng.
Cơ quan chức năng thời điểm đó đã đề nghị thu hồi toàn bộ đất đai liên quan sai phạm. Chưa có số liệu thống kê thu hồi được bao nhiêu, nhưng tình trạng tái chiếm đất trong vụ án đang diễn ra.
Ông Lâm Hoàng Sa – Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Huyện Phú Quốc đã hai lần báo cáo về các vụ chặt phá và lấn chiếm đất rừng thời gian gần đây. Tuy nhiên báo cáo của huyện khác với thông tin báo chí nêu. Vì thế, Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đã chỉ đạo cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, xác minh lại sự việc một cách khách quan. Dự kiến giữa tháng 9-2012 sẽ có báo cáo vụ việc. |
Tại khu vực đồi Ra Đa nằm gần khách sạn bốn sao Sài Gòn - Phú Quốc, đất quốc phòng chia thành 63 lô cho cán bộ huyện và người nhà của họ.
Đất này đã có quyết định thu hồi từ nhiều năm qua nhưng hiện đã bị tái lấn chiếm hoàn toàn, nhiều nhà kiên cố đang mọc lên công khai.
Theo điều tra của Tiền Phong, Đại tá Trần Văn Ứng – nguyên Huyện đội trưởng Phú Quốc, đã xây một dãy nhà lầu hàng chục phòng vừa ở vừa cho thuê.
Ngay lối rẽ vào dãy nhà có tên đường Trần Văn Ứng khắc trên một khối đá lớn. Đối diện là dãy nhà bán kiên cố chạy dài, theo phản ánh của người dân, đó là nhà của con một quan chức huyện Phú Quốc. Nhiều ngôi nhà khác của quan chức và cựu quan chức huyện đảo này đã được xây dựng.
Một cán bộ Phòng TNMT huyện Phú Quốc cho biết: “Tổng diện tích đất khu vực nói trên rộng trên 6.000m2, nguồn gốc của quốc phòng, nay giao cho địa phương quản lí. Việc xây dựng là trái phép. Còn việc đặt tên đường chắc là người ta đặt cho vui. Hiện đang làm thủ tục phân lô sau đó tổ chức đấu giá”.
Ông Hồ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Kiên Giang nói: “Liên quan việc chia chác đất quốc phòng tại Bà Kèo trong vụ án 2005 ở thị trấn Dương Đông có hai vị trí: Phía trên đồi Ra Đa là trận địa pháo 85, rộng khoảng 2 ha và khu bến bãi gần mé biển rộng khoảng 3 ha. Nhiều cán bộ được chia đất tại đây và sau đó đã bị kiến nghị thu hồi. Việc tái chiếm liên quan đến cán bộ”.
Bà Phạm Thị Kim Dung – nguyên Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Phú Quốc lên tiếng: “Đất quốc phòng hồi đó thu hồi bây giờ cất nhà tùm lum. Còn đất rừng cũng vậy, trước thu hồi giao cho nhà nước quản lí, nay giao cho Cty này, Cty nọ gì đó rồi cũng nhận tiền bồi thường hàng tỷ đồng. Tôi đã hỏi thẳng ông Văn Hà Phong - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về vấn đề này cũng như có hay không đất của gia đình ông tại khu đất quốc phòng trên đồi Ra Đa nhưng chưa được trả lời” .
Thi nhau thâu tóm đất công
Đất rừng, đất công do nhà nước quản lí đang bị chính những người có quyền lực ở địa phương thâu tóm.
Xã Cửa Cạn là một trong những điểm nóng trong việc thâu tóm đất công, trong đó tai tiếng nhất là ông Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Nhan Văn Truyền.
Tại khu vực cầu Cái Cóc thuộc ấp 4, xã Cửa Cạn hơn 2 ha đất rừng ngập mặn đã bị san lấp, phân lô, mua bán trái phép hàng tỷ đồng.
Trong danh sách phân lô có ông Trần Thông - người nhà của ông Nhan Văn Truyền, 2 lô; ông Nguyễn Văn Tước -một cán bộ về hưu, 3 lô… và một số lô đất rộng lớn thể hiện trong sơ đồ “vắng chủ”.
Khu vực này trước đây một Việt kiều Bỉ đã hợp đồng mua một lô đất 12.000m2, giá 2,4 tỷ nhưng không làm giấy tờ được vì vướng đất quy hoạch công viên.
Đất thu hồi trong vụ án 2005 tại đồi Ra Đa, nay đã được xây nhà . |
Ông Mai Văn Xéo (gần 80 tuổi) là bố vợ của ông Truyền đứng tên ba lô đất, diện tích 16.762m2 tại ấp 3, xã Cửa Cạn, trong đó có tới 4.368m2 lấn chiếm đất rừng.
Theo bản đồ của Bộ TNMT, đất này thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc. Tại ấp 4, ông Ngô Hải Lực chỉ được cấp 26.545,3m2, nhưng sau đó ông Truyền đã qua mặt hội đồng xét duyệt xã hợp thức hóa thêm 11.248m2 đất rừng. Hai lô đất này sau đó đã được bán cho ông Nguyễn Hùng (TPHCM), giá 3,9 tỷ đồng.
Lô đất 4.143,6m2 tại ấp 2, xã Cửa Cạn do ông Nguyễn Đình Chiến đứng tên, là đất rừng thuộc Vườn Quốc gia quản lí, hoàn toàn không có thành quả lao động nào nhưng vẫn được cấp giấy đỏ, đang rao bán trên một tỷ đồng.
Khu đất công rộng hơn 20 ha nằm ngay phía sau UBND xã Cửa Cạn cũng bị phân lô, chia chác. Ông Nhan Văn Truyền còn viết giấy tay trong một hợp đồng mua bán đất rừng giữa ông Lê Văn Mót và ông Nguyễn Minh Châu, diện tích 4.800m2 tại ấp 4 xã Cửa Cạn, giá 130 triệu đồng.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cửa Cạn – ông Phan Thành Tiến lấy 277m2 đất dân hiến làm đường ở ấp Lê Bát hợp thức hóa, sau đó cuốn móng nền bít ngang lối đi.
Ông Dương Văn Toàn - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Phú Quốc đã ký văn bản yêu cầu huỷ hồ sơ xin hợp thức hóa đất này; kiểm điểm nghiêm khắc đối với ông Tiến. Tuy nhiên, hiện ông Tiến chưa trả lại đất, làm cho dân bất bình khiếu kiện kéo dài.
Trong khi đó, một Phó Bí thư Đảng ủy xã Cửa Cạn nữa - ông Trần Kiều Hưng lại bị cáo buộc thuê người chặt phá trên 4.000m2 đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc tại ấp 3. Ông Hưng đã thừa nhận hành vi này với cơ quan chức năng và UBKT Huyện ủy Phú Quốc. Vụ việc chưa được xử lí.
Ông Đặng Văn Tuân - một người dân trên đảo Phú Quốc tiếp tục gửi đơn tố cáo 10 nội dung liên quan “tham nhũng đất đai” tại xã Cửa Cạn với diện tích hàng chục ngàn mét vuông chủ yếu đất có nguồn gốc từ đất rừng.
Đầu năm 2012, ông Tuân cũng đã làm đơn tố cáo 9 nội dung liên quan ông Nhan Văn Truyền - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn vì cho rằng “có dấu hiệu cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ để trục lợi” nhưng chưa có cơ quan thẩm quyền nào trả lời đơn tố cáo của ông Tuân.
Ông Tuân bức xúc: “Sau khi gửi đơn tố cáo chỉ thấy cơ quan chức năng mời mấy lần. Họ còn hỏi vì sao tôi lại có hồ sơ, tài liệu nọ kia. Không trả lời đơn tố cáo của công dân theo qui định, mà ông Bí thư huyện còn lên tiếng đòi thanh tra đất cá nhân gia đình tôi”.