Sẽ thắt chặt kiểm soát thu nhập

Sẽ thắt chặt kiểm soát thu nhập
TP - Việc kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức cùng các hình thức xử lý với hành vi kê khai tài sản không trung thực sẽ được thắt chặt bằng các quy định chi tiết hơn khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

> Vợ, con công chức cũng nên kê khai tài sản

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về PCTN” do Ủy ban Tư pháp của QH tổ chức trong hai ngày 30- 31-8 tại Quảng Ninh.

Kê khai gian dối có thể bị xử lý hình sự

Trong bối cảnh Việt Nam chưa kiểm soát được tài sản của cán bộ, công chức việc kê khai tài sản hiện vẫn còn mang tính hình thức, thậm chí gian dối, tạo điều kiện cho tham nhũng.

Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực UB Tư pháp của QH cho rằng, để khắc phục thực trạng này cần tạo cơ sở pháp lý để công tác kê khai tài sản đi vào thực tiễn.

Theo ông Đương, trước hết, trong Luật PCTN sửa đổi, nên xác định rõ và tường tận những đối tượng nào phải kê khai.

Trong đội ngũ cán bộ, công chức chỉ 1- 2% những người có chức quyền cao, nắm quyền phân bổ nguồn vốn của nhà nước, có quyền bổ nhiệm cán bộ, liên quan đến tiền bạc, chức vụ, tài nguyên quốc gia, xuất nhập khẩu, cấp phép dự án, đầu tư … thì mới có cơ hội tham nhũng.

Luật PCNT sửa đổi sẽ trình kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII vào tháng 10- 2012. Luật PCTN sửa đổi gồm 8 chương, 110 điều, trong đó có thêm 1 chương mới so với luật hiện hành là quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng và hợp tác quốc tế về PCNT.

Khi đã xác định rõ đối tượng nằm trong diện kê khai tài sản, cần quy định rõ những người liên quan đến họ như bố mẹ, vợ con, anh em cũng phải kê khai.

Phải xác định rõ thời điểm nơi kê khai. Việc này cũng phải quy định cụ thể để tránh gây lộn xộn trong xã hội, thậm chí xâm phạm bí mật đời tư và quyền của công dân.

Thời điểm kê khai, công khai có thể nêu rõ là khi chuẩn bị đề bạt, khi chuyển đổi công tác, khi bị nghi ngờ tham nhũng, v.v..

Trong Luật PCTN sửa đổi cần phải nêu rõ việc xử lý trách nhiệm với người kê khai không trung thực và với số tài sản gian dối.

Không tự phát hiện tham nhũng

Theo Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền, qua 5 năm thực hiện, Luật PCNT bộc lộ nhiều bất cập như chưa có cơ chế cho nhân dân và phương tiện thông tin đại chúng thực hiện quyền giám sát trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng; vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức cá nhân, kê khai tài sản mang tính hình thức, xử lý người đứng đầu trong các đơn vị xảy ra tham nhũng còn khó khăn.

Ông Trần Duy Thanh, Cục Điều tra tội phạm về tham nhũng và chức vụ (Bộ Công an) cho hay, thời gian qua, chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước nào phát hiện tội phạm tham nhũng chuyển cơ quan điều tra; cũng chưa có cơ quan, tổ chức nào tự mình kiểm tra mà phát hiện ra tội phạm tham nhũng và chuyển cho cơ quan điều tra.

Điều này cho thấy, hiện chúng ta đã phê chuẩn công ước quốc tế về PCTN nhưng nhiều quy định trong đó chưa được nội luật hóa và thực hiện được như bảo vệ người tố cáo; khuyến khích sự tham gia của công chúng vào PCTN.

Trong khi tham nhũng vẫn xảy ra tinh vi, ngày càng phức tạp, gây nhiều bức xúc thì các số liệu được thống kê các vụ việc tham những hằng năm do các cơ quan liên quan cung cấp lại cho thấy “xu hướng giảm là chủ đạo”.

Ông Nguyễn Đình Quyền khẳng định: Đây là thực trạng đáng lo ngại, vì thực tế tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện tinh vi. Nghịch lý này được tạo ra do những bất cập trong cơ chế chính sách.

“Rõ ràng, qua việc phát hiện và xử lý, hầu hết các vụ việc đã được chuyển từ tội danh này qua tội danh khác”.

Nhiều ý kiến cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác này, cần tham khảo Trung Quốc khi sử dụng biện pháp cách ly, vẫn để nguyên chức vụ của đối tượng trong quá trình điều tra để tránh chống đối.

Làm sao để phát hiện hành vi tham nhũng? Nhiều ngành cho rằng cần nâng cao quyền tiếp cận thông tin của báo chí, nhân dân, đoàn thể đối với cán bộ công chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Biện pháp điều tra đặc biệt cũng có thể được xem xét bổ sung trong thời gian tới nhằm tăng cường cho công tác PCTN.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
5 công trình ở TPHCM vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc-Nghệ thuật
TPO - Sở Văn hoá- Thể thao (VH-TT) TPHCM vừa công bố quyết định xếp hạng Di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp thành phố cho 5 công trình gồm Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở Ủy ban nhân dân Quận 1, trụ sở Cục Hải quan TPHCM, khu mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty Thừa vụ lang họ Trần.