> Phát hiện tham nhũng, chuyển ngay sang cơ quan điều tra
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH trao đổi với Tiền Phong trong bối cảnh Luật PCTN sửa đổi sẽ được trình QH xem xét vào tháng 10- 2012.
Ông Quyền nói: Việc kê khai tài sản của cán bộ công chức, viên chức nếu làm không cẩn thận có khi thành “đánh bùn sang ao”.
Nếu quy định chung chung thì mỗi nơi làm một kiểu, vừa gây bức xúc cho cán bộ, công chức nếu họ bị oan mà vẫn bỏ lọt những hành vi mà đáng ra chúng ta có thể xử lý được |
Vì tài sản đó có thể được người kê khai chuyển cho anh em, con cháu, bố mẹ đứng tên. Trong khi những người này lại không làm trong bộ máy nhà nước.
Việc kê khai tài sản là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ nhà nước. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta chưa quản lý được tài sản của tất cả mọi người trong xã hội thì biện pháp này chưa thể phát huy hiệu quả trên thực tế.
Dù vậy, chúng ta không bỏ quy định này mà cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước trong việc kê khai, minh bạch tài sản. Tiến tới việc không chỉ giới hạn ở công chức, viên chức mà còn bắt buộc kê khai tài sản của người thân, vợ chồng, bố mẹ, con cái, anh em.
Để khi có những biến động tài sản của những đối tượng đó thì chúng ta có thể phát hiện được.
Việc công khai kết quả kê khai tài sản vẫn còn hạn chế, gây ảnh hưởng tới công tác PCTN. Trong dự thảo có sửa đổi những điều này không, thưa ông?
Theo quy định của Luật PCTN hiện hành thì chưa thể gọi là công khai tài sản mà là kê khai và minh bạch tài sản, tức là anh tự giác kê khai và có sự kiểm soát, xác minh.
Việc công khai tài sản liên quan tới quyền cơ bản của công dân được quy định trong Bộ luật Dân sự. Như vậy, đặt vấn đề công khai thì phải xem xét công khai như thế nào để người dân giám sát được đồng thời cũng đảm bảo quyền của cán bộ công chức, viên chức với tư cách là một công dân, ví dụ quyền bí mật tài sản, bí mật nhân thân.
Theo tôi việc công khai này phải có trình tự thủ tục, phải xác định, mở rộng đối tượng công khai như thế nào để chính sách đi vào cuộc sống, có hiệu quả mang lại thực tế.
Nghĩa là việc công khai phải có tác dụng để người dân, các tổ chức chính trị xã hội và phương tiện thông tin đại chúng có thể tiếp cận thông tin, từ đó phát hiện những hành vi sai trái, tham nhũng của người có trách nhiệm, quyền hạn.
Quy định phải cụ thể, khả thi
Theo ông, trong Luật PCTN sửa đổi nên đề cập tới việc xử lý hành vi gian dối trong kê khai tài sản như thế nào?
Về vấn đề này, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã phê chuẩn quy định, đối với tài sản của công chức, viên chức nếu có dấu hiệu tăng lên một cách bất thường mà không giải trình được thì mỗi quốc gia, căn cứ vào điều kiện thực tế của mình, có thể coi đó là hành vi tội phạm.
Các nước triển khai vấn đề này rất tốt. Còn ta mới quy định trách nhiệm giải trình về tài sản của mình gắn với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì trách nhiệm chứng minh vi phạm pháp luật và tội phạm lại thuộc về Nhà nước.
Do vậy, chúng ta quy định trách nhiệm giải trình này thì cũng phải dựa trên quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, có tính đến việc chúng ta tham gia công ước và những đặc thù đối với cán bộ công chức.
Muốn xem xét trách nhiệm của người giải trình không chính đáng thì phải xác định thế nào là không chính đáng, thế nào là tài sản tăng lên một cách bất thường… từ đó mới xem xét được trách nhiệm của họ để đưa đến việc xử lý.
Rõ ràng việc kê khai, minh bạch tài sản với cán bộ công chức là cần thiết. Tuy nhiên để tăng hiệu quả của nó thì phải có những quy định rất khả thi, không được chung chung. Cần phải có quy trình kê khai, trách nhiệm trong kê khai, rồi cơ quan có thẩm quyền xem xét, minh bạch việc kê khai như thế nào.
Khi phát hiện kê khai không minh bạch thì quy trình xác minh như thế nào. Nếu quy định chung chung thì mỗi nơi làm một kiểu, vừa gây bức xúc cho cán bộ, công chức nếu họ bị oan mà vẫn bỏ lọt những hành vi mà đáng ra chúng ta có thể xử lý được.
Theo ông việc trả lương qua tài khoản hiện mới chỉ thực hiện được khoảng 50% có phải là rào cản đối với công tác PCTN không?
Việc trả lương qua tài khoản hiện không có ý nghĩa gì trong việc phòng ngừa tham nhũng. Vấn đề là quản lý thu nhập qua tài khoản chứ không chỉ lương, vì hiện có rất nhiều thu nhập ngoài lương, trong đó có rất nhiều thu nhập qua hoạt động phi pháp.
Thu nhập và tài sản tăng lên phải được thể hiện qua tài khoản. Các nước đã làm điều này rất tốt. Tôi đi nghiên cứu ở Nam Phi, đã có trường hợp bọn cướp cướp được tiền USD nhưng có khi phải vứt đi, không dùng được, vì muốn dùng được phải qua hệ thống rửa tiền rất phức tạp.
Như thế mới thấy người ta quản lý tài sản công dân chặt đến mức nào. Cái này nếu chúng ta không làm từng bước thì sẽ trở nên lạc hậu, mãi mãi lạc hậu.
Mọi tài sản của cá nhân, doanh nghiệp đều phải được quản lý, khi đó việc kê khai tài sản mới có tác dụng thực sự là một biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Như vậy, việc minh bạch trong công tác kê khai tài sản thì nên được hiểu như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Sự minh bạch đó có nghĩa là làm sao với tư cách của một công chức viên chức, anh luôn luôn phải ý thức rằng tất cả tài sản tăng lên của mình đều được giám sát bởi các cơ quan có thẩm quyền, bởi người dân, phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức xã hội. Để khi muốn có hành vi vi phạm thì họ đều dè chừng.
Cảm ơn ông.
Mỹ Hằng