> Xe khách tăng giá, tàu hỏa tăng chuyến
Theo đó, tuyến Hà Nội-Thái Nguyên có Cty Thái Hoàng tăng cao nhất 25%, từ 50.000 đồng/lượt lên 65.000 đồng/lượt; các tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn, Nam Định tăng trên dưới 20%; một số tuyến ngắn khác có mức tăng trên dưới 10%.
Giám đốc Cty Quản lý bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung nói: “Sáng cùng ngày mới có 8 doanh nghiệp thông báo tăng, cuối chiều ngày 29-8 đã tăng lên 14”.
Ông Trung cho biết, dù Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam và công ty đã khuyến cáo (các doanh nghiệp) không tăng giá vé thời gian cao điểm đi lại trong kỳ nghỉ lễ 2-9, nhưng do áp lực giá xăng dầu tăng liên tục nên giá cước tăng là điều khó tránh.
Được biết, ngoài 14 doanh nghiệp vận tải trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang rục rịch tăng giá cước. Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam lại cho rằng, đợt tăng giá nhiên liệu hôm 28-8 vừa qua, các doanh nghiệp vận tải chưa tăng giá cước trước thời điểm nghỉ lễ 2-9.
Tuy nhiên, diễn biến sau đó vẫn chưa thể khẳng định được do các doanh nghiệp phải cộng dồn chi phí nguyên liệu đầu vào để tính toán giá cước mới.
Đang diễn ra tình trạng “cháy” vé tàu, xe khách, máy bay dịp cao điểm 2-9. Hầu như các nhà xe hoặc doanh nghiệp có thương hiệu đều hết vé. Một số nhà xe đường dài trá hình xe hợp đồng du lịch thậm chí tăng giá vé vô tội vạ. Tin từ ga Hà Nội cũng cho biết sẽ tăng thêm 10 chuyến tàu đi các tỉnh có lượng hành khách đông như Vinh, Lào Cai.
Ngoài ra, ngành đường sắt đồng thời nối thêm toa, bổ sung ghế phụ ở tất cả các chuyến tàu trong ngày cao điểm. Hiện, không còn vé giường nằm điều hòa; vé ngồi mềm, vé ngồi cứng còn rất ít.