'Chợ' cổ vật giữa đại ngàn

'Chợ' cổ vật giữa đại ngàn
TP - Chuyện mua bán chiêng ché giữa đại ngàn của người Cơ tu hóa ra lại dễ dàng chẳng khác mua rau: “Nhà em có không?”. “Có một cái năm ngoái, bán mua được cái ti vi và xe máy rồi. Nhiều người tìm đến, hỏi mua miết”.
Cái bát này được đổi ngang một ti vi. Ảnh: Đăng Nguyên
Cái bát này được đổi ngang một ti vi. Ảnh: Đăng Nguyên.

Đâu khoảng năm 2008 thì phải, tôi và anh Vũ Công Điền phóng viên TTXVN lang thang trên đường Hồ Chí Minh, đoạn A Sờ xã Ma Cooih huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam.

Đường mới mở thênh thang vun vút. Nắng nóng quá, tấp vào một nhà trong làng xin nghỉ, không ngờ mình thành người chứng kiến cha con chủ nhà cãi nhau.

Có đại gia săn lùng chiêng cồng cổ từ Đắc Lắc xuống mua. Nhà có ba chiêng cũ từ thuở làng ở trong núi xa, có từ cha ông để lại. Giá một cái ngang chiếc xe Wave Tàu. Thằng con hậm hực bán. Nó bảo giữ làm chi, bán để kiếm xe đi cho sướng chứ, đi bộ bao nhiêu năm rồi, có xe mới có vợ chứ.

Ông già thì chửi, chiêng đánh để cúng ông bà trời đất, bán đi lấy chi mà đánh. Không chịu thua, thằng con cãi ông bà có cho tôi được vợ không? Cứng họng.

Ba tháng sau, tôi quay lại, hai chiếc chiêng đã được bán, nhà có thêm ti vi và chiếc xe, thằng con suốt ngày đi ra thị trấn uống rượu. Ông già thì mặt buồn như chiếc chiêng lâu ngày không đánh. Cả làng sôi sục bán chiêng. Bây giờ lễ hội, hình như chỉ còn một bộ.

“Mua chiêng mới thì không khó, nhưng chiêng cũ là của cha ông” - ông già trầm buồn chua chát. Đường mở ra, lợi bao điều, nhưng cũng mất đi những điều thuộc về “nếp cũ” mà chỉ có những ai miệt mài với nó mới không chạnh lòng.

Bà con nói là không biết những chiêng ché ấy có từ khi nào, thuở ông nội ông cố họ đã có. Bao lần dời làng, lang thang định canh định cư, bom đạn cày xới, nhà mất nhưng cố giữ ché chiêng thôi. Giờ thì, điện thoại, xe máy, tivi… lại là thứ cám dỗ để họ “đổi”.

Lâu rồi, tôi mới trở lại con đường đó. Từ xã Za Hung đi về hướng tây, đường mới mở dẫn vào làng A Điêu xã A Rooi phăng phăng, nhưng mùa mưa chắc chắn sẽ lội bộ vì đất đỏ.

Tôi lấy làm lạ, là sao làng Cơ Tu này lập làng không tìm chỗ bằng phẳng hình elip như lâu nay? Không phải, họ phải di dời vì đường điện đi ngang. Có đường, có điện, sướng.

“Đi hỏi mua chiêng ché phải không?”. Một bà già nhướng mắt nhìn như thể quen lắm. “Không già ơi, đi thăm chơi thôi. Nhà anh Chúc ở đâu?”. “Đằng kia, có khi nó bán ché đấy” - một thanh niên bắt ngang chuyện.

“Nhà em có không ?”. “Có một cái năm ngoái, bán mua được cái ti vi và xe máy rồi”. “Bao nhiêu một cái?”. “Tùy thôi”. Giọng vẻ sành sõi. “Nhiều người tìm đến lắm à?”. “Nhiều, hỏi mua miết”. Anh Chúc có nhà. Hết mùa rẫy rồi, cả nhà ngồi chơi thôi. “Không đi uống rượu à?”. “Ôi, đau thận nằm chữa mấy tháng ở Đà Nẵng, mới về hôm qua đây”.

Tôi đảo mắt nhìn quanh. 16 cái ché lớn nhỏ sắp một hàng. Người trần mắt thịt như tôi, cổ như kim chẳng biết đâu mới cũ thật giả. “Suốt ngày lo canh giữ, không dám đi rẫy, năn nỉ không bán, sợ họ lấy trộm” - chị Chao, vợ anh Chúc vào chuyện ngay.

“Ai?”. “Người ở Đà Nẵng, Sài Gòn, Đắc Lắc chứ ai. Làng mình có nhà mất hai cái rồi”. Bị suy thận, mặt anh Chúc bị bệch ra, xám tái. “Mình có mấy cái?”. “Hai”. Chỉ vào hai cái màu vàng nhạt cuối góc nhà, mắt anh Chúc sáng lên, vẻ tự hào. “Bán không?”. “Chưa biết. Cái nhà này xây 2005, cũng nhờ bán hai cái đấy, 60 triệu. Đau, không có tiền chạy chữa thì bán thôi”- anh cười hề hề.

Chị vợ nguýt ngay: “Không đâu, để dành cho con, rồi giá mỗi ngày một lên”. Ché là vật sính lễ tặng nhà gái để cưới vợ. Chiêng ché càng quý thì vợ càng đẹp, nhà vợ càng giàu.

Mỗi nhà vài ba cái ché, chiêng, thanh la, nồi đồng cũ như nhà anh, làng này nhà nào cũng có. Tôi ước tính sơ sơ, 73 nhà, có khi hơn 200 ché cổ. Làm rượu cần, họ dùng ché mới, chừng 200 ngàn/cái, chứ đồ cũ là cất kỹ.

Bao lần dời làng, lang thang định canh định cư, bom đạn cày xới, nhà mất nhưng cố giữ ché chiêng thôi. Từ khi rộ lên nạn săn lùng cổ vật trên đường Hồ Chí Minh, báo chí vào cuộc, nhưng cơ quan chức năng yên lặng, kiểu như là chả chết ai mà lo.

Chẳng ai cảnh báo, kiểm định, khuyến cáo, chỉ nghe người sành sỏi nói những thứ ở làng này như ché, có từ thời nhà Thanh. Muốn đoạt được ché, có kẻ không chừa thủ đoạn nào. Có công nhân làm thủy điện A Vương, không biết ai bày cho, nhắm nhà kia có cái ché, mua không bán, bèn “mua” con gái, rủ rê ỷ eo, cuối cùng cô nàng cũng không thoát nạn “Mỵ Châu”, mang ché dâng cho chàng.

Anh chàng có được ché, biến mất và không quên tặng nàng một bụng bầu. Giới buôn cổ vật, hoặc lấy đồ mới đổi đồ cũ, hoặc dùng tiền, điện thoại, xe máy ra gạ gẫm. Có người bán hai chiếc năm ngoái, hơn 100 triệu khiến thiên hạ trong làng lác mắt, là ông B’Hôi.

Làng này, ông B’Lơi được xem là sở hữu nhiều đồ cổ nhất. Nồi đồng lớn 10 chiếc. Góc bên kia, bụi phủ dày mịt là gần 10 chiếc chiêng, thanh la và 8 chiếc mâm đồng.

“Đồ xưa hết đó. Ngày 10-7, có người từ Đắc Lắc xuống mua nồi đồng, nồi lớn 30 triệu/chiếc, nồi nhỏ 10 triệu/chiếc, năn nỉ miết tôi không bán”. “Giá cao hơn thì bán chứ”. “Tùy”. Vợ ông nhăn mặt: “Bán gì, ngoài thị trấn mấy người nói ông bán lần trước là rẻ, để xem thử đã”.

Ông B’Lơi đi lại và ngồi xuống bên chiếc ché sành da lươn lớn, vuốt ve như vuốt người tình. “Có từ thời ông nội tôi, đổi 9 con trâu mới được đấy. Năm 1985, tôi bán một cái ché, đủ dựng căn nhà này” - giọng ông dương dương.

Hình như nghĩ rằng cái thứ đồng này không quý bằng 6 cái ché cổ, nên ông đặt ché ở nhà lớn xây gạch. Cả làng 73 hộ chỉ có hai nhà gạch, thì nhà ông là lớn nhất.

Đặt trang trọng giữa nhà, ông khoát tay: “4 chiếc lớn là 50 triệu/chiếc, nhỏ là 20 triệu/chiếc”, rồi kể: năm 2006, ông bán một chiếc, xây nhà gạch, bán thêm chiếc nữa đủ mua một máy xay xát. Máy xay xát hư từ lâu, thỉnh thoảng mấy ông bán kem mò vào, ông gỡ ra một bộ phận, đổi kem ăn chơi. La liệt ấm chén uống trà, chén bát ăn cơm, ống nhổ bằng đồng, bình cắm hoa, chữ Hán mờ nhòe đọc không được. “Cái này mới có giá này”

Ông mở tủ, hai tay bưng chiếc bát lớn : “Có ông ở Đà Nẵng bảo tôi đổi chiếc ti vi Toshiba mà tôi không chịu. Tôi nghe dân thị trấn nói nó quý lắm”. “Anh biết nó từ thời nào không?”. “300 năm rồi”. “Sao biết?”. “Tôi năm nay gần 60 tuổi. Nó có trước thời ông cố tôi mà”. “Trả cao hơn thì bán chứ?”. “Ưng cái bụng thì bán thôi”.

Những dự án di dân tái định cư ở vùng cao, đã làm biến mất những bản làng bao đời được xác lập, xóa sạch những đặc sắc văn hóa của họ.

Áo quần không ai dệt, điệu múa, cách đánh chiêng cũng mất, lớp trẻ không ai biết cúng trời đất, rồi đến lượt những thứ như làng này đang sở hữu cũng bay biến đi.

Đành rằng đồ quý chỉ quý khi ở trong tay người biết quý, biết chơi, nhưng có điều là, những gì gắn bó truyền đời với người miền núi, đều nuôi trong lòng nó một biểu tượng gắn liền với chính họ và đất trời.

Vào nhà người Cơ tu, ai ché nhiều, người đó giàu, mà giàu đi liền với uy quyền. Chưa đủ. Chuẩn bị sinh con, thì trước đó, người mẹ dệt tấm vải vào bỏ vào ché, nó chào đời là lấy ra quấn vào người ngay.

Lúc chuẩn bị chết, vợ hoặc con gái lại dệt một tấm vải bỏ vào đó, lúc đưa quan tài đi, lấy tấm vải ra phủ lên trên.

Cái ché, đâu chỉ là vật dùng đựng rượu mà say, còn là nơi chứng kiến cả một kiếp người. Bây giờ không còn ai dệt vải nữa rồi, giữ ché làm chi…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
TPO - Chứng kiến màn trình diễn của Xuân Son trong trận ra mắt đội tuyển Việt Nam, tờ Chosun của Hàn Quốc đã phải dùng những câu từ mạnh nhất để miêu tả về anh. Họ nhấn mạnh rằng “chưa bao giờ được chứng kiến một cầu thủ nào của Việt Nam đạt đến trình độ như chân sút gốc Brazil này”, thậm chí ví anh là “quái vật của bóng đá Việt Nam”.
Nghiêm trị thói côn đồ trên đường phố
Nghiêm trị thói côn đồ trên đường phố
TP - Liên tiếp nhiều vụ ẩu đả, hành hung người khác sau va chạm giao thông khiến dư luận bức xúc. Cơ quan công an đã vào cuộc khởi tố điều tra một số vụ án, bắt tạm giam đối tượng vi phạm. Điều này nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận khi cho rằng thói côn đồ trên đường phố phải được nghiêm trị để tạo môi trường văn minh khi tham gia giao thông.