Lương thực, thực phẩm tăng giá mạnh

Lương thực, thực phẩm tăng giá mạnh
TP - Giá xăng tăng lên 1.100 đồng/lít chưa được một tuần thì bão số 5 ập đến khiến các tiểu thương ngoài chợ được cớ tăng giá lương thực, thực phẩm.

Chợ cóc: Loạn giá thực phẩm

Sáng ngày 20-8, phóng viên có mặt tại Chợ Bưởi (Lạc Long Quân, Tây Hồ) khảo sát giá cả lương thực, thực phẩm. Theo ghi nhận thì mặt hàng rau xanh tại chợ tăng mạnh từ 30 – 70% so với cách đây một tuần và so với các thực phẩm khác. Cụ thể: rau muống: 6.000 đồng/mớ (tăng 1.000 đồng/mớ); bắp cải: 13.000 đồng/cân (tăng 3.000 đồng/cân), cải xanh: 20.000 đồng/cân (tăng 5.000 đồng/cân), rau ngót: 5.000 đống/mớ (tăng 2.000 đồng/mớ), bí xanh: 17.000 đồng/cân (tăng 4.000 đồng/cân), giá đỗ: 18.000 đồng/cân (tăng 6.000 đồng/cân)... Riêng rau thơm như: mùi tầu, xà lách, húng... tăng từ: 3.000 – 5.000 đồng/mớ.

Chị Đỗ Hợp – bán rau tại chợ Bưởi lý giải giá rau tăng mạnh do sau bão, rau tại vườn hỏng hết, cộng thêm giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng. Chị Hợp cũng cho biết thêm, bước vào tháng 7 âm, nhiều nhà cúng rằm rải rác từ đầu tháng nên lượng rau tiêu thụ mạnh hơn so với tháng trước nên giá cũng phải tăng theo.

Vòng sang chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), các loại rau củ quả cũng đều tăng so với cách đây một tuần. Cũng mớ rau muống như chợ Bưởi nhưng ở chợ đầu mối này chỉ bán giá 5.000 đồng/mớ. Bà Nguyễn Dậu bán rau tại đây cho biết: “Sau khi giá xăng tăng và bão nếu chúng tôi không tăng giá thì lỗ. Mà tăng rồi vẫn lỗ vì rau bão để qua đêm úa vàng hết phải đổ đi. Rau xanh có tăng từ: 2.000 – 5.000 đồng tùy loại còn củ quả như: cà chua, khoai tây... thì chỉ tăng: 1.000 đồng/cân vì những loại này vốn giá đã cao rồi”.

Tại chợ Cống Vị (Đốc Ngữ, Ba Đình), giá tôm nớt: 200.000 đồng/cân (tăng 20.000 đồng/cân), ngao trắng: 30.000 đồng/cân (tăng 3.000 đồng/cân), cá chép: 75.000 đồng/cân (tăng 10.000 đồng/cân), thịt ba chỉ dao động: 90.000 – 110.000 đồng/cân tùy thớ (tăng: 5.000 đồng/cân), thịt bò thăn: 190.000 đồng (tăng 10.000 đồng/cân)...

Một tiểu thương bán tôm tại chợ cho hay: “Tôi đánh tôm từ dưới Hải Phòng lên nên chi phí vận chuyển đương nhiên tăng khi giá xăng tăng. Các mặt hàng khô như: gạo, trứng gà... không chịu ảnh hưởng bởi mưa bão còn tăng huống hồ chúng tôi phải chịu ảnh hưởng mưa bão nữa nên tăng là đương nhiên”.

Siêu thị khó kìm giá

Tại siêu thị Hapro (Hoa Lư, Hai Bà Trưng) giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn giữ ở mức ổn định. Cụ thể: rau muống: 5.000 đồng/mớ, bí xanh: 15.000 đồng/cân, ngao trắng: 28.000 đồng/cân...

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc điều hành Tổng Cty Hapro cho biết: “Hiện tại hệ thống siêu thị Hapro chưa tăng bất kỳ mặt hàng nào bởi chúng tôi ký hợp đồng với nhà cung cấp nếu tăng giá phải báo trước 15 ngày để siêu thị chủ động. Riêng với những nhà cung ứng lớn thì ngày thông báo có thể dưới 10 ngày”. Tuy nhiên, theo bà Hiền, thới gian tới nhiều mặt hàng sẽ khó tránh khỏi việc điều chỉnh giá, nhất lag thực phẩm.

Ông Đỗ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, giá xăng tăng thì đương nhiên giá cả lương thực, thực phẩm phải tăng theo. Hiện, mặt hàng tươi sống như: thịt, tôm, cá... tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, còn rau xanh tăng mạnh do mưa báo.

Nhìn chung, giá cả thực phẩm mỗi thứ lên một chút, lên đều chứ không lên nhiều gây biến động lớn về giá. Khoảng 20 ngày nay là giá xăng tăng 3 lần, rồi ga, điện cùng tăng khiến đầu vào các sản phẩm tăng thì đương nhiên đầu ra cũng tăng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Bùi Trường Giang – Nguyên Viện phó viện Kinh tế Hà Nội cho biết, xăng tăng thì các doanh nghiệp từ đầu mối thực phẩm cho đến chợ truyền thống đều có lý do để tăng theo. “Để ổn định giá cả nhà nước nên có một kho dự trữ chiến lược để giảm cú sốc về giá mỗi lần giá xăng tăng. Hiện nay giá xăng của ta quá phụ thuộc vào giá thế giới nên phải có kho dự trữ nhà nước mới có thể điều hành giá cả các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào xăng dầu một cách nhịp nhàng và hợp lý”, ông Giang nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.