Cấp phép sai phải thu hồi

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-8 Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-8 Ảnh: TTXVN
TP - Ngày 15-8, tại phiên họp UBTVQH về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, nhiều đại biểu cho rằng, lĩnh vực khoáng sản đang rất nóng, phải sớm chấn chỉnh, xử nghiêm sai phạm.

> Thu phí môi trường đối với khai thác khoáng sản

Nhiều kẽ hở

Đoàn Giám sát của UBTVQH chỉ ra bất cập chính sách, pháp luật cũng như sự thiếu thống nhất quản lý trong lĩnh vực khai khoáng. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng), Bộ Xây dựng quản về khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác, chính sách thuế tài nguyên chưa chặt chẽ, dẫn đến việc khai thác tùy tiện, gây thất thoát tài nguyên quốc gia.

Đến nay, cả nước đã cấp 4.201 giấy phép khai thác khoáng sản các loại (đang hoạt động), trong đó khai thác vật liệu xây dựng chiếm 82,3%. Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn nhiều yếu kém, hạn chế.

Chính quyền địa phương, nhất là cấp xã thiếu cương quyết xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Nhiều DN nhỏ khai thác tận thu tài nguyên một cách tràn lan, tự do, nhất là đối với vàng, đá quý, chì, kẽm, đồng, than… nhưng chưa được ngăn chặn.

Công nghệ khai thác, chế biến tụt hậu khá xa so với thế giới. Tai nạn lao động trong khai thác khoáng sản chiếm tỷ lệ cao, (khoảng 20% tổng số vụ tai nạn lao động).

Nhiều vụ huỷ hoại môi trường nghiêm trọng trong khai thác, chế biến khoáng sản chưa được phát hiện, ngăn chặn. Nạn chảy máu khoáng sản vẫn diễn ra.

“Việc xuất khẩu khoáng sản qua biên giới diễn ra ở quy mô lớn, phức tạp. Trong khi đó, Nhà nước lại thiếu các biện pháp để xử lý, ngăn chặn”, Chủ nhiệm UBKHCN&MT Phan Xuân Dũng - Trưởng Đoàn Giám sát, thừa nhận.

Theo Chủ nhiệm UB Quốc phòng & An ninh Nguyễn Kim Khoa, để xảy ra tình trạng bức xúc như hiện nay có trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương.

Tình hình hiện vẫn rất nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều tỉnh như ở Kon Tum, Quảng Nam, Phú Thọ… “Phải có giải pháp để có thể xử lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm trong quản lý, khai thác khoảng sản”, ông Khoa kiến nghị.

Xử lý người làm sai

Đoàn Giám sát kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý khoáng sản từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến đến tiêu thụ. Đặc biệt, cần định giá khoáng sản theo cơ chế thị trường, buộc DN phải quản trị chặt chẽ chi phí, khắc phục tiêu cực do chênh lệch giá, nhất là việc xuất khẩu lậu.

“Những mỏ nếu khai thác không đem lại hiệu quả phải kiên quyết đóng cửa; những khoáng sản cần cho sử dụng trong nước và hiếm thì cấm hoặc hạn chế xuất khẩu”, ông Phan Xuân Dũng kiến nghị.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý, cần làm tốt khâu quy hoạch, khai thác gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Ví dụ, Ninh Bình có số nhà máy xi măng lớn nhất nước, điều đó có ảnh hưởng gì đến phát triển du lịch – ngành mũi nhọn của tỉnh? “Cần đánh giá cụ thể hạn chế, bất cập trong công tác quản lý nhà nước.

Không thể cứ nói chung chung, phải đánh giá cơ chế cấp phép trước đây giao cho Bộ là chính, sau đó phân cấp cho địa phương và nay theo Luật Khoáng sản 2010 lại rút quyền địa phương tập trung cho Bộ”, ông Lưu nói.

“Chủ trương phân cấp cho các địa phương có gì sơ hở? Việc phân quyền cho địa phương để nâng cao trách nhiệm của địa phương nhưng chấp hành có nghiêm chỉnh không, có đúng thẩm quyền được giao?”, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng phát biểu.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị chỉ rõ những bất cập về cơ chế, chính sách pháp luật, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung những vấn đề cụ thể.

Cần làm rõ, trong hơn 4.200 giấy phép đã cấp đúng, sai thế nào; nếu sai phải thu hồi giấy phép đã cấp, phải xử lý người làm sai quy định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG