Trung Quốc lộ “gót chân achilles”

Trung Quốc lộ “gót chân achilles”
TP - Trung Quốc đã có kế hoạch vẽ ra một “đường lưỡi bò” phi thực tế như thế nào và các bằng chứng chống lại sự ngụy tạo này của Trung Quốc ra sao, TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Học Viện Ngoại giao, trao đổi với Tiền Phong.

> Trung Quốc có nguy cơ thành kẻ thù chung của thế giới

Nhiều nước phản đối “đường lưỡi bò”

TQ bắt đầu đưa ra các yêu sách về đường 9 đoạn trước quốc tế khi nào?

Tháng 5-2009, cùng với việc đệ trình lên Liên Hợp Quốc (LHQ) tuyên bố phản đối về Đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia trên biển Đông, TQ lần đầu tiên đính kèm bản đồ đường 9 đoạn trong một tuyên bố quốc tế.

Nếu coi bản đồ đính kèm là minh họa cho yêu sách về vùng nước tiếp liền và vùng nước có liên quan theo tuyên bố của Công hàm mà TQ gửi LHQ thì có thể nói năm 2009 là mốc thời gian lần đầu tiên Trung Quốc có những điểm không rõ ràng và không phù hợp với luật biển quốc tế hiện hành bởi thuật ngữ “quyền chủ quyền” và “quyền tài phán” là những khái niệm pháp lý được quy định tại Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, nhưng thuật ngữ “vùng biển tiếp liền” và “vùng biển có liên quan” không được quy định tại Công ước này và cũng chưa được sử dụng trong thực tiễn của các quốc gia.

Tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối như thế nào của quốc tế?

Việc đưa ra một yêu sách mập mờ về vùng biển của TQ đã gây ra sự lo ngại trong cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực về một yêu sách vùng biển có phạm vi rộng và có quy chế pháp lý không phù hợp với quy định luật quốc tế.

Yêu sách này đã dẫn đến sự phản đối chính thức từ các chính phủ cũng như các học giả của Indonesia, Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước khác.

Indonesia, một quốc gia không phải là một bên tranh chấp biển Đông, đã gửi công hàm phản đối.

Trong các tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 6-2011 và gần đây nhất là Nghị quyết của Hạ viện Mỹ về biển Đông (ngày 3-8-2012), Mỹ kêu gọi các bên tranh chấp làm rõ các yêu sách của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982.

Các yêu sách về vùng biển trên biển Đông chỉ có thể dựa trên yêu sách lãnh thổ hợp pháp. Các tuyên bố này đã gián tiếp bác bỏ giá trị pháp lý của đường lưỡi bò bởi đường này không được xác định dựa trên các yêu sách lãnh thổ phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển 1982.

Philippines cũng đã đưa ra Công hàm phản đối yêu sách vùng biển tiếp liền và vùng biển có liên quan của TQ và cho rằng các vùng biển này có giới hạn và cần được xác định phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển 1982...

Tuy nhiên sau đó, TQ vẫn tiếp tục đưa ra những yêu sách mới về đường 9 đoạn. TQ lập luận như thế nào?

Trong công hàm mới nhất của TQ vào tháng 4-2011 gửi LHQ nhằm phản đối những lập luận bác bỏ đường 9 đoạn của Philippines, TQ nhắc lại điệp khúc cũ hơn nữa về việc TQ có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh cho các quyền chủ quyền và quyền tài phán này, nhưng không đính kèm theo bản đồ đường 9 đoạn.

Đồng thời, ở phần sau của Công hàm 2011 này, TQ cũng lần đầu tiên đưa ra thêm 1 yêu sách mới về vùng biển tại biển Đông khi tuyên bố rằng theo các quy định của Công ước năm 1982 và các quy định nội luật của TQ, các đảo tại Trường Sa có đầy đủ các vùng biển: lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Ý định của TQ đưa ra yêu sách vùng biển với phạm vi rộng lớn bao trọn gần hết biển Đông là không đổi.

Chính sách hai mặt

Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định: “Đường lưỡi bò là cái cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc”
Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định: “Đường lưỡi bò là cái cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc”.
 

TQ đã có cách nào để đánh lạc hướng dư luận trong những lập luận của mình?

Trong công hàm năm 2011, TQ tuyên bố trên cơ sở Luật Biển quốc tế nhằm đánh lừa dư luận rằng TQ đang tuân thủ pháp luật quốc tế.

Cụ thể là bằng việc lặp lại vùng biển tiếp liền và vùng biển có liên quan, kết hợp với tuyên bố về các vùng biển do Công ước 1982 quy định, TQ có thể chuẩn bị cho việc hợp thức hóa đường chữ U khi ám chỉ rằng vùng biển tiếp liền và vùng biển có liên quan chính là các vùng biển được xác định theo Công ước 1982.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng, theo quy định của Công ước 1982, một đảo không đương nhiên có đầy đủ các vùng biển mà phải thỏa mãn một trong hai điều kiện: Có khả năng cho con người cư trú hoặc đời sống kinh tế riêng.

Mặc dù quy định của Công ước về vấn đề này còn có nhiều điểm gây tranh cãi, nhưng dễ dàng nhận thấy rằng với kích thước vô cùng nhỏ, thiếu vắng sự sinh sống của dân thường và không thể tự tạo lập một đời sống kinh tế riêng, chắc chắn các đảo của Hoàng Sa và Trường Sa không thể có điều kiện để có đầy đủ các vùng biển như yêu sách của TQ.

Đặc biệt, nhìn vào thực tiễn yêu sách của TQ khi các thực thể chìm vẫn được cắm mốc chủ quyền thì việc giải thích về quy chế pháp lý của đảo của TQ còn nhiều điều cần bàn thảo.

Thực chất, yêu sách mới này vẫn có thể tạo ra một vùng biển rộng lớn không kém gì giới hạn của đường 9 đoạn và về bản chất vẫn có thể là sự áp dụng tùy tiện luật quốc tế nhưng lại có thể đánh lạc hướng dư luận bằng việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý phù hợp với Công ước 1982.

Hơn nữa, việc TQ chính thức đưa ra yêu sách về các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trường Sa còn khiến TQ tự mâu thuẫn với những phản đối của họ trước đó với yêu sách của Nhật Bản về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Okinoroshima.

Đảo Okinororishima và các đảo tại Trường Sa có sự tương đồng về điều kiện và đặc điểm địa lý, theo đó không có khả năng đáp ứng quy định tại điều 121 của Công ước Luật Biển 1982 để có đầy đủ các vùng biển.

Rõ ràng TQ đang theo đuổi chính sách 2 mặt trong việc áp dụng luật pháp quốc tế, miễn sao có được lợi ích tối đa cho mình.

Sự vô lý trong các lập luận của TQ về đường lưỡi bò còn được thể hiện qua những bằng chứng nào?

Các động thái của TQ cho thấy TQ có vẻ không ngại ngần tham gia vào các cuộc tranh luận cần phải sử dụng luật quốc tế và những nguyên tắc, học thuyết pháp lý được cộng đồng quốc tế thừa nhận nhằm đánh lạc hướng dư luận về sự tuân thủ pháp luật quốc tế của mình.

Tuy nhiên, trong lúc đưa ra những lập luận phản bác về chủ quyền, TQ cũng đã vô tình lộ ra gót chân Achilles khi tuyên bố rằng từ những năm 1930, Chính phủ TQ đã nhiều lần công bố phạm vi địa lý và tên của các thực thể trong quần đảo Nam Sa (Trường Sa).

Mốc thời gian “những năm 1930” dường như mâu thuẫn với những bằng chứng lịch sử của TQ tại Sách trắng khi khẳng định những bản đồ, những hành vi chiếm hữu của TQ đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được thực hiện từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên và một vài thế kỷ ngay sau đó chứ không phải chờ đến tận những năm 1930.

Các yêu sách này thiếu cơ sở pháp lý, là những động thái không phù hợp với Tuyên bố của các bên về biển Đông (DOC) và làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại biển Đông.

Cảm ơn bà.

Mỹ Hằng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG