Trung tâm đào tạo lái xe ngắc ngoải

Trung tâm đào tạo lái xe ngắc ngoải
TP - Là mùa cao điểm đào tạo lái xe nhưng nhiều trung tâm đào tạo lái xe (TTĐTLX) ô tô tại Hà Nội đang thiếu trầm trọng học viên. Cung vượt quá cầu, cộng với những chính sách hạn chế ô tô đang đẩy nhiều trung tâm vào cảnh ngắc ngoải. Thời xếp hàng đợi ngày được học lái xe đã lùi vào dĩ vãng.

> Sắp đào tạo lái xe bằng số tự động

Đầu vào giảm đến 40%

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo nhiều TTSHCPLX ô tô cho biết, dịp hè hàng năm là mùa hoạt động của họ. Để đáp ứng nhu cầu của học viên, nhiều trung tâm phải tăng lớp, tăng ca giảng dạy.

Vậy nhưng năm nay các TTĐTLX lại rất lèo tèo, nhiều khóa đào tạo theo kế hoạch thiếu trầm trọng học viên. 6 tháng đầu năm nay, nhiều trung tâm không hoàn thành chỉ tiêu.

Theo ông Hoàng Quốc Cường, Hiệu trưởng Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội, mỗi năm Trung tâm đào tạo hơn 2.000 học viên lái xe ô tô.

Vậy nhưng, ông Cường cho biết, 6 tháng đầu năm nay Trung tâm chỉ đào tạo được 407 học viên, “không những không hoàn thành chỉ tiêu (800 đến 1.000 học viên) mà số lượng học viên trong 6 tháng qua cũng giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Cường chia sẻ.

Tương tự, Đại tá Phạm Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 17 (Bộ Quốc phòng) cho biết, hằng năm đơn vị đào tạo được từ 1.000 đến 1.500 học viên lái xe ô tô, nhưng 6 tháng đầu năm con số này giảm 15% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng Phòng quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, trong 6 tháng qua các trường, TTĐTLX tại Hà Nội đào tào, cấp phép lái ô tô cho hơn 35.000 học viên, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Học lái ô tô - không còn “hot”

Lý giải về nguyên nhân lượng học viên sụt giảm trong 6 tháng qua, lãnh đạo của nhiều TTĐTLX ô tô cho biết, do suy thoái kinh tế dẫn đến nhiều ngành nghề, DN trong nước gặp khó khăn, thậm chí phá sản.

Điều này khiến lĩnh vực vận tải không còn hấp dẫn. Người dân cũng hạn chế mua ô tô. Ngoài lý do trên, vừa qua Bộ GTVT còn đưa ra nhiều chủ trương thu phí trên đầu phương tiện như phí bảo trì đường bộ, phí xăng dầu và phí lưu hành nội đô... cũng là nguyên nhân làm cho nhiều người dân có nhu cầu mua ô tô, học lái xe đắn đo, thậm chí không mặn mà.

Theo ông Hoàng Quốc Cường, các trường, TTSHCPLX hiện nay hoạt động theo cơ chế tự vận động, bỏ tiền ra xây trung tâm, thuê người dạy mà không có học viên chỉ còn nước… phá sản.

Ông Nguyễn Văn Đại, đại diện Trung tâm dạy nghề Vận tải ô tô số 2 cũng cho rằng, mỗi năm trung tâm đào tạo cho xã hội hàng nghìn lái xe nhưng không hề được ưu đãi bất kỳ khoản phí hay thuế nào.

“Vừa rồi để thực hiện chủ trương đổi mới phương tiện cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy theo yêu cầu của Bộ GTVT, trung tâm đã đầu tư trên 15 tỷ đồng sắm xe mới, nhưng khi xe được trang bị thì học viên lại không đủ để giảng dạy”, ông Đại nói.

Trước những khó khăn trên, để có kinh phí chi trả lương cán bộ, nhân viên cũng như tìm lối thoát cho mình, ông Hoàng Quốc Cường cho biết hiện trung tâm đang thực hiện chính sách động viên anh em kêu gọi, thu hút học viên bằng nhiều cách, cùng với đó là mở thêm một số chuyên ngành đào tạo mà xã hội đang có nhu cầu để duy trì hoạt động.

Xiết lại hoạt động các trung tâm

Theo ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng Phòng quản lý phương tiện, Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có 55 cơ sở đào tạo lái xe, trong đó 41 TTĐTLX ô tô, năm 2011 các cơ sở cấp, đổi được hơn 300 nghìn GPLX các loại.

Chất lượng học và sát hạch cấp GPLX đã được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, với con số 41 TTĐTLX ô tô là nhiều so với một thủ đô có đến 80% người dân đi lại bằng xe máy.

Ngoài yếu tố suy giảm kinh tế, cơ chế chính sách, các trung tâm phát triển quá nhiều cũng là nguyên nhân khiến họ hoạt động khó khăn.

Để tránh các TTĐTLX ô tô hoạt động chỉ vì lợi nhuận cạnh tranh không lành mạnh và cơ quan nhà nước cũng giám sát, quản lý tốt hơn Hà Nội chỉ cần trên dưới 10 trung tâm là hợp lý.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các TTSHCPLX ô tô hoạt động theo mô hình xã hội hóa, có cầu ắt có cung, thời gian tới nếu cầu không còn nhiều các trung tâm chắc phải teo đi.

Số lượng 41 trung tâm này là có từ trước, vì vậy không thể bắt người ta giải tán được. Theo ông Tân, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Sở GTVT có nhiệm vụ xiết chặt việc quản lý, giám sát, cùng với đó là không cho phát triển thêm các trung tâm mới.

6 tháng đầu năm Sở GTVT Hà Nội cấp mới 112.069 GPLX, trong đó 35.597 GPLX ô tô và 76.472 GPLX xe máy. Trung tâm có tỷ lệ học viên đỗ cao nhất trong 6 tháng qua là TT dạy nghề lái xe ô tô số 8, TT dạy nghề Hùng Vương (84%); và TT có tỷ lệ học viên đỗ thấp nhất là TT Anh Tuấn (52%), Cao đẳng nghề GTVT TW 1 (52%)...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG