'Run tay' khi lần đầu xử lý mẫu vật đầu bò tót

'Run tay' khi lần đầu xử lý mẫu vật đầu bò tót
Lần đầu được giao nhiệm vụ xử lý đầu bò tót làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, Thạc sĩ Võ Đình Ba, Giảng viên khoa Sinh, ĐH Khoa học Huế, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và cảm xúc của mình.

'Run tay' khi lần đầu xử lý mẫu vật đầu bò tót

> Vì sao bò tót quý hiếm bị chết ?

Lần đầu được giao nhiệm vụ xử lý đầu bò tót làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, Thạc sĩ Võ Đình Ba, Giảng viên khoa Sinh, ĐH Khoa học Huế, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và cảm xúc của mình.

Th.s. Võ Đình Ba được giao chính nhiệm vụ xử lý phần đầu bò tót làm mẫu vật bảo tàng
Th.s. Võ Đình Ba được giao chính nhiệm vụ xử lý phần đầu bò tót làm mẫu vật bảo tàng.

Xin ông cho biết quá trình cơ bản xử lý đầu bò tót thành mẫu vật bảo tàng thiên nhiên?

Tiêu bản được làm theo tiêu chuẩn mẫu bảo tàng để giữ lại trưng bày hay có thể đem đi nhiều chỗ nên phải được làm rất kỹ. Trước tiên là tháo các phần của đầu bò tót ra xử lý như sừng, tai, sọ, da và lông. Sau đó là xử lý hóa chất, làm khô từng bộ phận và ráp lại toàn bộ để thành một cái đầu bò tót hoàn chỉnh y như trạng thái ban đầu.

Từng giai đoạn được tiến hành theo thứ tự với độ cẩn trọng cao. Ước tính thời gian xử lý khoảng 1 tháng để có được mẫu vật bảo tàng tốt nhất. 

Những khó khăn mà ông đã và sẽ gặp phải khi xử lý đầu bò tót hiếm hoi này?

Vì quá bất ngờ trước cuộc gọi điện của phía kiểm lâm tỉnh ngay trong chiều 24-7 khi bò tót vừa chết nên tôi tức tốc cùng 5 em sinh viên đi lên ngay hiện trường. Trước đó chúng tôi phải tranh thủ chạy ra chợ và quầy thuốc mua một số hóa chất cần thiết và muối sống.

Sau khi cắt đầu bò tót ra, từ 9h đêm, chúng tôi bắt đầu bóc tách từng phần của đầu bò tót. Tiến hành cẩn thận không để bị hư hại phần nào nhưng cũng khá khó khăn khi lớp da đầu của nó rất dày, phải hơn 3cm (các phần da khác có thể dày hơn nhiều).

Thầy trò làm cật lực và rất vất vả, đến 4 giờ sáng ngày 25/7 thì mới xong giai đoạn này. Trong lúc làm, chúng tôi phải quay phim, chụp ảnh, đo, ghi chép các thông số về từng bộ phận, khoảng cách giữa các bộ phận của đầu để sau này lắp ghép lại cho đúng.

Đầu bò được đo đạc cẩn thận các bộ phận trước khi róc hết các phần ra (ảnh: Th.s Võ Đình Ba cung cấp)
Đầu bò được đo đạc cẩn thận các bộ phận trước khi róc hết các phần ra (ảnh: Th.s Võ Đình Ba cung cấp).

Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm mẫu vật về đầu bò tót. Trước đó, tôi đã có lần làm một số đầu như đầu nai, đầu sơn dương hay phục hồi độn bông con sao la theo yêu cầu của kiểm lâm tỉnh và một số đơn vị khác.

Hóa chất thì phải đặt mua, nhân công cũng đang gặp khó khăn vì nguồn chính là các sinh viên nhưng hiện các em đang nghỉ hè. Về nơi làm việc thì cũng đang lựa chọn có phòng nào phù hợp trong khoa để làm chứ ra chỗ khác hay lên kiểm lâm thì lại xa và cũng không có các dụng cụ cần thiết. Hiện chúng tôi mới chỉ được tạm ứng một ít tiền để làm.

Những điều ông "sợ" nhất khi làm công việc này?

Hiện phần xương đầu sau khi được chúng tôi róc hết thịt ra đang được ngâm trong dung dịch cho hủy hết phần thịt. Các phần khác cũng đang được bảo quản chờ có hóa chất sẽ làm. Chúng tôi đang sợ bị mất cắp hay bị... chuột tấn công.

Một thời gian nữa, mẫu vật sẽ đổ mùi hôi thối. Càng về sau thì mẫu vật càng độc nên phải có chỗ nào đó để xử lý đầu bò. Có trường hợp khi tôi làm một đầu động vật ở khoa thì cái đầu bốc mùi rất thối khiến anh em trong khoa bỏ chạy hết.

Cách hay nhất là di chuyển mẫu vật xuống biển và đào lỗ chôn ngay ở bãi biển để phân hủy hết các chất hôi thối. Nhưng cách này lại vướng khó khăn khi bảo vệ hiện trường cũng như thiếu người nên làm không được.

Tuy nhiên, giai đoạn ban đầu cơ bản đã ổn khi chúng tôi được xử lý mẫu vật khi mẫu vật chưa bị thối, phần da chưa bị khô. Khó nhất là giai đoạn sắp tới vì đây là lần đầu tiên chúng tôi làm đầu bò, đòi hỏi độ mạo hiểm nhất định nên chúng tôi cũng khá “run tay”.

Sau khi lắp các bộ phận đã được tẩm hóa chất vào lại xương sọ, làm thế nào phải càng giống đầu bò lúc sống càng thành công (ảnh: ông Võ Đình Ba cung cấp)
Sau khi lắp các bộ phận đã được tẩm hóa chất vào lại xương sọ, làm thế nào phải càng giống đầu bò lúc sống càng thành công (ảnh: ông Võ Đình Ba cung cấp).

Giai đoạn khó nhất là ráp các bộ phận lên lại xương sọ. Nếu bảo quan lớp da mà khô quá thì khi trùm vào đầu bò sẽ có một số đoạn bị hở. Phần tai bò cũng vậy, phải giữ sao cho đúng nguyên trạng. Riêng phần mắt vì khó giữ lại được nên phải bỏ, sau đó phải thay bằng 2 con mắt giả. Làm thế nào để đầu bò tót sau khi làm phải giống 100% đầu con vật lúc còn sống mới là thành công và đó là cả một nghệ thuật.

Ông có thể cho biết kinh nghiệm khi xử lý những mẫu vật về động vật tương tự?

Về việc làm mẫu vật bảo tàng hay độn bông, những lần đầu chúng tôi làm là trên các con vật nhỏ đã chết như chuột, sóc, thỏ cũng không ít lần thất bại. Trước tiên là xem tiêu bản tương tự rồi áp dụng mổ trên các con vật này. Phải xem đường mổ, đường khâu từ tiêu bản rồi thực hành lại.

Đến các con vật to hơn như nai, hươu thì chúng tôi lúc đầu chưa dám làm trên cả một con vật mà phải đi mua da nai về làm thử các động tác rạch mổ, khâu vá. Đến sau này, chúng tôi đã làm được các đầu thú như đầu nai, đầu sơn dương. Riêng đầu bò tót thì đây là lần đầu tiên. Tuy nhiên hiện cũng không có nhiều mẫu vật về phần đầu này để làm.

'Run tay' khi lần đầu xử lý mẫu vật đầu bò tót ảnh 4

Thưa ông, có ý kiến tại sao không giữ lại cả nguyên con bò tót để làm mẫu vật mà lại chỉ dùng phần đầu?

Vì con bò này lớn và quý nên có phương án là nhồi bông cả con, nhưng ngay tại thời điểm bò chết rất đột ngột nên chúng tôi cũng như các bên liên quan không thể chuẩn bị kịp nên không làm được. Nếu con bò sống sau khi bị bắt rồi sau đó có dấu hiệu sức khỏe suy kiệt, ốm đổ bệnh thì chúng tôi sẽ có phương án trình cấp trên về việc xử lý cả con bò tót.

Con bò tót lúc còn sống ở sân bay Phú Bài
Con bò tót lúc còn sống ở sân bay Phú Bài. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

Theo ý kiến của PGS.TS. Võ Văn Phú, chuyên gia hàng đầu về động vật học có xương sống tại TT-Huế, hiện là giảng viên khoa Sinh, ĐH Khoa học Huế: “Việc lột da, nhồi bông cả một con bò tót như con bò tót đã chết như trên không quá khó và tốn kinh phí không quá lớn, khoảng 250 triệu đồng.

Việc giải quyết con bò tót thế nào cho có hiệu quả sau khi chết mới là vấn đề cần bàn hiện nay. Phục hồi lại cả một con bò y như thật từ con bò tót chết sẽ là một mẫu vật quý giá hơn nhiều so với một mẫu vật đầu bò tót.

Chúng ta đang có một cơ hội quý để có được mẫu vật trọn vẹn nhưng lại lần nữa bỏ qua đáng tiếc. Hiện Thừa Thiên - Huế đang chuẩn bị xúc tiến làm 1 Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nếu có được một con bò tót làm mẫu vật sẽ là điểm nhấn vô cùng quan trọng của bảo tàng này”.

* “Sau khi mổ bò tót khám nghiệm, phần mật của bò đã bị tiêu hủy bằng phương pháp đập nát; phần thịt, xương, da, nội tạng, chân, đuôi... được tiêu hủy bằng cách phun hóa chất - rải vôi khử độc - đào hố chôn;... một số mẫu vật và mẫu bệnh phẩm được Chi cục Thú y tỉnh lấy để bảo quản phục vụ cho công tác nghiên cứu về sau...; phần sọ con bò tót giao cho ông Võ Đình Ba, khoa Sinh - ĐH Khoa học Huế xử lý tiêu bản làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên” - trích từ Thông cáo báo chí của Chi cục kiểm lâm tỉnh TT-Huế về việc cứu hộ, xử lý bò tót xuất hiện ở sân bay Phú Bài ngày 23, 24/7.

Theo Đại Dương
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG