Vỡ òa nơi quê nhà

Mẹ con ngày đoàn tụ Ảnh:Minh Đức
Mẹ con ngày đoàn tụ Ảnh:Minh Đức
TP - Gần 2 năm sống trong lo âu, bất ngờ nghe tin con được giải cứu khỏi vòng vây hải tặc và nhanh chóng trở về nước, niềm vui vỡ òa trong từng căn nhà nhỏ. Ghi nhận của PV Tiền Phong tại Nghệ An, Hà Tĩnh giây phút chờ đợi thủy thủ về quê đoàn tụ với gia đình.

> Như được sinh ra lần hai
> 12 thuyền viên bị cướp biển bắt giữ về tới Hà Nội

Cụ Trần Thị Tuân (79 tuổi) mòn mỏi đợi cháu về
Cụ Trần Thị Tuân (79 tuổi) mòn mỏi đợi cháu về.

Cụ già 79 tuổi mỏi mòn chờ tin cháu

Chiều 24-7, cụ Trần Thị Tuân, trú tại xóm 8, xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) ngồi trước hiên nhà đợi tin cháu Lưu Đình Hùng. "Mừng lắm chú ạ. Đêm nay hoặc trưa mai, bố con nó sẽ về tới nhà", cụ Tuân nói.

Hùng sinh năm 1991, là cháu đích tôn của cụ Tuân. Từ nhỏ, Hùng được cả nhà cưng chiều vì cậu là con trai duy nhất của vợ chồng ông Lưu Đình Thu, bà Võ Thị Nhị.

Cụ Tuân kể: "Trước khi Hùng đi đánh cá ở nước ngoài, bố nó nhiều lần can ngăn, bảo đợi thêm vài ba năm nữa cứng cáp hơn hãy đi. Hùng không nghe, nằng nặc xin nộp hồ sơ vì ở quê chẳng có việc gì làm, bạn bè đi hết, ở nhà thêm chán. Nếu mọi sự suôn sẻ thì cũng gom góp được ít tiền gửi về giúp đỡ bố mẹ". Tháng 12-2010, Hùng bị cướp biển bắt giữ.

“Có hôm, nó gọi điện cho mẹ. Vừa nói vài câu đã bị ngắt máy. Mỗi lần nghĩ đến đứa cháu bị bọn cướp giam giữ, lòng tôi quặn thắt", mắt cụ Tuân rưng rưng.

Ngày 21-7, gia đình bất ngờ nhận tin Hùng và các thủy thủ được giải thoát. Mẹ Hùng, bà Võ Thị Nhị hét lên sung sướng, chạy đi khắp xóm báo tin và tối hôm đó, căn nhà của vợ chồng bà chật ních láng giềng kéo đến chia vui.

Ông Lưu Đình Thu bảo vợ ở nhà, ông sẽ ra sân bay đón con. Bà Nhị nghe xong tức tưởi khóc, bảo chồng: "Anh ở nhà, tôi đi đón con". Vợ chồng chẳng ai nhường ai, rốt cuộc cả hai hăng hái lên xe máy phóng ra Nam Cấm (Nghi Lộc), bắt xe đi Hà Nội chiều 23-7.

"Song hỷ lâm môn"

Gia đình thủy thủ Trần Văn Hùng (Nghi Tiến, Nghi Lộc) mong ngóng giây phút đoàn tụ
Gia đình thủy thủ Trần Văn Hùng (Nghi Tiến, Nghi Lộc) mong ngóng giây phút đoàn tụ.

Hôm nay (25-7), thủy thủ Trần Văn Hùng (xóm 9, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) về nhà và cũng là ngày em gái Trần Thị Hiền (SN 1990) sắp sửa lên xe hoa. Anh thoát chết trở về, em đến ngày vu qui, quả là "Song hỷ lâm môn".

Niềm vui nhân đôi, bà Lưu Thị Lý (mẹ Hùng) lóng ngóng hết vào lại ra. "Tôi mừng quá đi. Mừng không tả nổi".

Bà Lý nhớ lại: "Mười mấy tháng trời đằng đẵng, vợ chồng tôi vật vã ngóng tin con. Trước tết 2012, nó được gọi về nhà một lần nhưng mẹ con chỉ nói được vài câu ngắn ngủi, rồi đột nhiên cúp máy. Cuộc gọi thứ 2, Hùng khóc, kêu khổ. Tôi cũng khóc, chỉ biết an ủi, động viên con".

Rời xã Nghi Tiến (Nghi Lộc), chúng tôi vượt 70 cây số đến Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu).

Trong số 12 thuyền viên bị bắt cóc có 4 người cùng ở xã Quỳnh Long. Bốn gia đình các anh Nguyễn Văn Hải (SN1992, thôn Đại Liên), Trần Minh Trí (SN 1992, thôn Minh Thành), Vũ Văn Ba (SN1991, thôn Phú Liên) và Hồ Xuân Hương (SN 1989, thôn Phú Liên) đều thuộc diện nghèo.

Anh Trần Minh Trí là con trai duy nhất trong gia đình có 2 anh em. Nhà khó khăn, mẹ đi xuất khẩu lao động bên Ma Cao đã 6 năm, ở nhà bố cũng khăn gói đi làm thuê. Học hết lớp 9, Trí được bố vay mượn tiền rồi ra nước ngoài làm việc.

Thủy thủ Vũ Văn Ba (1991), con thứ 3 trong gia đình 4 anh em, hoàn cảnh cũng không lấy gì làm khá giả. Bố làm công nhân ở Việt Trì. Mẹ thì khi vào Nam làm mướn, khi về nhà đi vá lưới thuê, kiếm mỗi ngày vài ba chục bạc.

Hai chị và em trai của Ba cũng đi làm công nhân, lao động phổ thông rất vất vả. Ba được bố mẹ "đầu tư" vay vốn để đi Đài Loan, ra đi và mang theo hy vọng của cả gia đình.

Thế mà, đi mới được hơn 1 năm, Ba gọi điện về, vừa nói vừa khóc, cầu cứu gia đình "con bị cướp biển bắt cóc". Mẹ Ba nghe xong khóc ngất.

Xóm Đồng Tiến, xã Kỳ Khang, Kỳ Anh (Hà Tĩnh), hôm qua mọi người tập trung tại nhà bà Hoàng Thị Xuyên, mẹ của thủy thủ Nguyễn Văn Tâm để chia vui cùng gia đình.

Tâm là con út trong gia đình có 5 anh em. Nhà nghèo, tốt nghiệp THPT, Tâm không làm hồ sơ dự thi đại học mà xin bố mẹ ở nhà đi làm. Sau một thời gian theo chân những thợ xây trong xóm đi làm phụ hồ, anh bàn với bố mẹ vay tiền đi xuất khẩu lao động.

Bà Xuyên vay được 30 triệu đồng, với số tiền này, chỉ có cách đi đánh bắt cá xa bờ trên tàu Đài Loan. Tháng 12-2009, Tâm sang Đài Loan làm việc trên tàu FV Shiuh Fu No1.

Những tưởng niềm hy vọng nhỏ nhoi đó được nhen nhóm thì tai họa ập đến khi gia đình được hàng xóm báo tin con trai bị hải tặc bắt giữ.

Bà Xuyên nói bà rất muốn ra Hà Nội đón con, nhưng do sức khoẻ quá yếu nên không thể đi. Được biết, ngoài thuyền viên Nguyễn Văn Tâm, ở (huyện Kỳ Anh) Hà Tĩnh còn có tin một thuyền viên nữa bị bắt giữ là Bùi Văn Hoá.

Tuy nhiên, không ai rõ thuyền viên này ở xã nào. Trả lời Tiền Phong, ông Đặng Văn Dũng, cán bộ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh cho biết, qua xác minh tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Trung tâm lao động ngoài nước, thuyền viên Bùi Văn Hoá không phải ở Kỳ Anh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG