> Hơn 100 nghìn bài dự thi tìm hiểu thân thế, sự nghiệp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lẵng hoa chúc mừng.
Lễ kỷ niệm bắt đầu với chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng ta thời kỳ 1938 - 1941, nhà lãnh đạo trẻ tuổi tài năng của cách mạng Việt Nam; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của dân tộc; chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN. |
Khái quát những nét nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng; người cộng sản có tầm nhìn xa rộng, có quyết tâm và nghị lực lớn, một tài năng chính trị kiệt xuất của Đảng ta.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế Việt Nam.
Với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm Tự chỉ trích. Đây là đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức.
Tác phẩm ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, khi Đảng ta vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai; vừa chống tả, vừa chống hữu nhằm đi đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Tác phẩm thể hiện tư duy sắc sảo của một lãnh tụ già dặn về chính trị; vừa tranh luận, vừa thuyết trình một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng - những khía cạnh biện chứng giữa cái trước mắt và cái lâu dài, giữa sách lược và chiến lược, đánh tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn lúc bấy giờ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những quyết định đúng đắn, quan trọng, góp phần chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta ở những thời điểm lịch sử. Toàn bộ cuộc đời đồng chí là mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần quan điểm tự phê bình và phê bình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Trong tác phẩm Tự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi.
Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng... vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ của Đảng”; không giấu giếm khuyết điểm; cũng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại... Những tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thiết thực học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
*Trước đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ cắt băng khánh thành và dâng hương tưởng niệm tại Khu Lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại quê hương đồng chí - Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Theo TTXVN
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sinh trong một gia đình nhà Nho, quê ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi và bị thực dân Pháp giết hại lúc 29 tuổi. Năm 1927, đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, đến tháng 6 - 1929, được kết nạp vào chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Hà Nội. Năm 1930, đồng chí được cử làm Bí thư đặc khu Hồng Gai - Uông Bí, sau đó bị Pháp bắt, kết án khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, sau khi được trả tự do, đồng chí lại tiếp tục về hoạt động bí mật ở Hà Nội. Tháng 9 - 1937, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ở hội nghị Hóc Môn (Gia Định). Một năm sau đó, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi. Tuy nhiên, tháng 6 - 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn cùng với một số đảng viên khác. Thực dân Pháp ghép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra Nghị quyết thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, “chủ trương bạo động” và là “người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và kết án tử hình. Ngày 28 - 8 - 1941, bản án được thi hành tại trường bắn Hóc Môn. Một số tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ như Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương, Tự chỉ trích... đã trở thành những tác phẩm kinh điển của Đảng, vẫn giữ nguyên giá trị đến tận bây giờ. |