Cưỡng chế các hộ không di dời

Cưỡng chế các hộ không di dời
TP - Để dự án cầu Nhật Tân không phải điều chỉnh thêm tiến độ, Ban quản lý (BQL) Dự án hạ tầng Tả Ngạn (TP Hà Nội) cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện cưỡng chế để GPMB. Trong khi đó các hộ dân bị ảnh hưởng cho rằng, họ không nằm trong phạm vi bị giải tỏa.

> Dự án cầu Nhật Tân - Hà Nội: Tất cả gói thầu đều phải điều chỉnh

Dự án cầu Nhật Tân đang mắc lại bởi chưa thể di dời 203 hộ dân khu vực nút giao Phú Thượng. Ảnh: Trọng Đảng
Dự án cầu Nhật Tân đang mắc lại bởi chưa thể di dời 203 hộ dân khu vực nút giao Phú Thượng. Ảnh: Trọng Đảng.

BQL Dự án hạ tầng Tả Ngạn cho rằng, hầu hết mặt bằng dự án cầu Nhật Tân đã được UBND TP Hà Nội - cụ thể là Ban Tả Ngạn giải phóng xong và giao cho chủ đầu tư (BQL Dự án 85 - PMU 85, Bộ GTVT).

Tuy nhiên tại nút giao Phú Thượng nằm ở phía bờ Nam thuộc quận Tây Hồ hiện vẫn còn 283 hộ dân chưa di dời bàn giao mặt bằng cho dự án.

Đây là lý do chính khiến dự án được phê duyệt từ năm 2006 nhưng đến tháng 9-2011 (sau 5 năm) gói thầu số 2: Xây dựng nút giao Phú Thượng và đường dẫn phía Nam mới khởi công.

“Tuy khởi công muộn nhất nhưng đến nay mặt bằng gói thầu này vẫn còn vướng đất thổ cư của 283 hộ dân tại nút giao Phú Thượng thuộc các tổ dân phố 46, 47 cụm 7 phường Phú Thượng (Tây Hồ) chưa giải quyết xong”, ông Hoàng Trung Kính, Trưởng phòng GPMB - BQL Dự án hạ tầng Tả Ngạn cho biết.

Theo ông Kính, sau khi được khởi công, cả chủ đầu tư và Ban Tả Ngạn luôn vận động các hộ dân trong khu vực nút giao Phú Thượng bàn giao mặt bằng để thi công đảo cỏ và đường nhánh hoa thị.

Tính đến thời điểm hiện tại trong 283 hộ dân đã có 161 hộ hợp tác điều tra để di dời, còn 122 hộ dân thuộc các tổ dân phố số 47B, C, D - cụm 7 không hợp tác. Do việc GPMB không thể chậm trễ được nữa nên quan điểm của Ban Tả Ngạn cũng như UBND quận Tây Hồ là phải tiến hành cưỡng chế.

“Hiện các quyết định cưỡng chế đang được UBND quận Tây Hồ chuẩn bị ban hành. Theo đó Ban GPMB dự án dự kiến sẽ thực hiện cưỡng chế theo từng đợt, trước mắt sẽ chọn từ 3 đến 5 hộ làm điểm trước”, ông Kính nói.

Đảo cỏ và đường hoa thị không có trong thiết kế ban đầu

Ủng hộ chủ trương thực hiện dự án cầu Nhật Tân để giải tỏa áp lực cho giao thông TP, nhưng nhiều hộ dân nằm trong nút giao Phú Thượng tại các tổ dân phố 46, 47 cụm 7 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho rằng, hạng mục đường dẫn và nút giao Phú Thượng đã không được thực hiện theo đúng thiết kế ban đầu và cũng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trong văn bản số 128/2006.

Cụ thể, theo các hộ dân đảo cỏ và đường hoa thị tại nút giao Phú Thượng là hai hạng mục không có trong thiết kế ban đầu của dự án cầu Nhật Tân.

"Việc UBND TP Hà Nội và đại diện chủ đầu tư tự ý điều chỉnh, mở rộng chỉ giới đường đỏ để xây thêm đảo cỏ và đường nhánh hoa thị là trái quy định”, ông Nông Văn Pỉu, Bí thư Chi bộ cụm dân cư số 7, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ cho hay.

Cũng theo ông Pỉu, đường dẫn cầu Nhật Tân đi qua cụm dân cư số 7 phần lớn là đi trên cao, việc mở rộng nút giao Phú Thượng để trồng cỏ, tạo cảnh quan là không cần thiết. “Chỉ để tạo không gian, điểm nhấn cho cầu mà khiến hàng trăm hộ dân phải mất nhà cửa và làm dự án gặp muôn vàn khó khăn về mặt bằng thì không đáng có?”.

Nhiều hộ dân tại tổ dân cư 47, cụm 7 phường Phú Thượng cũng cho rằng, việc thực hiện thu hồi và đền bù đất ở tại khu dân cư của họ Ban GPMB cũng không tiến hành bàn bạc, lấy ý kiến nhân dân như quy định.

“Hơn nữa, không rõ Ban GPMB dựa vào đâu mà chỉ đưa ra mức giá đền bù cho đất thổ cư của chúng tôi chỉ 14 triệu đồng/m2; trong khi đó đất nhỏ lẻ, xen kẹt cũng tại đây lại được quận Tây Hồ bán đấu giá lên tới 70 đến 72 triệu đồng/m2. Đó là chưa nói tới đến nơi tái định cư mới chúng tôi còn phải trả tiền thêm mới được vào ở”, bà Lê Thu Hương, hộ dân ở tổ dân phố 47 phàn nàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG