Việt Nam ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?

Việt Nam ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?
TPO-Ngày 8-6, Quốc hội thảo luận đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều ý kiến đề cập kinh tế Việt Nam phát triển ngành, công nghệ, nguồn nhân lực nào để có sự hiện diện mới trong bản đồ kinh tế thế giới.

Thảo luận về Đề án tổng thể Tái cơ cấu nền kinh tế, Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn) cho rằng, để thực thi thành công Đề án này, bên cạnh xác định mục tiêu Tái cơ cấu nhằm thoát khỏi nếp cũ, động lực tăng trưởng, tư duy cũ, cần làm rõ nếu không khai thác tài nguyên, không sử dụng lao động rẻ thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển những ngành nào với công nghệ, nguồn nhân lực nào để có sự hiện diện mới trong bản đồ kinh tế, công nghiệp thế giới.

Ông Vinh cho rằng, cần phải làm rõ các ngành, lĩnh vực này sẽ phát triển ra sao để có được vị thế xác định trong chuỗi sản xuất toàn cầu với sự bảo đảm Việt Nam không tiếp tục bị tụt hậu hay tụt hậu xa hơn.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, việc coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao vào ứng dụng công nghệ cao trong sản suất là rất đúng đắn. Như vậy, để tái cơ cấu kinh tế thành công, việc đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là hết sức quan trọng và cần có những giải pháp đột phá để có nguồn lao động chất lượng cao.

Ngoài ra, cần giáo dục nâng cao kỷ luật công nghiệp cho người lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những điều kiện cần để tiếp thu công nghệ cao.

Về lựa chọn công nghệ, nếu nóng vội đặt những mục tiêu quá xa vời hay lựa chọn những ngành công nghệ quá hiện đại, trong bối cảnh này, rất có thể chặn đường tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ vấp phải những rào chắn khó vượt.

Do vậy, cần định dạng nền kinh tế Việt Nam dựa trên lộ trình lựa chọn ngành nghề ưu tiên phù hợp với năng lực và khả năng hiện tại, cũng như xu hướng phát triển để tránh bất ổn và rủi ro trong quá trình thực hiện.

Cấu trúc các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế phải thay đổi đáp ứng yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong xu hướng này, Việt Nam có điều kiện và cơ sở để nhập cuộc vào thị trường công nghệ cao nếu có cơ chế tốt.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, mục tiêu lựa chọn công nghệ cao cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ là khả thi. Vấn đề là cơ chế và cách thức để đạt được mục tiêu này một cách phù hợp và nhanh nhất trong điều kiện hiện tại.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn cần thu hút vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực tạo việc làm, song không phải là các ngành công nghiệp tạo ra việc làm năng suất, chất lượng thấp. Tới đây, những ngành công nghiệp tạo việc làm phải vận động theo hướng sử dụng người lao động tạo ra giá trị gia tăng, năng suất lao động cao.

Một trong những đặc trưng kinh tế Việt Nam sau tái cơ cấu là các ngành tạo việc làm chất lượng cao, năng suất cao để vươn lên trên bậc thang giá trị của thế giới.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, một vấn đề cần phải được đặt ra một cách rõ ràng và cấp bách. Trong đó, vai trò của tái cơ cấu đầu tư công là dẫn dắt nguồn lực mà hạt nhân là nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Việc phân bổ nguồn lực cho khu vực này sẽ đóng vai trò quan trọng vì nếu sai sẽ gây méo mó thị trường.

Ngoài ra, phải giải quyết được mối tương quan giữa các nhóm lợi ích, bởi tái cơ cấu chính là thay đổi lại các nhóm lợi ích, thay đổi cấu trúc quyền lực và cơ chế phân bổ nguồn lực.

Để thực hiện tốt những nội dung này, cần đặc biệt quan tâm tới các tuyến quan hệ.

Thứ nhất, trong quan hệ cấp trung ương, giữa Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Thứ hai, quan hệ giữa Chính phủ và các tập đoàn kinh tế nhà nước. Hiện nay, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên sử dụng nhiều nguồn lực nhưng hiệu quả của một số tập đoàn chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và chức năng đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần là yếu tố chính của tái cơ cấu.

Thứ ba, mối quan hệ giữa cấp trung ương và địa phương, cấp vùng nếu không có sự thống nhất giữa các cấp chính quyền này thì việc thực hiện tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế sẽ khó khăn tương tự như việc thực hiện những chiến lược phát triển quốc gia, phát triển vùng như đã thấy trong thời gian vừa qua.

Hơn nữa, nếu không cấu trúc vùng kinh tế tốt thì với năng lực quản trị, chất lượng nhân sự, điều hành của các chính quyền địa phương như hiện nay khả năng phá vỡ các quy hoạch của nền kinh tế rất dễ và tình trạng các địa phương cạnh tranh nhau hạ giá để thu hút đầu tư sẽ còn tái diễn.

Ưu tiên tái cấu trúc tập đoàn nhà nước

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, thực tế đổ vỡ và sai phạm của một số tập đoàn đã cho thấy rõ ràng thể chế pháp lý cho Tập đoàn kinh tế Nhà nước đang có nhiều bất cập.

Thể chế đó có thể tạo ra khả năng sai phạm thất thoát tài sản Nhà nước không chỉ riêng ở các đơn vị đã đổ vỡ, hoặc đã được thanh tra.

Theo bà Nga, tất cả 12 tập đoàn đều đang trong giai đoạn thí điểm. Về nguyên tắc, thí điểm có thể thành công hoặc thất bại, nên phạm vi thí điểm nên hẹp và sau một thời gian phải tổng kết, nếu khẳng định thành công mới triển khai trên diện rộng.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, chúng ta đã thí điểm trên phạm vi rất rộng, tập trung vào lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Những năm 2005 - 2006 - 2007, liên tiếp tám tập đoàn được thành lập. Sau đó, năm 2009 - 2010, khi Vinashin bắt đầu đổ vỡ, chưa có tổng kết thí điểm, chúng ta lại tiếp tục lập thêm bốn tập đoàn mới.

Cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa tổng kết toàn diện về tập đoàn mà chỉ mới sơ kết. Nếu chúng ta tiếp tục thành lập mới khi chưa khẳng định sự thành công của mô hình này thì khó mà tránh khỏi những va vấp của các tập đoàn đi trước.

Đáng lo ngại là, hiện nay, hành lang pháp lý riêng cho tập đoàn còn khá sơ sài, về cơ bản chưa được điều chỉnh ở tầm luật, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý một cách đầy đủ cho hoạt động của tập đoàn.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 chỉ vẻn vẹn bốn điều quy định sơ sài về nhóm công ty và giao Chính phủ quy định chi tiết về tập đoàn. Mãi đến tháng 11-2009, khi tám tập đoàn đã thành lập và hoạt động được ba đến bốn năm và ngay tại thời điểm Quốc hội đang giám sát về tập đoàn thì Chính phủ mới có Nghị định 101 về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước.

Mặc dù đã từng bước được điều chỉnh nhưng đến nay khung pháp lý vẫn còn nhiều sơ hở cụ thể.

Theo bà Nga, các tập đoàn đều được thành lập theo phương thức hành chính bằng quyết định của Thủ tướng. Trong một chừng mực nào đó còn thể hiện mong muốn chủ quan của cơ quan quản lý.

Điều này chưa phản ánh đầy đủ nhu cầu tự thân của sự liên kết tập trung kinh tế theo quy luật nên gặp nhiều khó khăn, nhất là quy mô số lượng công ty tăng quá nhanh, vượt quá trình độ khả năng quản trị, quản lý của công ty mẹ.

Ngoài ra, còn có sự chồng chéo chức năng, chưa tách bạch triệt để chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước. Có trường hợp dùng quyền quản lý nhà nước để thực thi quyền sở hữu như quyết định đầu tư mua bán tài sản.

Một số tập đoàn còn được giao thực hiện một số nhiệm vụ về bản chất là nhiệm vụ của quản lý nhà nước. Ví như, trực tiếp đề xuất hoặc soạn thảo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành...

Điều này dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch tạo ra sự thiếu công bằng trong hoạch định chính sách giữa các loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực có vị thế độc quyền, có lợi thế trong khai thác tài nguyên.

Đây chính là lỗ hổng pháp lý có thể tạo ra khả năng dẫn đến sự chi phối chính sách và lợi ích nhóm.

Sự phân tán và kém hiệu quả trong thực hiện quyền chủ sở hữu giám sát đầu tư và quản lý nhà nước chuyên ngành. Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định rõ về thẩm quyền của Chính phủ, của bộ trong đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi Chính phủ cụ thể hóa đối với tập đoàn thì lại tỏ ra rất phân tán, kém hiệu quả, đặc biệt sự phân công trách nhiệm giữa các chủ thể chưa hợp lý.

Điều này lý giải cho việc vì sao những vụ việc sai phạm kéo dài vừa qua được phát hiện rất chậm, khi phát hiện thì hậu quả đã rất nặng nề và rất khó quy trách nhiệm.

“Nghiên cứu kỹ phát biểu của các Bộ trưởng Bộ Giao thông, kế hoạch đầu tư, tài chính, khi Quốc hội Khóa XII chất vấn về Vinashin thấy rất rõ điều này. Không thể nói thể chế pháp lý về Tập đoàn kinh tế nhà nước là đã thành công một khi có thất thoát lớn xảy ra mà Bộ quản lý chuyên ngành quan trọng như giao thông, kế hoạch đầu tư, tài chính có thể viện dẫn văn bản để không phải chịu trách nhiệm. Việc để thua lỗ hàng ngàn tỷ ở EVN cho đến nay câu trả lời về trách nhiệm cũng đang bỏ lửng. Tái cơ cấu thể chế phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này”- Bà Nga nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.