Người Trung Quốc dựng bè cá kiên cố trên vịnh Cam Ranh

Lồng bè nuôi cá mú của người Trung Quốc trong vịnh Cam Ranh - Ảnh: Tạ Thành
Lồng bè nuôi cá mú của người Trung Quốc trong vịnh Cam Ranh - Ảnh: Tạ Thành
Ngay trong vịnh biển gần cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nhiều người Trung Quốc đến làm “chuyên gia nuôi trồng thủy sản” hàng chục năm nay nhưng việc quản lý những người này còn nhiều vấn đề.

> Cần 2.000 tỷ đồng 'giải cứu'cá tra

Lồng bè nuôi cá mú của người Trung Quốc trong vịnh Cam Ranh - Ảnh: Tạ Thành
Lồng bè nuôi cá mú của người Trung Quốc trong vịnh Cam Ranh.  Ảnh: Tạ Thành.

Thượng tá Phan Lê Văn - đồn trưởng Đồn biên phòng Cam Ranh - cho biết có sáu người Trung Quốc đang ở trong khu vực vịnh biển Cam Ranh để làm chuyên gia nuôi trồng thủy sản cho các lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú của người dân địa phương khoảng 9-10 năm nay.

Tuy nhiên, theo người dân ở khu vực này, những người Trung Quốc ở đây chuyên nuôi trồng thủy sản rồi xuất về Trung Quốc chứ không phải là làm chuyên gia.

“Chuyên gia” Trung Quốc nuôi cá xuất khẩu

Ông Nguyễn Văn Quý, một người bán tạp hóa ở trước cổng cảng Cam Ranh (đường Nguyễn Trọng Kỷ, P.Cam Linh, TP Cam Ranh), cho biết ông quá quen thuộc với những người Trung Quốc nuôi cá tại vùng biển vịnh Cam Ranh.

Theo ông Quý, có khoảng 10 người Trung Quốc thường xuyên ra vào cảng, ngoài ra còn có một số người VN làm thuê cho những người Trung Quốc này.

“Trong số những người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh có những người đã sang đây khoảng chục năm, có những người sang khoảng vài năm và cũng có những người mới sang mấy tháng. Họ nuôi chủ yếu là cá mú.

Họ mang cá giống mú từ Trung Quốc qua, khi nuôi lớn rồi thì lại xuất về Trung Quốc. Cá mú này con to, có trọng lượng khoảng 20kg, giá khoảng 1 triệu đồng/kg”- ông Quý cho hay.

Chị Thuận, một người dân ở P.Cam Linh, cho hay những người Trung Quốc này ăn ở ngay trên lồng bè trong vịnh, cứ mỗi sáng sớm, những người Trung Quốc từ biển đi xuồng vào đất liền thu mua các loại cá nhỏ, sau đó chở ra cho ăn.

“Tôi nói chuyện khá thường xuyên với hai chủ bè người Trung Quốc là A Giót và A Cang. Làm gì có chuyện người Trung Quốc được thuê qua đây làm chuyên gia nuôi trồng, vì họ bỏ tiền ra đầu tư rồi thuê người VN mình nuôi cho họ. Ai ở đây cũng biết vậy cả”.

Ông A Cang cho biết, ông và những bạn bè người Trung Quốc tại đây cũng thường đi mua lại cá mú giống của người dân địa phương rồi nuôi thúc cho lớn, sau đó xuất về thị trường Trung Quốc.

Trên vịnh Cam Ranh, các lồng bè nuôi hải sản của người Trung Quốc được xây dựng khá kiên cố. Mỗi bè rộng khoảng 100m2, trên đó xây dựng 2-3 ngôi nhà lợp tole màu để người Trung Quốc và những người VN làm thuê ở lại chăm sóc cá.

Mỗi bè như vậy có rất nhiều lồng nuôi được liên kết chặt với nhau. Những bè cá này nằm cách cảng Cam Ranh khoảng 200-250m về phía đông. Từ những vị trí đó có thể nhìn thấy khá rõ quân cảng Cam Ranh nằm về phía đối diện.

Nuôi trồng tự phát?

Theo Phòng Kinh tế TP Cam Ranh, hiện trong khu vực này người dân nuôi khoảng 300ha cá mú, 10.000 lồng tôm hùm và cá mú.

Ông Trần Văn Ớt - phó trưởng Phòng Kinh tế TP Cam Ranh - cho hay theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, do đặc thù của vùng biển này nên trong vịnh chỉ được phép nuôi trồng các loại thủy sản loại hai mảnh hoặc rong biển, không nuôi các loài thủy sản khác.

Cũng theo quy hoạch trên, đến trước năm 2015, phải di dời toàn bộ số lồng bè nuôi trồng hải sản trong vịnh Cam Ranh đến vùng biển xã Cam Bình.

“Tuy nhiên, thời gian qua, do việc phân định tọa độ trên biển chưa thực hiện được vì địa phương chưa có kinh phí nên người dân nuôi trồng thủy sản tự phát. Cho đến nay, địa phương chưa cấp phép nuôi trồng hải sản ở vịnh Cam Ranh cho bất cứ ai, kể cả người trong và ngoài nước” - ông Ớt nói.

Được biết, cách đây một tuần, UBND TP Cam Ranh đã lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra hành chính các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong vịnh Cam Ranh.

Sáng 30-5, đoàn kiểm tra liên ngành này đã họp để báo cáo kết quả cho UBND TP Cam Ranh.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên chiều ngày 30-5, ông Trần Văn Ớt - trưởng đoàn kiểm tra - chỉ thừa nhận là có người Trung Quốc tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản ở vịnh Cam Ranh, song từ chối thông tin về kết quả kiểm tra, số lượng cũng như vai trò của những người Trung Quốc trên các lồng bè.

Ông Ớt chỉ tiết lộ rằng những người Trung Quốc này tham gia nuôi trồng thủy sản ở vùng diện tích mặt nước vịnh Cam Ranh do Cảng vụ Nha Trang quản lý chứ không phải do TP Cam Ranh quản lý.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Kế Thân - giám đốc Cảng vụ Nha Trang - lại bác bỏ thông tin trên vì cho rằng cảng vụ không có chức năng cho phép nuôi trồng thủy sản!

Trong khi đó, trưa ngày 30-5, ông Đào Văn Hòa - chủ tịch UBND TP Cam Ranh - chỉ nói ngắn gọn rằng hiện chưa nắm được báo cáo cụ thể của đoàn kiểm tra liên ngành.

“Nếu người Trung Quốc nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Cam Ranh, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” - ông Hòa nói.

Lãnh đạo UBND các phường có liên quan đến vịnh Cam Ranh như Cam Linh, Cam Phú... đều từ chối trả lời thông tin liên quan đến người Trung Quốc nuôi cá trong vịnh!

Chúng tôi cũng cố gắng tìm kiếm thông tin về việc xuất khẩu thủy sản nuôi tại vịnh Cam Ranh sang Trung Quốc thời gian qua, song mọi nỗ lực đều bất thành vì Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cam Ranh (thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Cam Ranh) không cho phép vào vì hiện trong cảng đang sửa chữa một tàu hậu cần của Mỹ.

Nhiều thương lái Trung Quốc mua hải sản ở cảng cá Vĩnh Lương

Tại cảng cá Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, Khánh Hòa) thời gian qua có nhiều thương lái Trung Quốc đến mua các loại hải sản sau đó xuất đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Một sĩ quan thuộc Bộ đội biên phòng Khánh Hòa cho biết, hiện nay vẫn còn sáu thương lái Trung Quốc mua cá tại cảng này. Việc xử lý các thương lái Trung Quốc rất khó khăn khi họ luôn “núp bóng” các doanh nghiệp trong nước để sơ chế rồi xuất khẩu hàng.

Đầu năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa bắt quả tang hai thương lái Trung Quốc mua cá “chui” và xử phạt hành chính mỗi người 15 triệu đồng. Song việc xử phạt không thực hiện được vì... không tìm được địa chỉ của các đương sự sau khi họ bỏ trốn khỏi VN.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.