Vụ cây sưa ngàn tỉ: Giáp mặt giang hồ

Vùng Trại Lá tập trung hầu hết băng nhóm canh giữ và tìm cách đưa gỗ sưa ra khỏi rừng Ảnh: PV
Vùng Trại Lá tập trung hầu hết băng nhóm canh giữ và tìm cách đưa gỗ sưa ra khỏi rừng Ảnh: PV
TP - Phóng viên Tiền Phong trong vai một sơn tràng đột nhập lãnh địa của giới giang hồ, lâm tặc để tận mắt chứng kiến cảnh săn tìm, trấn cướp gỗ sưa náo loạn nơi rừng sâu Phong Nha - Kẻ Bảng.

> Vụ cây huê nghìn tỷ: Kiểm lâm phủ nhận câu kết với lâm tặc

Vùng Trại Lá tập trung hầu hết băng nhóm canh giữ và tìm cách đưa gỗ sưa ra khỏi rừng Ảnh: PV
Vùng Trại Lá tập trung hầu hết băng nhóm canh giữ và tìm cách đưa gỗ sưa ra khỏi rừng.  Ảnh: PV.

Anh bạn sơn tràng xua tay, lắc đầu quầy quậy nói “Đừng máu nghề, mất mạng như chơi”, khi tôi ngỏ ý nhờ anh dẫn đường vào nơi hai hầm giấu gỗ sưa vừa được khai quật ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).

Giang hồ canh giữ rừng

Anh bạn sơn tràng phân tích, không chỉ giang hồ, đầu nậu, lâm tặc, mà ngay cả những sơn tràng như anh cũng đang điên tiết các phóng viên vì đã làm lộ chuyện 3 cây sưa.

“Các ông không to miệng, hò hét (viết báo) thì có phải mọi chuyện đã êm xuôi rồi không. Giờ mà đưa ông vào rừng là quá nguy hiểm. Lỡ ra mà lộ thân phận thì không chỉ ông mà ngay cả tôi và gia đình tôi cũng khó toàn mạng”, anh bạn sơn tràng cảnh báo.

Trước sự cương quyết của tôi, anh đành nhượng bộ bằng cách vẽ một sơ đồ hướng dẫn đường đi và nhượng lại toàn bộ áo quần, đôi dép rọ, chiếc gùi bằng báo lác, rồi nói:

 “Ông thông cảm, tôi không thể đi với ông được. Cứ theo sơ đồ này, chỉ cần vượt qua hung (thung lũng) Nha là sẽ gặp người vào ra như mắc cửi, không bao giờ bị lạc đâu mà sợ.

Không mang nhiều tiền, không có gỗ trên người, đừng tham gia trấn cướp thì không ai làm khó ông đâu. Chỉ sợ đạn lạc, hoặc ông máu nghề làm lộ thân phận thôi. Nhớ cẩn thận nhé, đừng để họ biết ông là nhà báo nhé!”.

Hung Nha nằm ngay cạnh thôn Chày Lập, thuộc xã Phúc Trạch, được xem là có đoạn đường gần và dễ đi nhất để vào hung Trí.

Đúng như anh bạn sơn tràng nói, khó mà lạc, khi một con đường mòn lộ rõ ngay trước mặt, các nhóm người vào ra như mắc cửi. Các nhóm không mấy quan tâm đến nhau, chỉ trừ gặp người quen thì có chào hỏi, còn không cứ thế, đường ai nấy đi.

Thanh kiếm cắm giữa đường Ảnh: P.V
Thanh kiếm cắm giữa đường.  Ảnh: P.V.

Vừa qua hung Nha được một đoạn, tôi giật bắn người khi nhìn thấy một thanh kiếm dài gần mét cắm giữa đường. Chưa kịp định thần, thì nghe tiếng quát phát ra từ trong mấy chiếc võng treo vào cây hai bên đường: “Ê, thằng kia đi mô?”.

Nghe tôi nói định vào mót ít sưa, cả nhóm chừng hơn chục tên nằm trên võng cười khùng khục, nói mỉa mai: “Mót cái con khỉ nhà mi ấy. Có tài thì vô đây mà trấn cướp như bọn tau đây này. Huê ở mô ra cho mi mót, đưa gùi đây coi”.

Sau khi lục tung chiếc gùi, lấy đi mấy chiếc bánh lương khô và chai nước khoáng, thấy không có gì khả nghi, bọn chúng mới trả chiếc gùi lại và cho tôi đi.

Hiện trạng bếp núc, xoong chảo cho thấy nhóm này đã cát cứ ở đây khá lâu. Cùng đi vào ngay sau tôi, một nhóm người ở thôn Chày Lập cũng bị chặn lại kiểm tra. Thoát qua trạm chốt của bọn giang hồ, B. (một người trong nhóm Chày Lập) chửi đổng: “Mẹ kiếp, không có máu giang hồ, thiệt thòi đủ kiểu”.

Lân la hỏi chuyện, B. cho biết, từ khi rộ chuyện 3 cây sưa, anh vào ra hung Trí hơn chục lần trên con đường này nhưng vẫn chưa mang về được một mẫu gỗ nào.

Ở nhà cũng không biết làm gì, nghe tin hàng đã ra rất gần, nóng ruột nên B. cùng mấy anh em lại rủ nhau vào rừng với hi vọng các đầu nậu, hoặc giang hồ thuê gùi hàng.

Theo B., sự lộn xộn trong rừng sau khi rộ tin về 3 cây sưa là do chính người bản địa gây ra. “Nói thật, nếu không có bọn dặt dẹo trong vùng giúp sức thì đến Năm Cam, Năm Quýt sống lại cũng không thể qua mặt được dân sơn tràng như bọn tui, chứ ăn thua chi mấy thằng giang hồ vặt ni.

Cứ trong hang, trong bụi lấy đá mà ném thì dù bọn chúng có súng đại bác cũng chịu, chứ mấy khẩu AK phát nổ, phát tịt thì làm chi được nhau. Hư sự như bữa ni đều do mấy thằng dặt dẹo trong làng mà ra cả.

Ngày trước còn bịt mặt để trấn cướp vì sợ mang tiếng với người làng, giờ thì lộ mặt cả, chẳng thằng mô bịt mặt. Không biết xong vụ ni, bọn hắn nhìn mặt người làng răng đây?”, B. bức xúc.

Những tay đầu gấu thứ thiệt mắc võng nằm nghỉ ngơi, chờ tin tức từ vệ tinh (người bản địa) và xuất quân khi cần thiết Ảnh: P.V
Những tay đầu gấu thứ thiệt mắc võng nằm nghỉ ngơi, chờ tin tức từ vệ tinh (người bản địa) và xuất quân khi cần thiết.      Ảnh: P.V.

Ngày tìm sưa, đêm trấn cướp 

Trên đường đi, cứ vài trăm mét, chúng tôi lại bắt gặp những băng nhóm khi thì mắc võng bên đường, khi thì dưới suối vừa nằm nghỉ ngơi, vừa quan sát tình hình.

Nhiều nhất vẫn là các nhóm người đi tìm gỗ sưa, bởi theo họ hai hầm được khai quật vừa rồi chưa phải là cuối cùng. Họ tin, nhóm lâm tặc 11 người trúng sưa còn có nhiều hầm giấu sưa nằm rải rác trong rừng.

Thường 5-7 người làm thành một nhóm, mỗi người trên tay cầm một que sắt dài chừng 2m, cứ thấy vị trí nào nghi có giấu sưa là thọc xuống để kiểm tra. Đa số họ là người bản địa, nhưng đều có sự hậu thuẫn của các băng đảng giang hồ.

Ban ngày là người tìm sưa, nhưng khi đêm xuống, họ nhập với các băng nhóm, trở thành những người chỉ điểm, dẫn đường, tham gia trấn cướp khi phát hiện gỗ sưa. Những tên đầu gấu thứ thiệt, chỉ mắc võng nằm nghỉ ngơi, chờ tin tức từ vệ tinh (người bản địa) và xuất quân khi cần thiết.

Đi chừng hơn 3 giờ, chúng tôi đến khu vực Trại Lá, nơi được cho là số gỗ sưa vừa được nhóm trúng sưa khai quật, sau đó bị trấn cướp và đang được các băng nhóm tập hợp về đây để canh giữ và tìm cơ hội đưa ra. Có mục sở thị mới biết độ hút của sưa đến mức nào.

Vùng Trại Lá có 3 con khe, ở đây hiện diện hàng ngàn người, chen chúc, đen đặc dưới những tán cây rừng.

Theo người dân địa phương, sở dĩ các băng đảng tập trung nhiều ở Trại Lá là vì ở đây có nước ngọt, và quan trọng nhất là nó như một ngã ba đường. Ngay tại đây, họ có thể chọn đường về phía động Thiên Đường, về hung Nha, hay khe Gát...

Đêm ở Trại Lá mới thực sự hỗn loạn, chốc chốc lại có tiếng súng nổ, tiếng người chạy rần rật, í ới gọi nhau. Mắc võng nằm bên cạnh tôi là một sơn tràng tên T. ở Xuân Trạch.

Chốc chốc, hai chúng tôi lại bị những người chạy xồng xộc từ đâu đến dựng dậy: “Có thấy băng mô đi ra không?”. T. cho biết, theo người làng vào đi tìm các hầm giấu sưa, nhưng lại không dám tham gia bang hội trấn cướp như những người khác.

T. cho biết, ở đây không có băng nhóm nào đủ mạnh để khuynh loát tình hình. Bình thường thấy yên ắng vậy thôi, nhưng chỉ cần băng nhóm nào có dấu hiệu đưa gỗ ra là ngay lập tức sẽ bị các băng nhóm khác xâu xé, nếu không đủ mạnh lại thành kẻ trắng tay, lại chờ cơ hội cướp lại.

Chính vì vậy, hơn ba chục phách gỗ sưa của các băng nhóm cướp được cách đây mấy ngày vẫn nằm nguyên ở đây, chưa ai đưa ra được.

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.