> Yêu cầu thủy điện xả nước cho hạ du
Ngấm đòn thủy điện
Mới đầu mùa nắng, nhưng hạ du Vu Gia - dòng sông ken đặc thủy điện của tỉnh Quảng Nam đã đối mặt tình trạng khô hạn. Hơn 2 triệu người cùng hàng ngàn héc-ta lúa, hoa màu đã thực sự ngấm đòn tích nước mùa khô của các nhà máy thủy điện (NMTĐ).
Cuộc chiến đòi nước giữa Đà Nẵng với thủy điện Đăkmi 4 kết thúc năm 2010 với phần thắng nghiêng về Đà Nẵng khi đòi được 25m3/s nước mùa suy kiệt.Đây có lẽ là vụ kiện hy hữu nhất từ trước tới nay, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó GĐ Sở NN&PT NT Đà Nẵng.
Dù vậy, ông Thắng nói rằng, với 25m3/s Đăkmi 4 ban phát trong mùa suy kiệt trong khi nhu cầu thực của hạ du Vu Gia phải là 80m3/s, cuộc chiến đòi nước phần thắng là Đà Nẵng nhưng kết quả xem như chủ đầu tư thắng.
“Cũng không thể trách được các NMTĐ, có quy hoạch rồi, họ cứ thế mà làm. Quan trọng bây giờ là mình sửa sai thế nào”, ông Thắng nói.Các nhánh sông của Vu Gia - Thu Bồn đổ về hạ du đang bước vào tình trạng suy kiệt nặng, đẩy độ ngập mặn sâu hơn vào cửa sông.
Hạ du Vu Gia đói diện nguy cơ hạn hán nặng. Ảnh Nam Cường. |
Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hơn 3.000 ha lúa ở vùng hạ lưu sông Vu Gia đang đứng trước nguy cơ thiếu nước. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài những ngày qua ở miền Trung khiến mực nước các sông xuống thấp.“Những năm trước, tình trạng hạn hán có xảy ra. Tuy nhiên, do nhiều NMTĐ chưa tích nước nên còn đỡ, năm nay và những mùa tiếp theo sẽ nguy cơ to”, ông Thắng nói.
Theo ông Lê Văn Sâm, Phó GĐ Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Cty đang duy tu, bảo dưỡng máy móc để phát hết công suất cho vụ hè thu sắp tới và tìm mọi phương án để chống hạn. “So với năm ngoái, lượng mưa năm nay ít hơn, đồng nghĩa chắc chắn sẽ hạn hán thời gian tới.
Cty đang khẩn trương làm các đập thời vụ để giữ nước nhằm phục vụ bà con”, ông Sâm nói. Hai hồ Hòa Trung và Đồng Nghệ phục vụ tưới tiêu cho hơn 2.000 ha lúa, hoa màu Đà Nẵng và khoảng 1.000 ha của 2 huyện Điện Bàn và Đại Lộc (Quảng Nam).
Xả hay không xả?
Tại cuộc họp khẩn của Sở NN&PTNT Quảng Nam ngày 14-5, ngay sau khi địa phương yêu cầu các NMTĐ xả nước về cho hạ du (Tiền Phong đã đưa tin), đa số NMTĐ không mặn mà, một số không đồng ý.
Thay vì xây nhiều hồ thủy lợi nhỏ, nên tập trung xây một hồ chứa lớn ở cuối dòng Vu Gia (Đại Lộc), từ đó, hồ này tích nước từ mùa mưa, cân đối lưu lượng để đến mùa khô hạn xả phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt. “Nếu xây được một hồ chứa lớn tích nước, lúc đó mặc các ông thủy điện thượng nguồn muốn làm gì thì làm. Vấn đề là vốn đâu ra, rồi di dân, tái định cư… nói chung rất phức tạp. Việc này Bộ NN&PTNT đã quan tâm rồi nhưng chưa biết khi nào làm”, ông Huỳnh Vạn Thắng nói. |
Ông Lê Đình Bản, Phó TGĐ Cty Thủy điện A Vương, cho hay, về cơ bản, A Vương đồng ý với chủ trương của tỉnh, nhưng được hay không còn phải xem thời tiết thế nào. “Nói nôm na là còn phải nhờ trời”, ông Bản nói.
Theo ông Bản, A Vương chỉ chiếm 1/8 trong lưu lượng dòng chảy Vu Gia nên không ảnh hưởng nhiều đến việc khô hạn của hạ du. “Tỉnh đề nghị sắp tới xả 39m3/s, nhưng ngay từ tháng 4, chúng tôi đã xả 38,1m3/s, rồi từ đầu tháng 5 đến nay, có thời điểm chúng tôi xả đến 45,9m3/s.
Với yêu cầu của tỉnh, tôi đã làm công văn gửi Trung tâm Điều độ của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nhờ can thiệp để nâng lưu lượng công suất lên, đáp ứng chuyện xả nước”.
Tuy vậy, ông Bản cũng cho rằng, việc yêu cầu xả phải tính toán kỹ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và NMTĐ, bởi nếu xả tận cùng, đưa nước trong hồ về nước chết, phòng khi cuối tháng 5 tới không xảy ra lũ tiểu mãn như các năm 2010 và 2011, lúc đó, khô kiệt mới lên đến đỉnh điểm, bởi các hồ thủy điện cũng chẳng còn nước mà xả.
“Tôi cũng kiến nghị lại tỉnh là nên nạo vét kênh mương cho thông thoáng dòng chảy, gia cố kênh, chống thấm để khỏi thất thoát nước”, ông Bản nói.
“Chắc chắn không thể xả được 16m3/s như yêu cầu của Sở NN&PTNT Quảng Nam”. Đó là trả lời của bà Trần Thị Oanh - TGĐ NMTĐ Sông Kôn 2.
Bà Oanh thắc mắc không hiểu các chuyên gia và lãnh đạo Sở lấy đâu ra lượng nước để xả 16m3/s trong thời điểm này khi lượng nước chảy vào hồ chỉ còn 3-5m3/s? “Chúng tôi cũng muốn xả, muốn vụ mùa bà con được đầy ắp nước tưới tiêu, xả đến chạy hết công suất nhằm tăng thêm doanh thu để trả nợ ngân hàng. Ngặt nỗi, nước đâu ra?”, bà Oanh nói.
Theo đó, Thủy điện Sông Kôn 2 sẽ có công văn chính thức gửi chính quyền địa phương, trả lời rõ việc không thể xả 16m3/s theo yêu cầu. Còn tại Đăk Mi 4, theo tìm hiểu của PV, hiện mực xả sâu của thủy điện này chỉ khoảng 13m3/s trả dòng cho Vu Gia, trong khi yêu cầu của Thủ tướng là phải 25m3/s cho mùa kiệt.
Điều này giải thích vì sao xâm nhập mặn và hạn hán trong thời gian gần đây của 2 huyện Đại Lộc, Điện Bàn cùng 2 thành phố Hội An và Đà Nẵng trở nên nghiêm trọng.
Trao đổi với PV, một chuyên gia về quy hoạch thủy điện cho rằng, thực ra xả hay không xả là do các NMTĐ có muốn hay không. “Có một mối bùng nhùng ở đây, quan trọng là EVN và chính quyền có mạnh mẽ quyết hay không. Các NMTĐ vẫn còn muốn tích nước để vận hành đến tận tháng 8”, chuyên gia này nói.