Bác sỹ ngoại khám bệnh “chui”

Phòng khám 59 Khương Trung (Hà Nội) vừa bị cơ quan chức năng “sờ gáy” Ảnh: Hồng Vĩnh
Phòng khám 59 Khương Trung (Hà Nội) vừa bị cơ quan chức năng “sờ gáy” Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Không giấy phép lao động, cũng không biết đó có phải là bác sỹ được hành nghề khám đông y, nhưng nhiều người Trung Quốc được một phòng khám tại Hà Nội tuyển dụng, bắt bệnh chui. Thực tế này khiến nhiều người tiền mất, tật mang.

> Trẻ em, người già đổ bệnh

Kê đơn, bốc thuốc vô tội vạ

Mới đây, Phòng khám 59 Khương Trung (Hà Nội) bị nhiều bệnh nhân tố là thuê thầy thuốc Trung Quốc kê đơn, chẩn bệnh nhưng những người này không có giấy phép lao động cũng như trình độ về chuyên môn nghề y.

“Họ không những chẩn đoán bệnh vô tội vạ mà còn đưa ra các mức giá trên trời” - chị T (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

Theo chị T, khi đến khám phụ khoa tại phòng khám này, chị được một bác sỹ tên là Vương Tiểu Hoa khám và kiểm tra. Qua người phiên dịch, bác sỹ này cho biết, chị T bị bệnh sùi mào gà rất nặng, phù nề ổ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, nguy cơ cao dẫn đến ung thư.

Quá hoang mang, chị T đồng ý khám chữa bệnh ở đây. “Trong vòng 7 ngày, tôi phải chi hơn 50 triệu đồng khám chữa bệnh”- chị T cho biết.

Cũng theo chị T, lạ lùng là, mỗi lần khám, bác sỹ người Trung Quốc đưa ra một mức giá khác nhau. Bên cạnh đó còn kèm theo những lời dọa dẫm về hậu quả của bệnh tật.

Mỗi lần đến khám, chị T thường xuyên nghe các ca từ nhức óc như: “bệnh của chị rất nặng”, “nguy cơ dẫn đến ung thư rất cao nếu không được chữa trị kịp thời”, “phải kiên nhẫn uống thuốc mới mau khỏi”...

Trong khi đó, các nhân viên phòng khám Khương Trung còn thường xuyên nói quá lời về năng lực của các bác sĩ người Trung Quốc để lừa bệnh nhân. Họ khẳng định, có tới 4 bác sĩ người Trung Quốc đang làm việc tại phòng khám này.

Quảng cáo là vậy, nhưng mới đây Trung tá Đặng Tuấn Việt - Trưởng phòng 7 (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) cùng đoàn kiểm tra tại Phòng khám 59 Khương Trung, phát hiện một nhóm người nước ngoài mặc áo blue trắng đang làm việc, trong đó 2 người tự khai là bác sỹ, số còn lại tự nhận là kỹ thuật viên, chuyên chăm sóc máy móc ở phòng khám.

“Số người Trung Quốc này không có giấy phép lao động, còn mang theo cả trẻ em. Mặc dù dư luận nghi ngờ về trình độ chuyên môn cũng như y đức của thầy thuốc tại phòng khám này nhưng việc xác định họ có đúng là bác sỹ không thì chưa được kiểm chứng, vì cần phải có thẩm định của Sở Y tế Hà Nội” - ông Việt nói.

Tại phòng khám 59 Khương Trung, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện 12 bác sỹ dởm Ảnh: Hồng Vĩnh
Tại phòng khám 59 Khương Trung, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phát hiện 12 bác sỹ dởm.  Ảnh: Hồng Vĩnh .

Sau khi phát hiện sai phạm, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã xử phạt hành chính 12 lao động là người Trung Quốc làm việc cho Phòng khám 59 Khương Trung mỗi người 15 triệu đồng, đồng thời đề nghị số người này phải xuất cảnh về nước.

Đại diện cơ sở y tế này là ông Nguyễn Thế Anh cũng bị xử phạt hành chính vì cho người nước ngoài hành nghề tại phòng khám mà không khai báo tạm trú.

“Số người Trung Quốc này đã phải xuất cảnh về nước trong hai ngày 21-3 và 25-3 năm 2012” - ông Việt cho biết.

Nhưng lạ thay, 10 ngày sau, số lao động trên lại được nhập cảnh vào Việt Nam, quay trở lại Phòng khám 59 Khương Trung làm việc bình thường.

Ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động chính sách tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 lao động là người nước ngoài vào làm việc tại Hà Nội.

Tuy nhiên, số lao động là bác sỹ chỉ khoảng 30-40 người. Theo ông Thanh, Sở LĐ-TB&XH chỉ có trách nhiệm cấp phép cho người lao động nước ngoài, còn về trình độ chuyên môn nghề y phải do Sở Y tế thẩm định.

Về trường hợp những lao động Trung Quốc quay lại Phòng khám Khương Trung, sau khi bị trục xuất, ông Thanh khẳng định: “Không thể trong 10 ngày họ đã được sở cấp phép.

Vì muốn được cấp phép, người nước ngoài phải trực tiếp đến Sở LĐ-TB&XH đăng ký lấy phiếu để được cấp giấy phép lao động. Chắc chắn có vấn đề gì khuất tất ở đây” - ông Thanh nói.

Tổng kiểm tra các phòng khám đông y

Theo quan sát của PV Tiền Phong, tại địa bàn Hà Nội có rất nhiều phòng khám đông y sử dụng bác sỹ là người Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc họ có được cấp giấy phép lao động và giấy phép hành nghề y hay không hiện đang bị bỏ ngỏ. Sở LĐ-TB&XH và Sở Y tế thường chỉ căn cứ vào giấy tờ là sẽ được cấp phép.

Tuy nhiên, giấy tờ về trình độ chuyên môn có đúng hay không thì rất khó kiểm soát. Thực tế, công tác thanh kiểm tra hầu như không có nên việc các phòng khám đông y sử dụng người nước ngoài để bốc thuốc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân đang diễn ra khá phổ biến.

Làm việc với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Văn Phúc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, quá trình xử lý các sai phạm tại Phòng khám 59 Khương Trung cho thấy, họ vừa bị xử phạt chưa đầy 10 ngày mà đã xin được giấy phép lao động cho 12 người vừa bị xử phạt rõ ràng có dấu hiệu bất thường.

Thông thường, việc xác minh làm thủ tục ít cũng phải mất khoảng 3 tháng. “Tôi nghi ngờ phòng khám này lũng đoạn nhiều cơ quan chức năng và họ có những mối quan hệ đặc biệt nào đó” - Đại tá Phúc nói.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Phúc, qua đợt kiểm tra vừa rồi, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thấy có dấu hiệu lách luật trong hoạt động của các phòng khám có sử dụng lao động nước ngoài.

Ví dụ, khi kiểm tra Phòng khám 59 Khương Trung, tuy đứng tên giấy phép là một nữ bác sĩ quân đội nghỉ hưu nhưng khi đến kiểm tra nhiều lần, cũng không thấy vị bác sỹ này ở đó.

“Chúng tôi cũng chưa rõ vị bác sỹ đó có làm thật ở đây hay chỉ đứng tên trên danh nghĩa rồi cho người Trung Quốc hoạt động. Cái này, phía Thanh tra y tế cần vào cuộc làm rõ”- Đại tá Phúc cho biết.

Theo ông Phúc, tới đây, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tổng kiểm tra các phòng khám đông y trên địa bàn thành phố Hà Nội có yếu tố lao động nước ngoài.

“Trên cơ sở kết quả của đợt kiểm tra các phòng khám trên toàn thành phố có sử dụng lao động nước ngoài, Cục sẽ có kiến nghị cụ thể với từng lĩnh vực quản lý nhà nước như trách nhiệm của ngành y tế, ngành lao động, trách nhiệm của địa phương Hà Nội để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Về lâu dài, để ngăn chặn tình trạng người nước ngoài lách luật vào Việt Nam hành nghề y, cần có Luật Xuất nhập cảnh” - Đại tá Phúc kiến nghị.

Hành nghề không phép sẽ bị xử phạt

Chiều qua ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, tất cả các phòng khám có yếu tố nước ngoài đều phải tuân thủ theo Thông tư 41 về Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp phép hoạt động đối với các cơ sở khám chữa bệnh.

Sau khi có giấy phép lao động do Bộ LĐ-TB&XH cấp thì phải hoàn thiện hồ sơ và được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung quốc chấp thuận thì mới được làm việc tại Việt Nam, tiếp đó lao động phải xuất trình được giấy phép khám chữa bệnh tại địa điểm đã đăng ký hành nghề mới được phép hoạt động.

Ông Cường cho biết thêm, nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện thấy người lao động hành nghề không phép sẽ phạt theo Nghị định 96 về Hành nghề không phép với mức phạt 17 triệu đồng.

Ngoài ra, Sở Y tế sẽ báo cáo cơ quan xuất nhập cảnh để có hướng xử lý với các lao động bất hợp pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
Bà Rịa-Vũng Tàu lên tiếng về trào lưu chơi pickleball; TGĐ người Nhật bị quấy rối
TPO - Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu cán bộ không để việc chơi pickleball ảnh hưởng đến công việc; Chi 25.000 tỷ đồng mở rộng hai tuyến đường huyết mạch ở TPHCM; Chủ nhà ở Đồng Nai cẩu ô tô để trên cổng làm kỷ niệm; Xác định số lượng voi rừng ở Đồng Nai,... là những tin tức phương Nam đáng chú ý tuần qua.