> Bộ trưởng Khoa học Công nghệ: Tiếp tục điều tra cháy xe
Gửi ý kiến về buổi đối thoại, một độc giả cho rằng, việc công bố các nguyên nhân gây cháy xe gần đây của liên bộ Công An, KHCN, GTVT và Công Thương là không thuyết phục, không lý giải được vì sao số vụ cháy nổ xe tăng đột biến hai năm gần đây.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ KHCN đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu) vào cuộc, lấy mẫu từ các xe bị cháy còn sót lại, từ những cây xăng mà các xe này đã mua xăng theo khai báo của chủ xe để xét nghiệm.
“Tất cả các mẫu xét nghiệm này đều không vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu”, ông Quân nói.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ KHCN chia sẻ, trước cuộc đối thoại trực tuyến một hôm, ông có trao đổi với một nhà khoa học danh tiếng về chuyện xăng.
Nhà khoa học cho rằng, xăng dầu tại thời điểm gây cháy có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng rất có thể chất lượng xăng dầu thời gian trước đó là nguyên nhân gián tiếp gây ra những sự cố này.
Ví dụ, trước đó nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí hàng năm, nếu xe máy có sử dụng xăng dầu pha quá nhiều phụ gia như acetone, methanol, chúng có thể ăn mòn chi tiết động cơ, làm thủng bình chứa xăng, thủng đường ống dẫn bằng nhựa, làm thoái hoá gioăng đệm của động cơ, dẫn tới rò rỉ xăng ở mức độ nghiêm trọng.
Trong quá trình vận chuyển trên đường, ma sát của các bộ phận cơ khí có thể gây ra tia lửa điện và dẫn đến cháy nổ. Ông Quân cho rằng, cơ quan điều tra nên đi theo hướng này mặc dù khó khăn là không thể điều tra, xét nghiệm lại các mẫu xăng dầu của giai đoạn trước vì đã được tiêu thụ hết.
Tăng cường kiểm soát chất lượng xăng
Bộ KHCN đang tăng cường kiểm soát chất lượng xăng dầu, ông Quân nói. Trước đó, trong một hội thảo về xăng, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa, cho biết năm 2011, Cục và sở KHCN các địa phương kiểm tra, lấy mẫu 704 xăng, dầu; sang năm 2012, tính đến ngày 18-4, đã kiểm tra 541 mẫu xăng và 128 mẫu dầu diezel. Kết quả cho thấy, số lượng vi phạm giảm đi do việc kiểm tra gắt gao hơn.
Về mức xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm, ông Quân cho rằng mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe.
Bộ KHCN đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật Đo lường. Vừa rồi, mức phạt được nâng lên tới 500 triệu đồng; trường hợp đặc biệt còn có các chế tài khác kèm theo.
Riêng đối với xăng A83, ông Quân cho hay, loại xăng này vẫn được sản xuất và sử dụng.
Các đối tượng vi phạm thường sử dụng xăng A83 giá thấp pha trộn với các loại xăng khác hoặc bán với giá xăng A92 hay A95 để kiếm lợi. “Chúng tôi đã trình Chính phủ cho phép chấm dứt sử dụng xăng A83 trong thời gian tới”, ông Quân nói.
Theo PGS.TS Lê Văn Hiếu, Bộ môn Công nghệ Lọc - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội), điều đáng lo ngại về chất lượng xăng dầu là nạn pha các phụ gia cồn, ethanol, methanol - những chất có khả năng hút ẩm khiến cho xăng ngậm nước. Khi xăng để lâu sẽ làm nước tách ra ở đáy bình xăng, ăn mòn đáy bình xăng khiến cho phao xăng chìm xuống, xăng sẽ chảy ra ở phần thải của carburetor. |
Mở đường dây nóng quản lý chất lượng xăng dầu, gas Quảng Trị (TP) - Ngày 5-5, Sở KH&CN Quảng Trị cho biết, đường dây nóng về quản lý đo lường và chất lượng xăng dầu, gas trên địa bàn tỉnh đã được mở. Người dân có thể phản ánh trực tiếp thông qua các số điện thoại (0913.485.501; 0913.485.503; 0989.442.180). Sở KH&CN phát hiện, xử lý 15 cơ sở kinh doanh gas, 41 cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm như chất lượng xăng dầu không đảm bảo, thiếu thông tin trên cột đo, kinh doanh gas không đủ trọng lượng... |