Gần 40% cháy xe chưa rõ nguyên nhân

Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng, không thể loại trừ nguyên nhân cháy nổ xe do xăng
Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng, không thể loại trừ nguyên nhân cháy nổ xe do xăng
TP - Thông tin trên được Thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính - Bộ Công an đưa ra tại cuộc họp báo công bố kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ ô tô, xe máy, diễn ra sáng 26-4.

> Kết luận năm nguyên nhân gây cháy nổ xe

115 vụ cháy, nổ chưa rõ lý do

Theo đại tá Nguyễn Văn Tươi, Phó cục trưởng Cảnh sát PCCC và cứu nạn - cứu hộ, thống kê trong 2 năm 2011-2012, toàn quốc xảy ra 324 vụ cháy, nổ phương tiện giao thông, trong đó 276 vụ cháy ôtô và 48 vụ cháy nổ xe máy.

Qua khám nghiệm hiện trường, tổ chức điều tra bước đầu, lực lượng PCCC làm rõ nguyên nhân của 209 vụ cháy nổ ô tô, xe máy (chiếm 64,5%).

Cụ thể, 30,25% số vụ cháy nổ do chập điện; 15,1% số vụ do sự cố kỹ thuật; 9,8% do sơ suất; 4,63% do tai nạn giao thông và 4,32% do đốt. Còn 115 vụ (35,5%) vẫn chưa rõ nguyên nhân, đang được tiếp tục được điều tra.

Cảnh sát PCCC cũng tiến hành rà soát, kiểm tra, nghiên cứu 439 vụ cháy nổ ôtô, xe máy của các hãng có thương hiệu Hyundai, Daewoo, BMW, Mercedes, Ford, Mazda, Toyota, SYM, Honda...trong thời gian từ năm 2010 đến nay và đều xác định có các nguyên nhân nêu trên.

Ngoài ra có một số vụ cháy có hiện tượng bất thường như dừng xe tắt máy, tự nhiên xe nổ và cháy; xe chết máy tháo bugi thì phụt lửa gây cháy; xe đang lưu thông bị chết máy, khi khởi động lại gây cháy…

“Việc kết luận nguyên nhân từng vụ cháy xe gặp nhiều khó khăn do yêu cầu giải phóng hiện trường, cứu chữa làm xáo trộn hiện trường và nhiều vụ cháy rụi xe, khiến kết quả điều tra chưa cao. Nhiều khi điều tra nguyên nhân các vụ cháy xe còn khó hơn điều tra các vụ trọng án” – ông Trần Anh Dũng phân trần.

Loại trừ nguyên nhân do xăng?

Tại cuộc họp báo, đại tá Nguyễn Văn Tươi thừa nhận, thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra một loạt các vụ cháy, nổ xe khiến dư luận hoang mang và nghi ngờ do xăng kém chất lượng gây ra hiện tượng cháy, nổ xe.

Từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 3.391 lượt trên tổng số 13.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, xử lý 818 vụ vi phạm, trong đó có 43 vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu.

“Nhưng chưa có cơ quan, đơn vị nào công bố kết luận về nguyên nhân cháy xe do xăng dầu trực tiếp gây ra”- đại tá Tươi nói.

Giải thích thêm cho việc loại bỏ nguyên nhân phương tiện cháy, nổ do xăng, ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) cho biết: Nhiên liệu xăng và hỗn hợp nhiên liệu có pha thêm các alcohol (metanol và ethanol) với nồng độ dưới 30% không thể tự bốc cháy, không gây ra cháy ô tô và xe gắn máy, trừ trường hợp đặc biệt có sự rò rỉ nhiên liệu và có sự tiếp xúc với nguồn nhiệt nóng hơn 490oC; hoặc có tia lửa điện tại thời điểm đó (chập mạch hệ thống điện của động cơ hoặc do ma sát sinh ra).

Cũng theo ông Vinh, trong trường hợp xăng có pha hàm lượng ethanol hoặc methanol cao, sẽ gây lão hóa đường ống dẫn nhiên liệu, gioăng cao su, rò rỉ nhiên liệu, dẫn đến khả năng cháy nổ; Xe máy hiện đại sử dụng nhiên liệu không phù hợp, đặc biệt chỉ số RON thấp như xăng A83 gây nóng động cơ hơn bình thường, dẫn đến khả năng nóng chảy một số chi tiết và có thể gây ra chập điện, tạo ra nguồn nhiệt lớn và sẽ gây cháy.

Hay do lắp đặt, đấu nối các thiết bị không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất cũng có thể gây chập cháy...

“Năm 2012 chúng tôi đã lấy được 56 mẫu trên xe cháy và từ nơi mua xăng của những phương tiện bị cháy để tiến hành kiểm tra. Song đến giờ phút này không xác định được nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới cháy, nổ do xăng”- ông Trần Văn Vinh nói.

Vẫn chưa thỏa mãn

Chưa thỏa mãn trước những lý giải của đại điện các cơ quan chức năng, nhiều câu hỏi tiếp tục xoáy vào khả năng gây cháy của xăng dầu bị pha tạp chất, kém chất lượng.

Trong đó, PGS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn giám định dân sự, nguyên lãnh đạo Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, cho rằng: “Không thể loại trừ nguyên nhân gây cháy do xăng”.

“Các chất methanol, etanol (gọi chung là chất alcohol-chất cồn) là những chất làm tăng chỉ số octan của xăng, có lợi cho động cơ vì tăng khả năng đốt cháy của động cơ, song tác dụng phụ của nó là chất oxi hóa mạnh, dễ bay hơi, bốc cháy. Khi các chất này tác động lên kim loại của động cơ như đồng, nhôm…sẽ giải phóng hydro (quá trình này lâu) nhưng đến một thời điểm nhất định sẽ tạo ra hỗn hợp khí cộng với không khí, gây cháy khi có tia lửa điện; trong môi trường kín có thể nổ”- PGS. Hoàng Mạnh Hùng phản biện.

“Cho đến giờ phút này, các cơ quan chức năng của 4 bộ bước đầu xác định có 5 nguyên nhân cháy, nổ. Từ đó, các cơ quan chức năng đã đưa ra các khuyến cáo. Tuy nhiên chúng tôi chưa dừng lại, mà vẫn tiếp tục nghiên cứu, điều tra làm rõ ngoài 5 nguyên nhân trên còn nguyên nhân gì nữa hay không, và sẽ làm đến tận cùng” - Thiếu tướng Trần Anh Dũng nói.

“Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam làm việc với các cơ quan thuộc bộ, ngành khác để xây dựng đề cương, đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu xác định nguyên nhân và giải pháp kỹ thuật phòng, chống cháy, nổ ô tô và xe máy để nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá các kết cấu, vật liệu liên quan đến cháy nổ phương tiện” – ông Đỗ Hữu Đức, Cục Phó cục Đăng kiểm -Bộ GTVT, nói.

Theo Cục Cảnh sát PCCC, từ đầu năm 2012 đến nay cả nước xảy ra 115 vụ cháy ôtô, xe máy, làm bị thương 3 người, thiệt hại tài sản trị giá trên 20 tỷ đồng.

Trong số các vụ cháy nổ này, công an làm rõ được 25 vụ, nguyên nhân đều do chập điện, sơ suất, sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn giao thông, chỉ có một vụ xảy ra do đốt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.