'Nóng ran' ghế Bộ trưởng

'Nóng ran' ghế Bộ trưởng
TP - Cả ngày 24-4, trên danh nghĩa, Bộ trưởng GTVT giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (về thực trạng vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ), nhưng thực chất không khác phiên điều trần các vấn đề liên quan đến giao thông.

>Dân đồng thuận mới thu tiền
>Tiêu điểm: Chất lượng công trình giao thông

Điều này rõ ràng tốt cho người dân trong việc giám sát công việc của bộ chức năng, cũng như giúp người đứng đầu lĩnh vực hiểu nguyện vọng chính đáng của người dân.

Ghế Bộ trưởng GTVT trước đến nay chưa bao giờ nguội. Những dấu ấn khó phai qua vài đời Bộ trưởng GTVT gần đây, ít ai quên. Nói về sự cố giao thông, gắn với đời Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình là vụ đổ tàu hỏa E1 năm 2005, đời Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng là sập cầu Cần Thơ.

Ngoài ra, nhiệm kỳ ông Bình còn có vụ PMU18 đầy tai tiếng, nhưng dấu ấn tốt của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng là biến một quy định thành thói quen: Người dân đi xe máy trên đường phải đội mũ bảo hiểm. Thật khập khiễng khi so sánh với các đời Bộ trưởng GTVT trước đó, nhưng hồi đó chưa xuất hiện cụm từ ghế nóng dù chiến tranh cầu, phà, đường luôn cần đảm bảo thông huyết mạch. Sau này, tái thiết đất nước, việc xây những con đường, làm những cây cầu quan trọng biết bao. Với tầm đó, không biết, có phải cần sự quyết đoán cao nên Bộ GTVT thời kỳ đầu nhiều tướng quân đội sang cầm chịch: Tướng Phan Trọng Tuệ, tướng Đinh Đức Thiện, tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Như tướng Nguyên, sự quyết đoán nghe kể lại, lúc khẩn cấp có đận ông đội mũ cối đứng giữa cảng Sài Gòn yêu cầu dỡ hết hàng của một con tàu chuẩn bị nhổ neo để lấy tàu chở gạo ra miền Bắc. Chưa hết, thời Quốc lộ 5 chuẩn bị mở rộng, Bộ trưởng GTVT Đồng Sỹ Nguyên lệnh các địa phương 2 bên đường phải thực hiện đúng thời hạn phải giải phóng mặt bằng, không cần viện lý do và công việc nhanh chóng kỳ lạ...

Vị bộ trưởng kế nhiệm tướng (bộ trưởng) Nguyên là ông Bùi Danh Lưu, nghe nói lúc chỉ thị xây cầu Chương Dương còn bị dư luận xôn xao xây lắm cầu bắc qua sông Hồng (trong khi đã có cầu Thăng Long, Long Biên). Chắc chắn ghế bộ trưởng lúc đó cũng nóng ran.

Giờ đang là đời Bộ trưởng Đinh La Thăng. Công cuộc phát triển đất nước, GTVT quan trọng hàng đầu. Bộ trưởng Thăng ngay từ những ngày mới nhậm chức đã mong muốn trở thành tư lệnh ngành có toàn quyền quyết định. Nhưng giao thông không chỉ có tiến độ, chất lượng công trình, an toàn giao thông... vấn đề tiền đâu có khi lại mang tính quyết định.

Vẫn biết, Bộ trưởng Thăng sốt ruột với việc mở rộng quốc lộ 1 thành nhiều làn xe phục vụ lưu thông, hạn chế phương tiện cá nhân giảm ùn tắc giao thông, tiền đầu tư cho hạ tầng lấy đâu khi ngân sách nhà nước eo hẹp (nên mới đề xuất thu một số phí)... Đây chắc chắn là dụng ý tốt, nhưng cần lộ trình khoa học.

Điều này, trong phiên giải trình chiều 24-4, Bộ trưởng Thăng đã nói: Chỉ khi nào người dân đồng thuận. Người dân rõ ràng ủng hộ một bộ trưởng có tâm huyết, nhưng bộ trưởng cần cầu thị, biết lắng nghe dân và không nản lòng trước góp ý của dân. Người dân sợ nhất, cả nhiệm kỳ, một bộ trưởng không để lại dấu ấn gì, đương nhiên dấu ấn đó phải là dấu ấn hướng đến cái tích cực, tiến bộ.

Bộ trưởng Thăng có để lại dấu ấn của mình trong những ngày ngồi ghế nóng? Chờ xem!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG