Bà Đặng Thị Hoàng Yến nói gì?

Bà Đặng Thị Hoàng Yến nói gì?
TP - Bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, đã có đơn gửi Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và “nếu bị bãi nhiệm, sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp trên”.

>Tại sao?
>Nhân dân không chấp nhận đại biểu thiếu trung thực
>Bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến

Bà Đặng Thị Hoàng Yến (thứ hai từ trái sang) đối thoại với báo chí sáng 21-4
Bà Đặng Thị Hoàng Yến (thứ hai từ trái sang) đối thoại với báo chí sáng 21-4. Ảnh: Hữu Vinh

Ngày 21-4, bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo (ITA), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII đã có cuộc gặp báo chí xung quanh những chuyện lùm xùm về tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH). 

Cuộc gặp diễn ra tại tại Đại học Tân Tạo (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Mở đầu câu chuyện, bà Yến nói, ở Quốc hội có nhiều đại biểu đã ly hôn chứ không phải một mình bà. Cũng có rất nhiều người không khai về tình trạng ly hôn.

Tất nhiên cử tri rất muốn biết về người mà họ bầu. Đó là điều chính đáng. Đây là bài học quý giá, để những lần sau không gặp những tai nạn đáng tiếc như thế.

Trong lý lịch cá nhân bà có khai đầy đủ không?

Thông lệ thế giới cũng như ở Việt Nam, người ta cũng không khai về người đã ly hôn, vì không còn liên quan gì nữa.

Ông Jimmy Trần chồng bà ở Mỹ và tòa án tại nơi này không công nhận bản án ly hôn ở Long An. Vì sao bà đưa đơn ly hôn ra tòa tỉnh Long An, trong khi bà không đăng ký cư trú tại đây?

Dù tôi là ĐBQH thì tôi cũng như bao nhiêu người bình thường khác. Tôi có nộp đơn ly hôn ở nơi làm việc, ở quận Bình Tân (TPHCM), nhưng họ hướng dẫn tôi nộp đơn nơi cư trú. Nhưng có người hướng dẫn, ông Jimmy Trần có khả năng bị giữ ở Đức Hòa (Long An) nên tôi và ông ấy nộp đơn ở đây (!?)

Toàn bộ hồ sơ ông ấy cung cấp cho tòa án. Nhưng sau đó, ông ấy bị cơ quan an ninh Bộ Công an điều tra và khi ông ấy về Mỹ, rồi có lệnh truy nã của Bộ Công an nên không về Việt Nam nữa.

Ông ấy đã nộp đơn ly hôn ở Mỹ. Tòa huyện Đức Hòa cho biết, ông Jimmy Trần về Mỹ cho nên tòa không thụ lý nữa mà chuyển lên tòa tỉnh. Tôi tin rằng, việc nộp hồ sơ của tôi là hoàn toàn hợp lý. Tòa án tỉnh đã thụ lý, không thể nói họ sai luật.

Nguy cơ bà bị bãi miễn là lớn, nó gây hậu quả không chỉ cho bà, mà còn cho cử tri. Theo bà trình bày thì lỗi không ở bà, là ở đâu?

Để có một sự thật được mọi người thấu hiểu, với thông tin một chiều gần một năm trời, trước sức ép như vậy, bản thân tôi cảm thấy một điều đáng tiếc, vì tôi mà bao nhiêu cơ quan, bao lãnh đạo từ cấp cao đến đại biểu bình thường bị chất vấn. Đó là hậu quả của việc đăng tải thông tin không tính xác, bôi nhọ.

Đất nước đang đi vào hội nhập… tôi là một trong ba thành viên được Chính phủ cử đi tham gia vào Hội đồng tư vấn của Asean. Tôi cũng viết đơn trình bày trên một tờ báo điện tử, tôi sống trong cộng đồng tổ chức thì phải chấp nhận. Tôi muốn làm rõ ba vấn đề:

Một là, nếu trong Quốc hội khóa 13, không chỉ mình tôi mà nhiều trường hợp khác, có người đảng viên, có người không đảng viên nhưng khai giống tôi, thì sao? Việc khai theo biểu mẫu không đáp ứng yêu cầu hay sao?

Hai là, việc ly hôn, những đại biểu có hoàn cảnh giống tôi có ai khai không?

Ba là, tháng 11-2011, tôi có đơn gửi Ban Công tác đại biểu rằng, lý lịch của tôi có dấu hiệu bị tẩy xóa nhưng không có ai trả lời. Tôi không nói là tôi đúng hay sai, chỉ trình bày vấn đề của cá nhân tôi.

Vậy lý lịch của bà đã bị tẩy xóa như thế nào?

Tẩy xóa về phần hôn nhân của tôi. Tôi khai là không có chồng, vì thời gian đó tôi ly hôn rồi. Không hiểu vì sao đoạn này bị tẩy xóa đi, khai vào đó thông tin về người chồng đã mất. Nếu tôi có khai thì cũng không sai. Vấn đề là tại sao có người tẩy xóa lem nhem, rồi thêm vào đó. Báo chí kết án tôi là khai bản lý lịch lem nhem, không trách nhiệm. Đến nay tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Bà Yến tại buổi đối thoại
Bà Yến tại buổi đối thoại.

Thực tế đến giờ này, giữa bà và ông Jimmy Trần vẫn chưa ly hôn. Bản án ly hôn trước đó do tòa tỉnh Long An ra quyết định đã bị sai lệch và thẩm phán thụ lý đã phải chịu kỷ luật. Nhưng bà đã không khai về ông Jimmy Trần, và đặc biệt là ông ấy bị Bộ Công an truy nã?

Khi nộp đơn ly hôn cho tòa thì đã được hiểu là ly hôn và ở nước ngoài người ta đã được phép tìm hiểu đối tượng khác.

Theo bà vụ việc này thì “thủ phạm” là báo chí?

Đối với con người thì sự nghiệp chính trị là quan trọng lắm. Ngồi đây chúng ta võ đoán là điều không nên. Cái nên là chúng ta cùng nhau kiến nghị làm rõ, người nào sai, người nào đúng.

Báo chí đăng tin không được quy chụp, một chiều những vấn đề được xem là cá nhân, riêng tư, dù các anh có đúng, hay nói sai. Đến bây giờ, điều tôi mong muốn, là không đăng nữa vấn đề liên quan đến tôi.

Được biết trước ngày bầu cử, nhân dịp 8-3, bà đã đến bốn đơn vị nơi bà ứng cử tặng quà chị em là một xấp vải gấm kèm theo phong bì hai triệu đồng/người. Dư luận cho rằng bà “mua phiếu”?

Việc làm từ thiện ở tập đoàn Tân Tạo cũng như cá nhân tôi xuất phát từ lâu chứ không đợi đến sự kiện bầu cử.

Bà giải thích sao khi trong giai đoạn đang ở Mỹ mà bà được tặng các bằng khen của Chính phủ và khen thưởng các thành tích khác?

Dù tôi đang ở Mỹ nhưng mọi công việc điều hành tập đoàn đều do tôi chỉ đạo trực tiếp qua email. Và trong mẫu khai lý lịch, tôi có nói rõ phần khen thưởng nào là của tập đoàn do tôi chỉ đạo điều hành và phần nào là cá nhân…

Còn việc bà khai có giai đoạn từ tháng 1-1992 đến 10-1993 là Giám đốc Ban đầu tư - Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển TPHCM?

Do thời gian xảy ra quá lâu nên không nhớ chính xác… (Thực tế theo quyết định điều động cán bộ của UBND quận 5, ngày 1-4-1992, bà Yến mới được điều từ Văn phòng UBND quận 5 đến Phòng tổ chức chính quyền quận thời gian 3 tháng, đến tháng 30-6), để tạo điều kiện cho đi học và vẫn còn thuộc quận 5 - PV).

Có ý kiến cho rằng bà nên tự rút lui khỏi Quốc hội. Quan điểm của bà là gì?

Tôi đã làm đơn gửi cho Ban công tác đại biểu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đơn tôi có nói sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức.

Hữu Vinh lược ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.