Khó chặn mũ dởm ăn theo mũ thật

Khó chặn mũ dởm ăn theo mũ thật
TP - Chưa có chế tài việc mua bán, đội mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng thì việc Đà Nẵng đổi - bán MBH xịn, giá rẻ cho người dùng mũ dởm chỉ là giải quyết phần ngọn, một chuyên gia nhận định.

>Hỗn loạn vì 'mũ bảo hiểm chất lượng'
>Ngưng bán mũ bảo hiểm giá rẻ vì chen lấn hỗn loạn

Tự giác hay hám lợi?

Ngày 10-4, việc bán MBH giá 50 ngàn đồng/chiếc của TP Đà Nẵng phải ngưng chỉ sau vài tiếng, trước cảnh hàng nghìn người dân Đà Nẵng và Quảng Nam tranh mua. Cùng ngày, máy kiểm định chất lượng MBH còn thiếu giấy chứng nhận hoạt động nên việc kiểm tra mũ chưa thể thực hiện.

Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an Đà Nẵng) phụ trách đảm bảo giao thông, trật tự ngày bán MBH, nói: “Vất vả lắm, anh em mới hạn chế được tình trạng hỗn loạn. Không có người thương vong, nhưng nếu tình trạng còn tái diễn chắc sẽ khó lường trước hậu quả”. Một cán bộ CSGT nói: “Ban đầu, tôi cứ nghĩ người dân tự giác đến đổi mua MBH chất lượng. Nhưng chắc có người hám lợi, thấy rẻ lên mới kéo nhau, xô đẩy như thế. Nhiều người còn cầm đến vài ba mũ đi đổi. Nếu có biện pháp xử lý phạt người đội MBH dỏm thay vì bán giá rẻ như hiện nay chắc chẳng ai dám đến đông như thế”.

Ngày 10-4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký thông báo khẩn tới cơ quan chức năng, người dân về việc chưa có chủ trương bán MBH rộng rãi. Trên một số tuyến đường có trạm kiểm tra MBH, chỉ những người nào được CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra mới được kiểm định. Mũ bảo hiểm của công dân Đà Nẵng chưa đạt chuẩn sẽ được đổi mua 1 mũ mới. Đà Nẵng cũng nghiêm cấm việc mua bán MBH có logo Đà Nẵng trên thị trường.

Có khả thi?

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn Giao thông TP Đà Nẵng, cho hay: trước mắt đơn vị phải ngừng bán sau khi đổi mua được gần 500 MBH cho dân; sẽ kiến nghị thành phố thay đổi phương thức bán. Có thể đưa về các phường để kiểm tra, bán trực tiếp cho dân. Tuy nhiên, theo cách này, thành phố phải có vài trăm ngàn MBH mới có thể đáp ứng được, chưa kể người ngoại tỉnh hưởng ứng đổi MBH. Theo đó, ngân sách thành phố phải bù cho loại MBH này là khá lớn (mỗi mũ bù gần 40.000 đồng theo giá Cty Chí Thành bán lại cho thành phố - 88.000 đồng/1 mũ, trong khi giá Cty bán ra thị trường 120.000 đồng/mũ - PV). Theo Văn phòng Ban ATGT, trong vòng 2 năm (trong khi đợi nhà máy sản xuất MBH của thành phố xây dựng xong), thành phố sẽ mua 10.000 MBH để bán lại giá rẻ cho dân. Nếu không có biện pháp, kiểm tra xác định đúng người, đúng đối tượng có nhu cầu thực sự, giải pháp này sẽ khó đạt hiệu quả cao.

Một chuyên gia kiến nghị: Thay vì bán giá rẻ, thành phố nên bán đúng giá. Người ta vì rẻ mới chờ mình kiểm định để đổi mũ. Nếu có các chế tài, xử lý nghiêm họ sẽ tự giác tìm mua MBH chất lượng, không nhất thiết phải loại mũ do thành phố bán. Chưa có một thống kê cụ thể, nhưng theo các nhà quản lý, việc người dân không đội MBH chất lượng chưa hẳn vì thiếu tiền, phần lớn do thói quen thời trang, ý thức tự giác chưa cao. Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng, nói: cái khó là chưa có quy định xử phạt hành chính đội MBH dởm; thành phố nên đưa máy kiểm định đến các cơ sở kinh doanh MBH trên địa bàn. Cái nào giả, nhái, kém chất lượng ngành chức năng vừa tịch thu, dễ xử lý hành chính lại ngăn chặn được từ gốc. “Nếu xin được cơ chế xử lý riêng, chúng tôi sẽ kiến nghị có hình thức phạt bổ sung những người đội MBH dỏm tham gia giao thông. Chắc chắn tình hình sẽ giảm, thay vì chỉ kiểm tra, đổi mua MBH giá rẻ hiện nay”, Đại tá Đến nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Đội trưởng đội 1, Chi cục QLTT Đà Nẵng, từ khi thành phố có chủ trương bán MBH, nhiều cửa hàng kinh doanh MBH có tâm lý ăn theo. Họ treo băng rôn, logo của Đà Nẵng, Ban ATGT thành phố để bán hàng. Thậm chí, qua kiểm tra, một cơ sở bán MBH trên đường Núi Thành còn cho rằng, số hàng này được nhập từ Cty Chí Thành chuyên sản xuất MBH cho thành phố. Theo Chi cục QLTT Đà Nẵng, nếu không có biện pháp kiểm tra, xác minh đúng người, đúng đối tượng việc đổi mua MBH như hiện nay dễ bị các đối tượng lợi dụng lấy mũ cũ, đổi MBH chất lượng, giá rẻ của thành phố và tuồn ngược ra thị trường giá cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.