Hà Nội, TPHCM:
Rung chấn, hàng ngàn người hốt hoảng
> Bờ biển Việt Nam an toàn trước cảnh báo sóng thần
Dư chấn của trận động đất 8,6 độ Richter xảy ra ngoài khơi Indonesia lúc 16 giờ 10 chiều 11-4 làm nhiều người đang sinh sống, làm việc trong các cao ốc ở nội ô TPHCM hoảng hốt rời khỏi tòa nhà vì cảm nhận rất rõ sự rung lắc.
16 giờ 30, hàng chục nhân viên đang làm việc tại cao ốc Flemington Tower (25 tầng số 184 Lê Đại Hành, phường 15, quận 11) vẫn chưa dám quay vào bên trong. Chị Loan làm việc tại tầng 12 kể: Đang sử dụng máy tính, tôi thấy chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đồ đạc trong phòng chao đảo. Tưởng bị trúng gió, hoa mắt, ai ngờ vài giây sau nhiều người thất thanh báo tin có động đất. Mọi người túa ra hành lang tìm lối thoát xuống đất càng nhanh càng tốt”.
Lúc mới xảy ra, cả ngàn người hoảng hốt đổ ra đường, gây kẹt xe trên đường Lê Đại Hành. Anh Hùng làm việc ở tầng 18 nói rằng cảm nhận rất rõ sự rung lắc của tòa nhà trong khoảng một phút. Các ly nước trên kệ va vào nhau lanh canh, nước sánh đổ ra bàn. Đồ đạc trên nóc tủ xê dịch...
Tại tòa tháp Bitexco Financial Tower cao nhất TPHCM (68 tầng, số 45 Ngô Đức Kế, quận 1), một số nhân viên làm việc ở tầng 41 cho biết, tòa nhà bị rung lắc rất mạnh. Bàn ghế, đồ đạc trong phòng dịch chuyển nên mọi người rời khỏi tòa nhà.
Nhiều người đang làm việc, sinh sống bên trong các cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng thuộc các quận 1, 3, 4, 7, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh… cho biết cảm nhận rõ sự rung lắc của tòa nhà. Mỗi nơi cảm nhận mỗi khác. Khu vực quận 1, 3, 4, 7 cảm nhận dư chấn chỉ xảy ra một đợt, kéo dài khoảng một phút, trong khi nhiều nhân chứng ở các quận 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh cảm thấy rung lắc 2, thậm chí 3 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 10 đến 30 giây. Càng ở trên cao, càng cảm nhận rõ dư chấn.
Chị Thanh, làm tại tầng 17 tòa nhà Centec Tower (23 tầng, số 72 -74 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), cho biết tòa nhà rung lắc khoảng 20-30 giây. Sàn nhà rung rinh, quay cuồng. Chồng hồ sơ trên bàn rơi xuống đất tung tóe. Nhiều người hoảng hốt chạy xuống sảnh ở tầng trệt. Có người sợ đến mức chạy khỏi tòa nhà, đến khi ban quản lý tòa nhà thông báo an toàn trên loa vẫn chưa dám quay vào.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhiều nhân viên làm việc trong các tòa nhà Vạn Thịnh Phát (số 8 Nguyễn Huệ, quận 1), tòa nhà số 81-85 Hàm Nghi, quận 1, cao ốc Gilimex (13 tầng, số 24C Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh)… đã rời khỏi tòa nhà sau khi cảm nhận dư chấn động đất. Nhiều người gọi điện báo tin có động đất và yêu cầu người thân rời khỏi nhà để phòng bất trắc.
Một số người sống, làm việc ở một số tòa nhà cao tầng tại Hà Nội cho biết, cũng cảm nhận được rung lắc nhẹ vào chiều qua.
Anh Nguyễn Thành làm việc tại tòa nhà 156 Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) nói, khoảng 16 h 10 phút, anh đang làm việc tại tầng chín, bỗng thấy choáng váng, mọi thứ nghiêng ngả. Anh Thành lao ra cầu thang thì thấy khá nhiều người chạy thang bộ, lúc đó mới biết có động đất.
Chị Phạm Thùy Giang, làm việc tại tòa nhà này nói, đang ngồi soạn thảo hợp đồng, thấy màn hình máy tính và mọi thứ trên bàn rung lên, liền chạy ra ngoài, vội chạy xuống thang bộ. Theo quan sát của phóng viên tại tòa nhà 156 Xã Đàn, hàng chục người bỏ bàn làm việc thoát ra khỏi tòa nhà vì sợ.
Hầu như không ảnh hưởng
Trừ cảm nhận rung lắc nhẹ ở một số khu vực phía nam, Việt Nam (VN) hầu như không chịu ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh ở Indonesia chiều qua, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, nói.
Theo ông Phương, các trạm quan trắc trên lãnh thổ VN ghi nhận trận động đất xảy ra tại vùng biển ngoài khơi Indonesia phía bắc đảo Sumatra ở độ sâu 33km lúc 15h38 chiều qua. “Do tâm chấn của trận động đất cách xa vài nghìn cây số nên VN hầu như không chịu ảnh hưởng gì”, ông Phương nói.
Ảnh chụp tại tòa nhà 156 Xã Đàn, Đống Đa (Hà Nội) Ảnh: Minh Đức. |
Những rung động xảy ra tại TPHCM được TS Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu, cho biết ở khoảng cấp độ ba. Tại Hà Nội, rung chấn đo được nhỏ hơn rất nhiều, mức độ cảm nhận không rõ, trừ một số khu vực nền đất yếu. Các rung động đó là do sự lan truyền rung chấn của trận động đất. TS Phương nhận định, dư chấn xảy ra theo quy luật giảm dần và chỉ xảy ra ở khu vực gần tâm chấn nên VN sẽ an toàn.
Theo TS Minh, nếu trận động đất trên có xảy ra sóng thần thực sự thì cũng không ảnh hưởng đến VN do sóng thần từ nơi xảy ra động đất sẽ lan truyền đến khu vực Ấn Độ Dương.