Bão có thể đổ bộ từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu

Bão có thể đổ bộ từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu
TP - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, đến 16 giờ hôm qua, tâm bão số 1 cách đảo Phú Quý khoảng 200 km về phía đông đông nam, với sức gió vùng bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

> Ứng phó bão bất thường

Bão có thể đổ bộ từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1

Theo dự báo, bão số 1 tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, với tốc độ 5-10 km/h. Đến 16 giờ hôm nay (31-3), tâm bão cách bờ biển Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 150 km về phía đông đông nam.

Đến chiều ngày mai 1-4, bão nằm trên khu vực các tỉnh Bình Thuận – Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió đã giảm dần, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 62 đến 74 km/h), giật cấp 9, cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, từ hôm nay, các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Đồng Nai và khu vực nam Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, dự kiến kéo dài 2-3 ngày.

Từ hôm nay, các sông từ Phú Yên đến Bình Thuận, Đồng Nai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng có khả năng xuất hiện lũ.

Mức nước trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2; các sông ở Phú Yên, Đồng Nai và khu vực Nam Tây Nguyên lên mức BĐ1, có nơi trên BĐ1. Các tỉnh trên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

Ngoài ra, một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta, ảnh hưởng các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.

Đợt không khí lạnh cũng gây mưa, có nơi có dông ở các tỉnh Trung Trung bộ trở ra; gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6 - 7.

Ở vịnh Bắc bộ và vùng biển ngoài khơi Trung bộ có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.

Cứu 14 ngư dân chìm tàu ở Trường Sa

Từ đảo Song Tử Tây, ông Huỳnh Công Chánh (SN 1969, trú xóm Cồn, phường Xương Huân, Nha Trang) điện thoại báo cho Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa biết, lúc 5 giờ 25 ngày 30-3, ông Chánh và 13 thuyền viên trên tàu cá KH 95977 TS do ông làm thuyền trưởng đã được đưa vào đảo Song Tử Tây an toàn, sau khi tàu này bị chìm tại vùng biển Đông Nam quần đảo Trường Sa.

Tàu cá KH 95977 TS rời cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, Nha Trang) lúc 13 giờ ngày 9-3, bị chìm lúc 3 giờ sáng 28-3 khi đang hành nghề lặn ở tọa độ 90 Bắc, 114o48’ Đông.

Ông Chánh và 13 thuyền viên, đều là người Nha Trang và xã Xuân Tự (Vạn Ninh, Khánh Hòa) xuống hai chiếc xuồng và phát tín hiệu cấp cứu.

Tàu cá QNg 96527 TS do ông Dương Văn Thọ (SN 1969, trú xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã cứu 14 người, đưa vào đảo Song Tử Tây an toàn. Tuy nhiên, tàu KH 95977 TS bị chìm mất hết tài sản, khó có khả năng trục vớt.

Đến chiều 30-3, có 266 tàu thuyền đánh cá của ngư dân Khánh Hòa, với 4.445 ngư dân hoạt động trong khu vực Trường Sa và vùng biển các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa cho biết.

Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đã liên lạc được với tất cả các tàu thuyền này, thông báo tin tức về cơn bão số 1 và hướng dẫn họ di chuyển tới các khu vực an toàn.

Sẵn sàng sơ tán dân xã đảo Thạnh An

Chiều 30-3, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành và các quận-huyện triển khai phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão số 1 (Pakhar) vào đất liền, có khả năng đổ bộ hoặc ảnh hưởng đến TPHCM.

Riêng huyện Cần Giờ phải đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thủy sản; thông báo kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn; sẵn sàng di dời trên 1000 hộ dân dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến nơi an toàn.

Từ lúc 0 giờ, ngày 31-3, TPHCM sẽ cấm biển và cương quyết không cho tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn của tàu thuyền trước diễn biến của bão số 1.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG