> Đường Hà Nội tắc vẫn hoàn tắc
Hà Nội đang nỗ lực giải "bài toán" giao thông. |
Xây nhà phải có điểm đỗ xe
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, sau một thời gian thực hiện nhiều giải pháp, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, tai nạn giao thông giảm ở ba tiêu chí nhưng vẫn còn ở mức cao. Thực trạng cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề quy hoạch còn nhiều yếu kém, bất cập. Tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai một só dự án giao thông trọng điểm còn chậm.
Bên cạnh đó, năng lực một số chủ đầu tư và nhà thầu yếu. Hệ thống đèn tín hiệu, biển báo chỉ dẫn, sơn kẻ, gờ giảm tốc… đảm bảo an toàn giao thông ở một số khu vực, tuyến đường còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều cơ chế, chính sách chưa kịp sửa đổi, chưa có cơ chế chính sách đủ hấp dẫn nhằm khuyến khích nhà đầu tư xây dựng điểm bãi đỗ xe.
Tình trạng dân số cơ học, phương tiện cá nhân vẫn tăng chóng mặt. Sự phối hợp trong xử lý vi phạm chưa đồng bộ, kịp thời, cơ quan đơn vị chưa xử lý người vi phạm trật tự giao thông khi lực lượng chức năng có thông báo đến cơ quan, đơn vị… - Ông Khôi nói.
Ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, mặc dù các giải pháp còn một số bất cập, nhưng nhìn chung nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Theo ông Viện, việc triển khai cấm trông giữ xe ở 262 tuyến phố là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, khi thực hiện đã gây không ít khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân, vì nhu cầu điểm đỗ là có thật.
“Khi chúng ta chưa tìm được điểm đỗ thay thế không nên quá cứng nhắc cấm trông giữ xe ở các tuyến phố này, đặc biệt đối với những tuyến phố có mật độ người dân buộc phải gửi xe đông như phố Đồng Xuân, Gầm Cầu. Tôi kiến nghị thành phố, khi cấp phép cho các nhà cao tầng trong nội thành, phải tính toán điểm giao thông tĩnh đảm bảo tính công năng cho cả tòa nhà. Tránh tình trạng nhà xây xong không có điểm đỗ xe” - Ông Viện đề nghị.
Theo ông Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, ùn tắc giao thông được xác định là một trong những vân đề lớn, nóng bỏng, thì phải tập trung hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để tạo sự chuyển biến.
“Thành phố đã có một loạt giải pháp như điều chỉnh giờ, phân làn, dẹp các điểm trông giữ... Cần tập trung một số khâu trọng tâm, trọng điểm, cùng xây dựng hạ tầng khung kỹ thuật, một số biện pháp điều chỉnh".
"Tôi thấy có những việc cần phải làm ngay mà không cần phải quá nhiều tiền, đó là ý thức của người dân. Các phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo, hạ tầng chưa đảm bảo, ý thức của người dân phải làm trước” - Ông Lợi nói
Tư duy xứng tầm
Một số đại biểu cũng chỉ ra những hành động thiếu quyết liệt trong thời gian qua, dẫn đến bùng phát phương tiện cá nhân như việc không hạn chế việc gia tăng xe máy, xe ôtô.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị, thành phố cần có lộ trình hạn chế sự gia tăng phương tiện xe cá nhân, trong đó, đề ra việc mỗi chủ phương tiện phải cam kết có chỗ để xe. Ngoài ra, phải thay đổi cơ chế thu phí trông giữ xe để thu hút các nhà đầu tư.
“Chính quyền đã đề ra giải pháp gì thì phải quyết tâm làm. Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố cần nghiêm túc với những tồn tại, thiếu sót. Bởi các biện pháp giảm ùn tắc giao thông chưa giải quyết căn bản, mới giảm nhưng chưa triệt để...
Chẳng hạn, quy hoạch về bãi đỗ xe tĩnh, nếu dư luận ủng hộ thì không đến nỗi như bây giờ. Có thời hạn chế đăng ký xe máy thì người dân lại phản ứng. Chúng ta không quyết tâm được nhưng như thanh phố Bắc Kinh họ đã cấm triệt để xe máy. Đây là do không đồng bộ về nhận thức và quyết tâm không được cao khi mức độ động chạm đến người dân rộng lớn" - Ông Phạm Quang Nghị phân tích.
Còn Phó chủ tịch HĐND Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, Nghị quyết 34 của HĐND từ năm 2003 đã đưa ra tám nhóm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, song không được quan tâm nghiêm túc.
“HĐND có đề cập quy hoạch 34 điểm giao thông tĩnh song thực tế không được triển khai hoặc đã biến thành nhà ở. Ngoài ra, thành phố đã có văn bản yêu cầu di dời các nhà máy thì phải dành đất cho giao thông tĩnh hoặc công trình công cộng, song đa số diện tích đất lại thành dự án nhà ở...
Chúng ta cần nhìn lại, từng có tư duy định hướng đúng song không được thực hiện. Đây có trách nhiệm của Thành ủy, UBND, HĐND trong giám sát thực hiện.
Vấn đề ở đây là trách nhiệm, phải quyết liệt thực hiện sau 10 năm. Muốn thực hiện được phải có tư duy xứng tầm và lúc này không thể lùi được nữa mà phải quyết tâm thực hiện” - Ông Hoạt nói.
Trước những ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông như tăng cường hạ tầng giao thông bằng cách xén hè, đường, thêm cầu vượt kết cấu nhẹ, xây cầu, hầm cho người đi bộ, khai thông các tuyến vành đai... Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh tổ chức giao thông như phân làn, đổi giờ, hạn chế phương tiện cá nhân giờ cao điểm, kiểm soát taxi, sắp xếp điểm đỗ xe. Đặc biệt, các lực lượng sẽ tăng cường kiểm tra và xử phạt để lập lại trật tự hè phố trong khu trung tâm, giải tỏa chợ cóc, hàng rong. “Về lâu dài, thành phố sẽ có lộ trình giảm xe cá nhân, di dời cơ sở sản xuất ra ngoài và hạn chế nhập cư...” - Ông Thảo nhấn mạnh. |