Sống ở tòa nhà cao nhất Việt Nam

Sống ở tòa nhà cao nhất Việt Nam

Sống trong những căn hộ hàng tỷ đồng, người dân Keangnam mang những nỗi lo Ảnh: Xuân Phú
Sống trong những căn hộ hàng tỷ đồng, người dân Keangnam mang những nỗi lo Ảnh: Xuân Phú
TP - Trong khi nhiều người ước ao được sở hữu một căn hộ thì có những cư dân sống trong căn hộ hàng tỷ đồng ở khu chung cư Keangnam cao nhất Việt Nam, đang cố nhoai ra khỏi những bức tường kính lạnh lùng, ngăn cách với nhiều nỗi niềm.

> Không bầu được Ban quản trị Keangnam vì thiếu minh bạch

Ở chung cư “5 sao” có sướng?

Dù đã được ông tổ trưởng tổ dân phố dặn trước với nhân viên lễ tân, nhưng chúng tôi vẫn phải trải qua một quy trình kiểm tra về an ninh đối với khách bên ngoài đến.

Đầu tiên, cô nhân viên lễ tân gọi điện lên chủ nhà để xác nhận việc khách đến thăm, sau khi được chủ nhà đồng ý, các nhân viên bảo vệ dẫn khách đi qua hệ thống cửa kính được mã hóa bằng những chiếc thẻ từ để vào cầu thang máy.

Căn hộ của gia đình ông Trần Xuân Trạch- Tổ trưởng tổ dân phố nằm ở tầng 16 thuộc tòa tháp cao 48 tầng. Ông Trạch cho biết, trước đây gia đình ông sinh sống ở một căn biệt thự ở khu Mỹ Đình, nhưng rồi con cháu muốn mua nhà chung cư cho bố mẹ ở trên tầng cao cho thoải mái.

“Tôi là một trong những hộ dân về sinh sống đầu tiên ở khu chung cư này. Một năm sống ở đây, ngoài việc lùm xùm về phí dịch vụ thì còn lại về điều kiện sống, chất lượng của khu chung cư cao cấp hiện đại không có gì phải phàn nàn nhiều. Tôi thấy ở đây sạch sẽ, an ninh tốt hơn, không khí thoáng đãng hơn và cảm giác rất thích khi được nhìn từ trên cao”- Ông Trạch cho biết.

“Cuộc sống ở căn hộ cao tầng và ở nhà riêng khác hẳn nhau. Những ngày thời tiết như vừa qua thì buổi sáng dậy nhìn ra ngoài chả thấy gì vì trời mịt mù, âm u mà chỉ thấy nước đọng ở tường kính quanh nhà. Vào mùa đông thì ấm, thời tiết nồm quần áo vẫn nhanh khô”-Vợ ông tổ trưởng tâm sự.

Còn bà Thảo sống với gia đình cậu con trai ở tầng 38 kể lại những cảm giác, nỗi sợ khi chưa quen sống ở nhà cao tầng.

“Họ bảo loại kính bao quanh nhà là kính cường lực rất chắc chắn, có dùng búa tạ đập nhiều lần cũng không vỡ. Nhưng tôi vẫn cảm giác sợ vì nó cứ trong suốt, trống không nên ở trong nhà nhưng không bao giờ dám nhìn từ trên cao xuống, còn giường ngủ và đồ đạc trong nhà thì không dám kê gần vách kính. Ngay cả việc di chuyển từ tầng thấp lên tầng cao bằng thang máy cũng thấy lo lo vì càng lên cao cảm thấy như mất cân bằng”-Bà Thảo tâm sự.

Và những nỗi sợ không tên

Trong số 922 căn hộ của 2 tòa tháp (cao 48 tầng), hiện có khoảng trên 500 căn hộ đã có người đến ở. Những người mua căn hộ ở đây thuộc tầng lớp “đại gia”, đa phần là những doanh nhân.

“Chuyển về đây 6 tháng rồi, nhưng đến nay tôi vẫn chưa rõ tầng nhà mình có những ai. Vì khi mình chưa dậy thì họ đã đi làm, còn khi mình về thì đã thấy cửa đóng im ỉm. Thành ra, lâu dần mỗi gia đình giống như một lô cốt khép kín, mọi người ít khi giao du, chia sẻ với những hộ kế bên”-Ông Tuấn sống ở tòa tháp A cho biết.

Theo ông Tuấn, khi sống ở căn hộ trên cao, bên cạnh việc mất đi cảm giác về mặt đất và thiên nhiên, nhiều khi con người còn cảm thấy tách biệt, vì hầu như không có hàng xóm, thậm chí lo lắng, sợ sệt vì những duyên cớ rất vu vơ.

“Sống trong căn hộ chung cư cao cấp khép kín, đôi khi những người có tuổi như chúng tôi lại không phù hợp. Hằng ngày, cứ nhốt mình trong nhà không đi ra ngoài, có lúc phát sợ khi thấy một người lạ đi trong hành lang vắng vẻ, dài hun hút”-Ông Tuấn tâm sự.

Từ ngày chuyển về sống ở chung cư bà Thìn, vợ ông Tuấn tỏ ra ít nói hơn, bởi hàng xóm đóng cửa đi làm suốt nên bà cũng chỉ hỏi xã giao được vài câu nếu gặp mặt. Ngồi trong căn hộ rộng thênh thang, với các thiết bị nội thất hiện đại mà bà chạnh lòng nhớ lại những ngày sống dưới đất.

“Trước ở nhà đất quen, giờ lên đây thấy gò bó. Ngay cả việc các cháu khi đến thăm ông bà cũng bất tiện. Nhà ở trên tầng cao vút, xuống dưới sân chơi thì không tiện, bố mẹ không quản được. Vậy là các cháu nhỏ chỉ biết rủ nhau ra hành lang để hò hét, chạy nhảy. Biết thế này, trước không bán nhà để ở chung cư”-Bà Thìn thổ lộ.

Được mệnh danh là tòa nhà cao nhất Việt Nam, có những ưu điểm vượt trội so với các chung cư cao cấp khác về thiết kế, về quy mô. Tuy nhiên, với một số người, việc bỏ ra số tiền tỷ mua căn hộ để sống ở đây không phải là quyết định đúng.

“Ngoài mối quan hệ với hàng xóm ở khu chung cư, sống trong khu nhà cao tầng ngất ngưởng, chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ động đất, cháy nổ. Nói thật, nhiều người vẫn chưa biết cách sử dụng hệ thống PCCC của tòa nhà thế nào dù nó rất hiện đại”-Anh Tâm ở tòa tháp B nói.

Những vụ lùm xùm ở Keangnam

Được coi là tòa nhà hiện đại và cao nhất Việt Nam nhưng tòa nhà Keangnam cũng đi kèm với những lùm xùm. Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower (ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) do Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina làm chủ đầu tư được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD từ năm 2007, theo thiết kế cao 70 tầng.

Trong quá trình thi công tại Keangnam liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động làm nhiều người chết, nhiều người bị thương. Cùng với các vụ tai nạn chết người, công trình Keangnam tiếp tục “nổi tiếng” với những vụ hỏa hoạn xảy ra; Mới đây Keangnam lại “nổi tiếng” khi bị hàng trăm cư dân sống tại đây phản đối việc thu hàng loạt các loại phí dịch vụ mức quá cao. Nguyễn Tú

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều công trình dân dụng, toà nhà lớn nhỏ sử dụng kính phản quang, che phủ phần mặt tiền hoặc bọc toàn bộ mặt ngoài của khối công trình.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành các tiêu chuẩn để kiểm soát, quản lý về chất lượng, tính năng kỹ thuật và phạm vi sử dụng vật liệu này. Trong đó có quy định các loại sản phẩm hàng hóa kính đều bị đưa vào danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn- với những quy định nghiêm ngặt về công bố chất lượng kiểm soát chất lượng và chứng nhận hợp quy. - Nguyễn Tú

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bình luận