> Cận cảnh hiện trường vụ sập giàn giáo ở Hà Nội
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Ông Nguyễn Duy Hùng cho biết, ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, công an phường Mộ Lao, công an quận Hà Đông, Viện kiểm sát nhân dân quận Hà Đông và các phòng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội đã có mặt, tiền hành khám nghiệm hiện trường thu thập tài liệu, chứng cứ để điều tra làm rõ nguyện nhân của vụ việc.
Đổ lỗi cho công nhân?
Vụ tai nạn lao động sập giàn giáo chiều 21-2 tại công trình chung cư cao tầng Mulberry Lane (Hà Đông) khiến một công nhân tử vong. Bốn người khác đang được điều trị tích cực tại bệnh viện 103 (Hà Đông, Hà Nội).
Danh tính của năm nạn nhân được xác định là: Nguyễn Tiến Sang (SN 1979 bị chấn thương nặng, đã tử vong); Phạm Văn Toàn (SN 1980); Phạm Văn Trang (SN 1990) cùng trú tại xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; Phạm Văn Thành (SN 1963); Trần Văn Thoại (SN 1969) đều trú tại xã Đồng Lộc, huyện Đồng Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Công trình chung cư cao tầng Mulberry Lane thuộc dự án khu đô thị Mỗ Lao. Nhà thầu chính xây dựng công trình là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC), và có tới 30 nhà thầu phụ. Theo báo cáo của chủ thầu chính gửi Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, công trình tòa nhà cao tầng Capital Land có khoảng 4.000 công nhân đang thi công tại đây. Tòa nhà bị sập giàn giáo chiều tối 21-2 thuộc block E.
Cũng theo báo cáo ban đầu của nhà thầu chính, nguyên nhấn đổ giàn giáo do công nhân thi công tại tầng sáu của tòa nhà tự ý tháo gỡ gong sàn của giàn giáo bao che. Sau khi tai nạn xảy ra, công ty đã đưa các bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện 103. Anh Phạm Tiến Sang tử vong, phía công ty hỗ trợ gia đình nạn nhân 250 triệu đồng. Công ty cũng hỗ trợ bước đầu chi phí thuốc men, điều trị cho bốn bệnh nhân còn lại.
Bệnh nhân Phạm Văn Toàn bị chấn thương sọ não. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Nguy kịch
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong sáng nay (22-2), Tiến sĩ Nguyễn Trường Giang – Bác sĩ chuyên khoa II (Bệnh viện 103), cho biết, nạn nhân Phạm Văn Toàn bị đa chấn thương, vỡ xương sọ khu vực thái dương, gãy xương đùi. Trần Văn Thoại bị chấn thương não, chấn thương phần mềm toàn thân. Phạm Văn Trang cũng bị chấn động não, chấn thương phần mềm. Trong đó, hai người bị thương nặng đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu.
Ngồi bên giường bệnh của chồng là anh Phạm Văn Toàn (thôn Bãi Lội, xã Toàn Thắng, Gia Lộc, Hải Dương), chị H nước mắt đỏ hoe. Tối qua, nhận được hung tin chồng bị tai nạn sập giàn giáo, đang cấp cứu tại bệnh viện, chị vội bắt xe chạy từ Hải Dương xuống thăm chồng.
Chị cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Toàn phải đi làm xây dựng để kiếm tiền trang trải. Sau tai nạn chiều qua, anh Toàn bị chấn thương sọ não, hôn mê bất tỉnh.
* Theo ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, hiện tại đoàn kiểm tra tai nạn lao động của thành phố Hà Nội đang phối hợp cùng cơ quan công an tiến hành khám nghiệm tử thi cũng như điều tra thu thập chứng cứ tại hiện trường để sớm có kết luận. * Ông Phan Văn Mậu, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, về nguyên tắc an toàn lao động, khi thi công ở độ cao từ 2m trở lên thì người lao động phải thắt dây an toàn. Nếu chưa đến độ cao này, nhưng phía dưới có chướng ngại vật nguy hiểm cũng phải đeo dây an toàn. Nếu không đeo dây an toàn thì chủ sử dụng không cho phép công nhân lao động. Hệ thống giàn giáo, sàn giáo, giá đỡ phải được thiết kế, tính toán một cách khoa học và chính xác, nhất thiết phải được nghiệm thu trước khi cho công nhân lên làm việc. Tất cả công nhân làm việc trên giàn giáo đều phải được huấn luyện, kiểm tra, giám sát trong quá trình làm việc để đảm bảo luôn chấp hành đúng các quy định về an toàn lao động trên cao. Theo Thông Tấn Xã Việt Nam |