Cướp biển Somalia đe dọa tính mạng 12 người Việt

Cướp biển Somalia đe dọa tính mạng 12 người Việt
TP - Chủ tàu đánh cá Shiuh Fu-1 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ cuối năm 2010 ngoài khơi Madagascar, tuyên bố bỏ tàu, khiến tính mạng 26 thủy thủ, trong đó có 12 người Việt Nam, bị đe dọa. Thuyền trưởng đã bị cướp biển đánh gãy tay.

> Gặp người Việt đánh trả cướp biển Somalia

Cú điện thoại cuối cùng

Ngày 1-2, ông Trần Văn Vinh (48 tuổi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) cho PV Tiền Phong biết, con trai ông là Trần Văn Hùng (25 tuổi), bị cướp biển Somalia bắt giữ mới đây điện về kêu cứu. Theo ông Vinh, anh Hùng xuất cảnh đi đánh cá trên tàu Đài Loan từ ngày 17-12-2009. Ngày 25-10-2010, tàu bị cướp biển Somalia bắt giữ.

Kể từ khi bị bắt giữ, anh Hùng gọi điện về nhà 2 lần. Lần một cách đây khoảng 3 tháng; lần 2 vào ngày 28 Tết Nhâm Thìn. Qua điện thoại, anh Hùng cho biết, vì biết chủ tàu Đài Loan không có ý định chuộc tàu nên cướp biển đã đập gãy tay thuyền trưởng và thường xuyên đánh đập các thuyền viên.

Mỗi ngày, cướp biển chỉ cho ăn một bát cơm hoặc một cái bánh mỳ và cho uống 1-2 cốc nước. Anh nói, vì chủ tàu đã bỏ cuộc nên thuyền viên không được phép liên lạc về nhà nữa.

Ông Vinh cho biết, ngày 1-2, ông viết đơn nộp Cty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco) thuộc Tổng Cty Cienco 1 (Bộ GT-VT), đơn vị đưa con ông đi Đài Loan đánh bắt xa bờ, và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) để yêu cầu giúp đỡ.

Cách nào giải cứu?

Trong số 12 thuyền viên Việt Nam, 8 người quê Nghệ An, và 4 thuyền viên có hộ khẩu huyện Quỳnh Lưu đã gọi điện về nhà kêu cứu.

Ngày 31-1, ông Trần Trương, bố của thuyền viên Trần Minh Trí (SN 1991) thường trú Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) nói: Đang chuẩn bị đón Tết thì Trí điện về nói trong nước mắt. Tính mạng của con coi như đã hết, thuyền trưởng đã bị bọn hải tặc đánh gãy một cánh tay.

Sau khi đưa tàu vào bờ, bọn chúng đã tháo toàn bộ linh kiện, thiết bị máy móc trên tàu để vô hiệu hóa phương tiện thủy rồi đe giết dần từng người nếu không sớm nhận được tiền chuộc”. Cùng xã và cùng cảnh ngộ với anh Trí còn có thuyền viên Hồ Xuân Hương (SN 1989) Vũ Văn Ba (SN 1991) và Nguyễn Văn Hải (SN 1993).

Bà Bùi Thị Huyền mẹ thuyền viên Hương
Bà Bùi Thị Huyền mẹ thuyền viên Hương .

Bà Bùi Thị Huyền, mẹ của anh Hương, kể “Khi hợp đồng thì phía công ty môi giới ký trả mỗi tháng 700 USD, mỗi tháng trừ lại 20 USD để đặt cọc, sau khi hết hạn hợp đồng sẽ thanh toán. Nếu theo hợp đồng thì mỗi tháng gia đình thuyền viên sẽ nhận được 14 triệu tiền Việt, sau khi đã trừ chi phí.

Vậy mà từ khi con tôi bị cướp biển bắt giữ đến nay phía công ty môi giới chỉ trả mỗi quý 10 triệu hai trăm ngàn đồng, chỉ một phần ba tiền lương. Trong lúc đó, mặc dù đã ký hợp đồng nhưng họ vẫn trừ tới 50 USD mỗi tháng tiền đặt cọc.

Tệ hại hơn là suốt hơn một năm bị bắt giữ, tính mạng con tôi ngàn cân treo sợi tóc nhưng phía công ty đưa đi vẫn không có một lời thăm hỏi, kể cả ngày Tết”. Ông Vũ Văn Ngợi, bố của anh Ba, không lúc nào có mặt ở nhà bởi còn lo lánh nạn với số tiền vay nóng cho con đi giờ đã lãi mẹ đẻ lãi con lên đến hàng chục triệu đồng.

Ngày 1-2, trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ của Cty Inmasco, xác nhận đúng là có thuyền viên gọi điện về thông báo việc thuyền trưởng bị đánh gãy tay và cho biết chủ tàu không có ý định chuộc tàu.

Ông Vũ Đình Tuân, Trưởng phòng Đài Loan (Cty Inmasco), cho biết, hơn một năm qua, phía Cty và chủ tàu thường xuyên liên lạc, báo cáo thông tin đàm phán với cơ quan hữu quan.

Mặc dù đã nhiều lần thúc giục chủ tàu, nhưng đây là vấn đề quốc tế, nằm ngoài phạm vi can thiệp của doanh nghiệp nên rất khó khăn. “Dù bị cướp biển giam giữ, các thuyền viên vẫn được nhận lương hằng tháng”, ông Tuân cho biết.

Cùng ngày, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Cục đã đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan liên quan ở nước ngoài làm việc với phía chủ tàu và Cty quản lý tàu phía Đài Loan để đảm bảo an toàn cho các thuyền viên.

Thời gian tới, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) sẽ có biện pháp can thiệp mạnh để giải cứu các thuyền viên Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG