Chỗ dựa xứ người

Chỗ dựa xứ người
TP - Những cô gái Việt làm dâu xứ Kim Chi với biết bao bỡ ngỡ. Họ tìm đến nhau, vịn vào nhau mà đứng dậy. Và chính họ đã mang đến phong vị Việt cho nếp nhà xử Kim Chi.

 > Rể Hàn thăm quê vợ

Ánh (bế con trai 5 tháng tuổi) học tiếng Hàn cùng các cô dâu Việt khác Ảnh: Th.Hà
Ánh (bế con trai 5 tháng tuổi) học tiếng Hàn cùng các cô dâu Việt khác Ảnh: Th.Hà.

Cùng dòng máu đỏ da vàng…

Chúng tôi về nơi Nguyễn Thị Hương (quê Quảng Ninh) đang làm dâu, ăn bữa cơm trưa truyền thống của Hàn Quốc tại huyện Tanyang (tỉnh Chung Buk). Không khí thân mật như đang ở miền quê Việt Nam. Căn nhà đơn sơ nhưng ấm áp bởi những bức tranh phong cảnh quê hương Việt Nam được gia chủ chọn lựa một cách tinh tế. Tôi đọc trong mắt Hương những ánh cười. Hình như đó là thông điệp của sự may mắn.

Chồng Hương làm nghề sửa chữa điện nên đi suốt từ sớm đến chiều muộn mới về. Lắm khi buồn, nhớ nhà, Hương cứ ngẩn ngơ ngồi nhìn những bức hình quê mẹ. Hiểu được nỗi niềm của vợ, chồng Hương bảo vợ cứ giữ toàn bộ tiền và liệu chi tiêu, nếu dành dụm được sẽ cùng nhau về thăm ông bà ngoại của bọn trẻ ở Việt Nam.

Thời gian đầu mới sang cũng bất đồng ngôn ngữ lắm, nhưng mẹ chồng là người hiền hậu nên chỉ bảo Hương từng chút một chuyện nấu bếp. Hương cứ thế làm theo cho đến khi thông thạo. Giờ Hương tham gia dạy tiếng Việt cho người Hàn và dạy tiếng Hàn cho người Việt.

Mỗi dịp tết Việt đến, Hương lại tự tay gói những chiếc bánh chưng mời gia đình chồng thưởng thức. Từ ngày có con dâu người Việt, bố mẹ chồng Hương lại được biết thêm nhiều những món ngon của Việt Nam.

Hạnh phúc cửa một gia đình Việt - Hàn
Hạnh phúc cửa một gia đình Việt - Hàn.

Nhưng đường đời bến đậu có ai giống ai đâu. Không phải sự may mắn nào cũng mỉm cười với họ, những cô gái Việt làm dâu xứ Hàn. Kim Anh, cô gái có khuôn mặt ưa nhìn lấy chồng Hàn được 2 năm. Để đổi lại cuộc sống đỡ mệt nhọc vì đã biết tiếng Hàn từ trước, Kim Anh lại phải chứng kiến những mệt mỏi tinh thần từ gia đình khác.

Hai năm qua, cô đã nhiều lần bị gọi lúc nửa đêm để “đi phiên dịch” cho những trường hợp vợ chồng xích mích. Những lúc như thế cô bảo mình nén nước mắt để nói sao cho gia đình người chồng hiểu, mà trong lòng dấy lên mối thương cảm cô gái đồng hương, đồng phận làm dâu xa xứ với mình.

Đã bao lần làm trọng tài cho những bất đồng nên nó trở thành bài học kinh nghiệm cho cô. Nhờ đó, khi gặp những người mới sang làm dâu Hàn Quốc, Kim Anh truyền lại những kinh nghiệm đó giúp những người đi sau ít nhiều thấu hiểu để có cuộc sống đỡ căng thẳng hơn.

Những xích mích của các gia đình trẻ phần nhiều do bất đồng ngôn ngữ, đôi khi do tâm lý các cô gái Việt nghĩ rằng lấy chồng Hàn Quốc sẽ được cuộc sống giàu sang hoặc chồng không đẹp như trong phim, nên sinh ra thất vọng.

Những đứa trẻ mang 2 dòng máu Việt - Hàn
Những đứa trẻ mang 2 dòng máu Việt - Hàn.

Đâu “chỉ có ta với mình”

Họ, những cô gái Việt xa xứ đã dựa vào nhau mà sống, mà sẻ chia trong tình thân ái chảy từ dòng máu Việt. Và họ cũng không đến nỗi lẻ loi “chỉ có ta với mình”. Tới thăm Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa của tỉnh Chung Buk, tôi thoáng thấy cô gái có cặp mắt tròn to đi lại như con thoi giữa các phòng học. Hỏi ra mới biết đó là Trần Thị Ngọc Hân (31 tuổi, quê ở Tây Ninh) hiện là trợ giảng môn tiếng Việt cho trung tâm.

Hân lấy chồng Hàn Quốc cách đây 6 năm, giờ đã là mẹ của 2 đứa con xinh xắn. Sang quê chồng, bất đồng ngôn ngữ khiến Hân như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Nhưng rồi, Hân được Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa cử cô giáo dạy tiếng Hàn về nhà dạy, được học nấu các món ăn Hàn Quốc, được tham dự các lớp học chăm sóc em bé.

Hân bảo: “Các hoạt động xã hội giáo dục của Hàn Quốc rất tốt. Không có nó, vợ chồng em không thể sống hạnh phúc như ngày hôm nay”.

Khi sinh con, trung tâm này còn cử người đến giặt tã hoặc chăm con giúp vợ chồng Hân. Hàn Quốc khuyến khích đẻ nhiều, đặc biệt ưu tiên cho các gia đình đa văn hóa (chồng Hàn Quốc lấy vợ nước khác), nên khi sinh con đều được trợ cấp.

Những đứa con của gia đình đa văn hóa được trông giữ miễn phí để người mẹ yên tâm học tập
Những đứa con của gia đình đa văn hóa được trông giữ miễn phí để người mẹ yên tâm học tập.

Hân chia sẻ: “Em cũng là cô dâu Việt, đã trải qua bao khó khăn để hòa nhập với cuộc sống mới nên giúp được chị em có thân phận như mình thì mừng lắm. Ở nơi xa xứ này, bọn em thương nhau như chị em ruột vậy”.

Cô đơn. Nhớ nhà. Đó là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại ở các cô dâu Việt. Nguyễn Thị Ánh (21 tuổi) tâm sự: “Những ngày mới sang, em không biết tiếng, cả nhà chồng thì cứ quan sát lạ lẫm và bàn tán gì đó làm em thấy rất hoang mang. Lúc đó, em thấy chán nản. Chồng em cũng không an ủi được gì vì cũng chả biết chữ tiếng Việt nào, đành dắt tay vợ ra ngoài đi lang thang cho khuây khỏa”.

Giờ thì cuộc sống của Ánh đã tìm thấy niềm vui rồi. Hàng ngày chồng đi làm đều chở Ánh và đứa con trai mới 5 tháng tuổi đến Trung tâm để học tiếng Hàn, nấu ăn và lễ nghĩa của người Hàn Quốc. Ở đây Ánh được gặp gỡ và trò chuyện, chia sẻ nhiều điều với những cô dâu Việt khác.

Hai đứa con của Hân và nhiều cô dâu Việt khác cũng được học tiếng Việt và văn hóa Việt ngay trên quê hương của cha. Nghe những đứa trẻ 4-5 tuổi nói tiếng Việt giọng lơ lớ ai cũng bùi ngùi xúc động. Lấy chồng xa xứ mà có những người cùng cảnh ngộ, tiếng nói, màu da tựa vào nhau để sống, thì đó chính là bà đỡ tinh thần để dìu nhau qua những ngày tháng gian nan.

Tôi nghĩ về họ, may mắn có những người chồng chịu thương, chịu khó nhưng họ cũng phải tuân theo những nề nếp gia giáo của một gia đình truyền thống Hàn Quốc. Sáng sớm vợ phải dậy nấu cơm cho chồng ăn rồi đi làm. Mỗi khi chồng về nhà phải cởi áo, cất giày cho chồng, hằng ngày ở nhà chăm sóc con cái. Với những người phụ nữ Việt Nam đảm đang, nhân hậu bao đời nay, thì những việc đó cũng là thứ gia vị để chồng vợ nuôi dưỡng tình yêu. Dù có đi góc bể chân trời, thì đức hy sinh luôn là sức mạnh để họ sống trong niềm vui làm vợ, làm mẹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG